Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không dễ giữ ổn định tỷ giá đến cuối năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không dễ giữ ổn định tỷ giá đến cuối năm

T.Thu – Thảo Nguyên

Không dễ giữ ổn định tỷ giá đến cuối năm
Tiền đồng chịu áp lực phá giá. Ảnh minh họa: Thành Hoa

(TBKTSG Online) – Sau thông tin về việc Trung Quốc phá giá đồng tiền vào sáng 11-8, tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ niêm yết tại các ngân hàng cũng bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian dài neo ở mức 21.840. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục bán ra ngoại tệ can thiệp thị trường, nhưng để giữ tỷ giá không tăng đến cuối năm là một thách thức lớn cho cơ quan này.

Từ trưa ngày 11-8, tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ đã được các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh mức niêm yết. Vào buổi sáng, tỷ giá tại Vietcombank vẫn nằm ở mức 21.840 đồng/đô la Mỹ (giá ngân hàng bán ra) và 21.780 đồng/đô la Mỹ (giá ngân hàng mua vào), tuy nhiên đến trưa cùng ngày, tỷ giá đã tăng 15 đồng lên 21.855 đồng/đô la Mỹ bán ra, và mua vào là 21.795 đồng/đô la.

Tại các ngân hàng khác, tỷ giá đồng/đô la Mỹ cũng được điều chỉnh tăng, nhưng với mức điều chỉnh cao hơn tại Vietcombank. Tại Techcombank, tỷ giá được niêm yết ở mức 21.870/21.810 đồng/đô la Mỹ, tại SCB và Eximbank lần lượt là 21.860/21.800 đồng/đô la Mỹ và 21.850/21.800 đồng/đô la Mỹ.   

Theo đó, hiện tỷ giá đồng/đô la Mỹ cách trần chỉ 20 đồng. Hiện mức tỷ giá trần cho phép là 21.890 đồng/đô la Mỹ, và mức sàn là 21.456 đồng/đô la Mỹ.

Trong khi đó, theo một điểm thu đổi ngoại tệ tại quận 1, TPHCM, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do lại giảm, xuống từ mức 21.940/21.920 đồng/đô la Mỹ trong mấy ngày trước đó xuống còn 21.890/21.870 đồng/đô la Mỹ.

Tỷ giá đồng/đô la Mỹ niêm yết tại các ngân hàng tăng trở lại sau khi hơn hai tháng nằm yên ở mức 21.840 đồng/đô la Mỹ cho thấy việc Trung Quốc phá giá đồng tiền có tác động đến tâm lý trên thị trường. Ngân hàng trung ương Trung Quốc sáng 11-8 thông báo giảm 1.000 điểm tỷ giá trao đổi nhân dân tệ so với đô la Mỹ, mức giảm nhiều nhất từ trước đến nay. Thông báo này có hiệu lực ngay lập tức.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện tỷ giá trao đổi nhân dân tệ so với đô la Mỹ.

Thông báo trên khiến nhân dân tệ mất giá 1,82%, 1 đô la Mỹ đổi được tới 6,2298 nhân dân tệ – nhiều nhất kể từ ngày 25-4-2013. Trước đó vào ngày 10-8, 1 đô la Mỹ đổi được 6,2097 nhân dân tệ.

Tính đến 10 giờ sáng nay ngày 11-8 theo giờ Bắc Kinh, nhân dân tệ giảm đến 2% so với đô la Mỹ, giao dịch ở mức 1 đô la Mỹ đổi 6,3323 nhân dân tệ.

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn, trong một tháng trở lại đây NHNN đã bán ra khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ để can thiệp thị trường. Việc tỷ giá không tăng trong thời gian gần đây chính là nhờ vào khối lượng ngoại tệ can thiệp này. Với yếu tố bên ngoài này, khả năng kìm hãm tỷ giá của NHNN lại càng khó hơn. Theo vị này, với việc phá giá đồng nhân dân tệ, cộng với tác động phá giá của các đồng tiền khác trong khu vực từ đầu năm đến nay, áp lực phá giá của tiền đồng là rất lớn. So với đô la Mỹ, đồng đô la Singapore đã phá giá đến 5%, đồng won của Hàn Quốc phá giá 6,42%, baht Thái 6,85%, đồng ringgit của Malaysia cũng mất giá đến 11,45%, trong khi đó, tiền đồng Việt Nam mới chỉ phá giá ở mức 2%.

"Năm nay cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt đến 3,9 tỉ đô la Mỹ trong 7 tháng. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến tỷ giá bị ảnh hưởng trong thời gian qua và sắp tới", vị này nói thêm.

Hai nguồn tin đến từ hai ngân hàng có thế mạnh về ngoại tệ đều cho rằng NHNN nên tính toán phá giá tiền đồng thêm, hoặc nới biên độ tăng giảm so với tỷ giá liên ngân hàng lên mức 1,5 đến 2% thay vì 1% như hiện tại. Vì như vậy, dự trữ ngoại hối sẽ không phải dùng để can thiệp vào thị trường, trong khi cũng chưa biết sẽ phải can thiệp bao lâu và bao nhiêu, cũng là phù hợp với xu hướng mất giá chung của đồng tiền các nước.

Tuy vậy, cả hai vị này đều cho rằng đứng ở góc độ vĩ mô, NHNN có thể tính toán để chọn lựa thời điểm và cách điều hành phù hợp để tránh ảnh hưởng đến các yếu tố khác của nền kinh tế.

Sau khi có động thái này của Trung Quốc, ông Benny Cheung, Giám đốc Phòng kinh doanh Ngoại hối và Thị trường vốn, HSBC Việt Nam cho rằng thị trường nhìn chung đang ở trạng thái ngại rủi ro sau khi nhân dân tệ giảm giá và các quỹ rút khỏi các đồng tiền như đô la Úc, đồng won của Hàn Quốc, đô la Singapore.

“Chúng tôi thấy giá tiền đồng mở cửa giảm nhẹ vào sáng nay và tăng khoảng 20 đồng/đô la so với giá đóng cửa hôm qua (giá giao ngay ở 21.835 đồng ăn 1 đô la Mỹ), nhưng tác động tới tiền đồng ít hơn nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Trong khi một vài sản phẩm của Việt Nam có thể gặp phải cạnh tranh về giá trong bối cảnh tiền tệ trong khu vực giảm giá, vẫn có những lợi ích trung hạn về chi phí đối với sản phẩm Việt Nam như chi phí nhân công rẻ, lực lượng lao động dồi dào, chính sách của chính phủ, các hiệp định tự do thương mại v.v… Các yếu tố này được hỗ trợ bởi tăng trưởng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam từ đầu năm tới nay so với tăng trưởng xuất khẩu âm của Trung Quốc.

"Theo tôi, nhân dân tệ là đồng tiền bị tác động nhiều bởi thị trường nên có thể sẽ lên giá lại, các doanh nghiệp cần có cái nhìn dài hạn khi họ lập kế hoạch cho kinh doanh, đầu tư (xét tới các yếu tố cơ sở hạ tầng, lao động, chính sách, độ ổn định thị trường…)”, ông Benny Cheung nói.

Xem thêm:

Trung Quốc phá giá nhân dân tệ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới