Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không dễ xuất khẩu gạo vào thị trường gạo tập trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không dễ xuất khẩu gạo vào thị trường gạo tập trung

Trung Chánh

Không dễ xuất khẩu gạo vào thị trường gạo tập trung
Nhu cầu nhập khẩu gạo ở một số thị trường đã có nhưng rất khó để doanh nghiệp trong nước giành được hợp đồng. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Nhu cầu nhập khẩu gạo đối với phân khúc thị trường tập trung (government-to-government/G2G) cho năm 2015 đã rõ hơn, nhưng theo một số người trong cuộc, doanh nghiệp trong nước rất khó giành được những hợp đồng này bởi đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), khẳng định: “Đến giờ phút này, nhu cầu nhập khẩu gạo ở một số thị trường, nhất là thị trường tập trung đã có rồi.”

Theo ông Năng, sau ảnh hưởng của cơn bão Hagupit mới đây, Philippines đang có nhu cầu mua khoảng 600.000 tấn gạo và dự kiến sẽ mở thầu trong tháng 1 năm 2015 dù trước đó Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) bác bỏ thông tin sẽ nhập khẩu thêm gạo vì bão Hagupit.

Ngoài ra, một số thị trường khác như Maylaysia Indonesia,… cũng đang có nhu cầu mua gạo. Dự kiến tổng nhu cầu của thị trường tập trung (bao gồm cả Philippines) năm tới có thể đạt 2-2,5 triệu tấn cho loại gạo trắng thông dụng (5%, 15% và 25% tấm).

Tuy tín hiệu mua của khách hàng đã có nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có hợp đồng xuất khẩu với số lượng đáng kể nào được ký cho năm 2015.

“Doanh nghiệp có bán được hay không là câu chuyện cạnh tranh giữa chúng ta với các nước xuất khẩu khác,” ông Năng cho biết.

Theo một chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam, trong năm tới, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp nội địa sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn bởi lượng tồn kho ở mức cao của Thái Lan và tính khó lường của thị trường Trung Quốc.

“Chúng ta đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhưng không đoán định trước được nên trong trước mắt và trung hạn cạnh tranh gạo thông dụng của mình sẽ rất khó khăn,” vị này cho biết.

Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và một số thương nhân kinh doanh lúa gạo cho rằng chất lượng và chủng loại gạo không đồng nhất trong nước cũng khiến khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam kém hơn các nước rất nhiều.

Chẳng hạn, đối với nhóm gạo trắng thông dụng của Việt Nam hiện có quá nhiều giống khác nhau (ít nhất 10 giống), trong khi một số thị trường nhập khẩu đòi hỏi gạo phải có sự đồng nhất về màu sắc, kích cỡ hạt.

Thị trường châu Phi chẳng hạn, có nhu cầu khoảng 14 triệu tấn/năm đối với loại gạo thông dụng, tuy nhiên cho đến nay Việt Nam hầu như chưa bán được tấn gạo nào vào Đông Phi, còn ở Tây Phi mới chỉ bán được một ít vào Ghana và Bờ Biển Ngà.

Nếu kịch bản xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo trong năm 2014 của các doanh nghiệp hội viên VFA diễn ra đúng như dự báo, thì lượng hợp đồng xuất khẩu còn lại chuyển sang năm 2015 sẽ đạt xấp xỉ ít nhất 800.000 tấn. Bởi theo thống kê của VFA, lũy kế đăng ký hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp hội viên, tính đến ngày 20-11-2014 đã đạt xấp xỉ 7 triệu tấn (bao gồm cả hợp đồng tập trung và thương mại).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới