Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không định hướng sản xuất VLXD để xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không định hướng sản xuất VLXD để xuất khẩu

Quốc Hùng

Không định hướng sản xuất VLXD để xuất khẩu
Thị trường vật liệu xây dựng trong nước đang tiêu thụ chậm cần đẩy mạnh xuất khẩu -Ảnh minh họa: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) của Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây nhưng theo Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, về lâu dài vụ không định hướng xuất khẩu các mặt hàng này.

Giải pháp tạm thời

Tại Hội thảo “Thị trường Trung Đông – châu Phi: Tiềm năng và cơ hội” diễn ra ngày 12-7 tại TPHCM do Cục Xúc tiến thương mại – văn phòng đại diện tại TPHCM tổ chức, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc cho rằng hiện tại các doanh nghiệp trong ngành sản xuất VLXD đang gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước giảm mạnh và hiện cung đã vượt cầu.

Trước tình hình này, một số doanh nghiệp đang hướng đến xuất khẩu như là một giải pháp cho đầu ra hiện nay. Ông Bắc cho rằng ở thời điểm hiện tại thì vụ cũng khuyến khích doanh nghiệp tìm thị trưởng xuất khẩu để vượt khó cũng như mang ngoại tệ về. Tuy nhiên, về lâu dài vụ này cũng như Bộ Xây dựng không định hướng các doanh nghiệp sản xuất VLXD để xuất khẩu mà chỉ để phục vụ cho thị trường trong nước.

Lý giải điều này, ông Bắc cho rằng phần lớn các doanh nghiệp sản xuất VLXD đều sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu tốn nhiều năng lượng, cũng như ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường… Với những hạn chế này, theo ông Bắc một số nước trên thế giới cũng đã hạn chế hoặc không cho xuất khẩu VLXD mà chủ yếu để phục vụ thị trường trong nước. Ngay cả Thái Lan cũng đã hạn chế sản xuất gạch ốp lát và không cho xuất khẩu sản phẩm này.

Mặt khác, theo ông Bắc, một số sản phẩm VLXD có đặc thù là nặng, cồng kềnh rất khó mang về lợi nhuận cao khi xuất khẩu ở những thị trường xa bởi chi phí vận chuyển tốn kém.

Tuy nhiên, do tình hình đầu tư sản xuất các mặt hàng VLXD chủ yếu (xi măng, gốm sứ xây dựng, thủy tinh…) của các doanh nghiệp trong nước những năm gần đây phát triển rất mạnh, vượt cao hơn so với nhu cầu tiêu dùng trong nước, vì vậy việc tìm kiếm thị trường để xuất khẩu theo ông Bắc là việc làm cấp bách của các doanh nghiệp.

Đến châu Phi và Trung Đông?

Bên cạnh các thị trường truyền thống, theo ông Bắc, các doanh nghiệp cần nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu mới như thị trường các nước Trung Đông, châu Phi, và Đông Âu…

Tại hội thảo, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á thuộc Bộ Công Thương, cho biết tình hình phát triển ngành xây dựng tại Trung Đông và châu Phi hiện nay là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể tại Trung Đông đang phát triển rất mạnh ngành xây dựng. Dự kiến các nước thuộc Hội đồng hợp tác các nước Ả rập vùng Vịnh (GCC) sẽ đầu tư 915 tỉ đô la Mỹ cho các dự án xây dựng trong 2 năm (2012-2013). Trong đó, Ả-rập Xê-út và UAE chiếm 59% tổng số dự án xây dựng đang triển khai tại khu vực Trung Đông và 75% tại các nước GCC. Ông Hùng cho rằng các dự án xây dựng tại Trung Đông sẽ mang lại cơ hội cho ngành công nghiệp VLXD.

Trong lúc đó, ở thị trường châu Phi (như Nigeria), ngành VLXD không phát triển mạnh, phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu; sản xuất xi măng trong nước chỉ đáp ứng được 51% nhu cầu. Nước này cũng nhập khẩu tấm lợp, gạch men, sứ vệ sinh, ống dẫn nước, khung cửa, khung nhà thép tiền chế, vật tư khác dùng cho ngành xây dựng. Mỗi năm Nigeria nhập khẩu 4,2 tỉ đô la Mỹ VLXD. Hay Angieri năm 2010 cũng nhập khẩu gần 2,3 tỉ đô la Mỹ…

Tương tự, khu vực Tây Phi cũng đang thiếu hụt xi măng trầm trọng với mức tiêu thụ tăng 12%/năm. Ông Hùng cho rằng các nước Tây Phi nhập khẩu xi măng chủ yếu từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên chất lượng xi măng Trung Quốc không được đánh giá tốt, còn giá thành xi măng Thổ Nhĩ Kỳ lại khá cao, nên có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu xi măng sang Tây Phi.

Kim ngạch xuất khẩu VLXD năm 2011 của Việt Nam đạt 765,9 triệu đô la Mỹ, lớn nhất từ trước đến nay, tăng 86,4% so với năm 2010 và tất cả các loại mặt hàng đều tăng.

 

Kim ngạch xuất khẩu VLXD năm 2011 và mức tăng trưởng so với năm 2010

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới