‘Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế’
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Theo nội dung Chính phủ trình Quốc hội ở buổi làm việc vào ngày 26-5 về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chính phủ xác định không đánh đổi môi trường để lấy sự tăng trưởng kinh tế mà nhà làm luật nên có những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ môi trường.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội |
Một số nội dung mới
Ngày 26-5, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trước Quốc hội.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng Luật như sau: – Bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. – Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. – Luật sửa đổi phải tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cam kết quốc tế, trách nhiệm được quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. |
Ông Hà cho hay cuộc sống thực tiễn đã làm phát sinh những vấn đề mơí, thách thức mới và điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.
Luật hiện hành bộc lộ những điểm hạn chế, như chưa tiếp cận được để giải quyết những vấn đề mới phát sinh, chưa được cập nhật theo kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục mà chưa chú trọng đến việc quản lý theo mục tiêu và kết quả; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa quy định chi tiết nên chưa bảo đảm được các yếu tố thực thi; nhiều nội dung về bảo vệ môi trường còn nằm phân tán ở các luật khác nhau.
“Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy việc quản lý môi trường phải gắn với kết quả, mục tiêu cuối cùng, gắn trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp kèm theo các biện pháp chế tài xử lý nghiêm khắc. Tình trạng môi trường nước ta đang có diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải", ông Hà nói.
"Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn – những dự án phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”, theo lời ông Trần Hồng Hà.
Ông Hà cũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng Luật như sau: bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bên cạnh đó Luật sửa đổi còn tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cam kết quốc tế, trách nhiệm được quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Về nội dung của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ông Hà cho biết dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% số thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính xuống còn khoảng 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về môi trường.
“Ô nhiễm không khí đang là vấn đề bức xúc tại các đô thị lớn của Việt Nam nhưng chúng ta vẫn còn thiếu hành lang pháp lý để quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị nước ta. Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường không khí như: quy định việc lập và thực hiện kế hoạch hành động quốc gia và cấp tỉnh về quản lý chất lượng môi trường không khí”, ông Hà cho biết.
Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ các nội dung về bảo vệ chất lượng môi trường nước. Theo đó, nguồn thải vào môi trường nước bề mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và sức chịu tải của nguồn nước. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với nước thải phải phù hợp với mục đích sử dụng của nguồn nước theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước.
Không cấp giấy phép môi trường để xả nước thải vào các nguồn nước bề mặt đã không còn sức chịu tải, trừ trường hợp nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong bảo vệ chất lượng môi trường nước.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về tiêu chí và phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất; quy định nội dung về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan liên quan trong tổng hợp, xây dựng, cập nhật và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu các khu vực bị ô nhiễm môi trường.
Vẫn theo ông Hà, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, bao gồm đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất thực hiện dự án đầu tư. Được thể hiện là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất thực hiện dự án đầu tư và sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đồng thời với hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Về đánh giá tác động môi trường, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Giao Chính phủ quy định những trường hợp được miễn đánh giá tác động môi trường để ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.
Dự thảo Luật đã đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; bổ sung các quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom, tái chế, xử lý chất thải; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành sản xuất khác.
Đồng ý sửa Luật và một số điểm cần lưu ý
Sau khi nghe ông Hà phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đó, ông Dũng cho hay Ủy ban này cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật như Tờ trình của Chính phủ bởi Luật hiện hành còn bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập.
Ông Dũng cho hay Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí cao quan điểm xây dựng luật là để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo hướng nghiêm ngặt hơn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng không được gây cản trở cho sự phát triển kinh tế.
Việc thiết kế các công cụ kinh tế, rào cản kỹ thuật, các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tiệm cận dần với các quy định chung của khu vực và thế giới trong điều kiện nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng là cần thiết, nhưng cũng phải tính đến điều kiện, hoàn cảnh, trình độ dân trí hiện nay. Do đó, cần đánh giá toàn diện hơn tác động của các chính sách để bảo đảm tính khả thi của dự án Luật.
Về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành luật, ông Dũng cho biết một số ý kiến đề nghị cần bổ sung đánh giá sâu hơn, giải trình cụ thể về nguồn nhân lực thực thi cấp giấy phép môi trường; đăng ký môi trường cho cấp huyện, cấp xã; đề nghị tính toán kỹ hơn số lượng cơ sở phải hoàn thành thủ tục giấy phép môi trường sau 24 tháng (điểm d, đ khoản 2 Điều 48); thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính, thời gian tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường và thời hạn có hiệu lực của một số chính sách mới để bảo đảm tính khả thi.
Về phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường (Chương X). Ông Dũng cho biết có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn tiêu chí phân loại sự cố môi trường theo 4 mức độ: mức độ thấp, trung bình, cao và mức độ thảm họa tại khoản 1 Điều 131. Ý kiến khác cho rằng, quy định về tổ chức ứng phó sự cố môi trường (Điều 133) còn khá chung chung, chưa rõ cơ chế tổ chức ứng phó, đồng thời cần bổ sung cơ chế bảo đảm thông tin kịp thời đến từng tổ chức, cá nhân trong phạm vi ảnh hưởng của sự cố môi trường.
Về trách nhiệm quản lý về ứng phó sự cố môi trường, điểm a khoản 1 Điều 135 dự thảo Luật quy định Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm “Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường theo quy định pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình” là quá rộng, cần cân nhắc để bảo đảm tính khả thi; cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định để phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ khác…