Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không dễ “sắm” đời công nhân!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không dễ “sắm” đời công nhân!

Phạm Thanh Thôi (*)

Một cơ sở may gia công ở Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Ảnh: PTT.

(TBKTSG) – Hiện có nhiều thanh niên nông thôn muốn từ bỏ “nghiệp nhà nông” để trở thành “người công nhân” nơi thành thị, thế nhưng điều kiện làm việc tại nhiều cơ sở sản xuất nhỏ chưa đem lại cho họ một cuộc sống có tương lai!

Lao động nhập cư và cơ sở sản xuất nhỏ

Nghỉ học theo chị vào TPHCM làm thợ hồ, anh Hoàng, 28 tuổi, quê Nam Định, phải ở trọ chung với chị gái và ba người nữ cùng quê khác trong một căn phòng ở phường 3, quận 8. Phòng chỉ rộng chừng 10 mét vuông, nằm trong một khu nhà trọ có hơn 40 phòng, xài chung hai nhà vệ sinh và một chỗ giặt quần áo.

Phòng trọ mái tôn, nền xi măng, không giường, không tủ, không cửa sổ, không chỗ thay quần áo. Đêm về, bốn người kéo chiếu ra ngủ chung với xe đạp, giày dép, vật dụng nấu ăn. Quạt máy chạy suốt đêm vừa để thoáng khí, vừa để đuổi muỗi thay cho mùng.

Sau thời gian làm thợ hồ, anh Hoàng xin được việc làm tại một cơ sở sản xuất tủ thờ gỗ, lương khoảng 500.000 đồng/tháng nhưng anh thấy “vui” vì được chủ bao ăn ngày hai bữa và cho ngủ lại ở chỗ làm, kiêm luôn việc coi giữ vật tư, máy móc! Chỉ riêng điều này đã có thể giải quyết được bao nỗi lo toan của người lên thành phố không xe, không chỗ ở và chi phí ăn uống khá tốn kém.

Ở một cơ sở may gia công tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, sinh hoạt của công nhân cũng diễn ra tương tự. Chị Thanh, 24 tuổi, quê Bến Tre và nhóm công nhân nữ, có người mới ở độ tuổi 15-16, làm việc chung với một nhóm thanh niên, công việc không có ngày nghỉ lễ hay Chủ nhật.

Ngày nào hàng ít thì làm đến 11 giờ đêm, ngày hàng nhiều có khi đến 1 giờ sáng, lương từ 600.000 – 1,5 triệu đồng/người tùy theo tay nghề và năng suất. Khi làm việc, con trai muốn mặc áo hay ở trần cũng được, muốn đeo khẩu trang tránh bụi hay không thì tùy, “vì làm quanh năm rồi cũng thích nghi với bụi vải”. Nam nữ cùng chung chỗ ngủ (cũng là xưởng may), chỗ tắm. Mấy cô gái ban đầu thấy ngại nhưng sau rồi cũng quen. Thanh cho biết chị đã từng làm việc qua nhiều cơ sở, “chỗ nào cũng vậy”.

Có những điều rất đáng suy nghĩ nhưng đối với những người thợ này có khi lại là những niềm vui nho nhỏ. Theo chị Thanh, “làm ở đây (cơ sở may) thuận tiện hơn nhiều chỗ khác vì không chỉ khỏi phải lo chuyện ăn ở mà còn không cần phải ký hợp đồng hay khai báo gì. Cứ đưa giấy chứng minh nhân dân, chủ nhà làm việc với công an khu vực là xong”.

Trong khi đó, niềm vui giản dị của anh Thanh là “được chủ cư xử như người thân”! (?), vì “được ngồi ăn cơm trưa chung, nói chuyện vui vẻ với chủ. Thỉnh thoảng, chiều Chủ nhật, chủ còn mua thịt, cá, rượu về lai rai. Tết còn cho thêm tiền hay gửi quà về quê…”. Có thể thấy, bấy nhiêu đó cũng đủ để người thợ cảm thấy mang cái ơn với người đã cho họ một công việc, một cuộc sống trong cuộc mưu sinh đầy khốn khó nơi thành thị, dù rằng điều kiện sống của họ chưa tốt.

Đâu dễ “sắm” đời công nhân!

Đề tài nghiên cứu sử dụng phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm; tiến hành chọn mẫu khảo sát tại quận 8, quận 11 và quận Bình Tân với 300 bản câu hỏi.

Một vài số liệu: 83,3% thanh niên di cư lên thành phố được sự giúp đỡ của bạn bè, họ hàng; 27,7% đang làm việc tại cơ sở sản xuất mà chủ là người cùng quê, hoặc họ hàng; chỉ có 4,7% xin việc làm hiện tại thông qua trung tâm giới thiệu việc làm; 50,7% làm việc và ăn ở tại cơ sở sản xuất; 53,7% cho rằng diện tích nhà ở và sinh hoạt của họ dưới 5 mét vuông/người; 37% đang thuê phòng trọ; 47% chưa có người yêu; 61,3% làm việc từ 10-14 giờ/ngày; 75% cho rằng họ không được trả tiền làm thêm giờ hoặc trả không thỏa đáng; 42,6% đã thay đổi công việc 2-4 lần từ khi lên thành phố…

Thật khó để trình bày hết những trường hợp ở các khía cạnh khác nhau trong đời sống hàng ngày của các nhóm lao động ở các cơ sở sản xuất nhỏ (CSSXN). Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài “Đời sống xã hội của thanh niên nhập cư lao động phổ thông tại các cơ sở sản xuất nhỏ ở TPHCM(**), những người thực hiện nhận thấy cuộc sống của thanh niên nhập cư luôn có những trở ngại lớn trong quá trình họ hội nhập vào đời sống và việc làm ở đô thị.

Họ có rất nhiều ngã rẽ khác nhau để đến với nhiều loại công việc, và phần lớn là chưa có tay nghề. Họ có thể trở thành công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân bốc vác, thợ xây dựng, thợ massage, bán quán cà phê, quán nhậu, giúp việc nhà, thu mua ve chai, hoặc làm việc trong các CSSXN như vận tải, hóa chất, in ấn, tái chế bao bì, may – thêu gia công, gia công đồ gỗ, giết mổ gia súc, gia cầm… Quá trình thay đổi công việc của họ cũng thông qua nhiều mối quan hệ bạn bè, họ hàng, người quen, hoặc người môi giới lao động.

Hiện vẫn chưa có cơ quan nào thống kê được hàng năm có bao nhiêu thanh niên lao động phổ thông từ nông thôn vào thành phố làm việc ở các CSSXN. Đây là mô hình kinh tế hộ gia đình, vốn đầu tư ít, hoạt động sản xuất kinh doanh ở quy mô nhỏ, hầu hết lấy không gian nhà ở làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh là chính. Quá trình đô thị hóa luôn tạo thêm “mặt bằng” cho mô hình sản xuất này lan rộng.

Đơn cử tại các khu dân cư ở TPHCM, cả trong khu vực nội thành lẫn ngoại thành, các CSSXN ra đời và hoạt động rất mạnh mẽ, trong đó, lao động nhập cư đóng góp rất lớn. Hàng ngàn chủ CSSXN đã giàu có hơn, mở rộng được mặt bằng sản xuất ở nhiều nơi nhờ nguồn lao động này. Nhưng nhìn chung, điều kiện bảo vệ sức khỏe người lao động ít được chú ý, nguy cơ bệnh tật cao và mức độ bệnh tật phụ thuộc nhiều vào đặc điểm mặt hàng sản xuất.

Hiện có nhiều thanh niên nông thôn muốn từ bỏ “nghiệp nhà nông” để trở thành “người công nhân” nơi thành thị, thế nhưng điều kiện làm việc tại nhiều CSSXN chưa đem lại cho họ một cuộc sống có tương lai! Nhiều người không dám nghĩ đến chuyện có vợ hoặc chồng, thiếu mối quan hệ xã hội, thu nhập thấp, điều kiện ăn ở kém và phức tạp, luôn lo sợ bị tai nạn lao động…

Trong nhiều trường hợp, cuộc sống và tuổi trẻ của họ cũng chỉ được trải nghiệm chủ yếu ở những khu nhà trọ hay các CSSXN chật chội và ô nhiễm. Không ít cơ sở không có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền lợi người lao động. Bằng nhiều cách, họ sử dụng những lao động trẻ chưa có tay nghề để trả lương theo kiểu “vừa học vừa làm”, qua đó, họ giảm chi được nhiều khoản chi phí và trợ cấp.

Ở TPHCM, chúng ta từng chứng kiến hiện tượng di chuyển nơi làm việc của những lao động này diễn ra phổ biến suốt thời gian dài vừa qua. Nhiều người đã thay đổi nhiều chỗ làm nhưng vẫn chưa thấy “có chút tương lai”. Cuối cùng, không ít người đã phải từ bỏ ước muốn làm “công nhân” nơi thành phố để quay về tiếp tục tìm cách mưu sinh ở nông thôn…

_____________________________________________________________

(*) Thạc sĩ, giảng viên Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM

(**) Đề tài thuộc Chương trình Vườn ươm Khoa học trẻ, 2009, Thành đoàn TPHCM là cơ quan chủ trì, tác giả bài viết là chủ nhiệm đề tài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới