Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không đơn thuần là một công cụ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không đơn thuần là một công cụ

Hoàng My thực hiện

Ông Lê Việt Cường.

(TBVTSG) – FPT đã trở thành doanh nghiệp thứ năm được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (Certificate Authority – CA) trong nước. Doanh nghiệp này kỳ vọng rằng kinh nghiệm 15 năm phát triển các ứng dụng CNTT của họ sẽ mang lại những lợi thế nhất định khi tham gia vào thị trường mới mẻ này ở Việt Nam.

Thời báo Vi tính Sài Gòn đã trao đổi với ông Lê Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm FPT-CA, Công ty cổ phần Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), về kế hoạch phát triển dịch vụ.

TBVTSG: FPT sẽ tham gia vào thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số như thế nào sau khi được cấp giấy phép là nhà cung cấp dịch vụ, thưa ông?

Ông Lê Việt Cường: – Thời điểm FPT được cấp giấy phép cũng là thời điểm hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng FPT-CA đã được nghiên cứu và xây dựng hoàn thiện, chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Trong một thời gian dài, FPT đã phát triển công nghệ hạ tầng khóa công khai (Public Key Infrastructure – PKI) cũng như tìm hiểu yêu cầu của khách hàng trong việc tích hợp chữ ký số. Một số ứng dụng tiền đề đối với FPT-CA như tích hợp chữ ký số và hệ thống bảo mật phần cứng (Hardware Security Module – HSM) lên hệ thống trao đổi thông tin giữa các đơn vị như kho bạc, hải quan, ngân hàng đã được triển khai thành công. Có thể nói sau những bước chuẩn bị về con người, công nghệ và khách hàng, đây là thời điểm thích hợp để FPT tham gia vào thị trường này.

Có vẻ như trong giai đoạn đầu, FPT chú trọng vào việc cung cấp dịch vụ cho khối doanh nghiệp, vậy ông đánh giá về khối khách hàng cá nhân ra sao?

– Trước tiên, FPT nhắm đến việc cung cấp dịch vụ FPT-CA cho những khách hàng chiến lược của mình hiện nay trong khối tài chính công như kho bạc, hải quan và các doanh nghiệp ngành ngân hàng, viễn thông… Tiếp đó sẽ từng bước giới thiệu tiện ích này đến thị trường đại chúng, đây mới chính là thị trường lớn mang lại nguồn thu chủ yếu cho dịch vụ chữ ký số trong tương lai.

Thị trường cá nhân chắc chắn sẽ là mục tiêu quan trọng do đây là thị trường có số lượng khách thuê bao tiềm năng rất lớn (thị trường mass). Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc ứng dụng chữ ký số chưa có những đột phá giúp tạo ra hiệu quả kinh tế – xã hội nên khó thuyết phục các cá nhân sử dụng ngay. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng cho các hệ thống thanh toán điện tử, giao dịch trực tuyến còn khá hạn chế. Có thể trong vòng 2-3 năm tới, khi các ứng dụng như khai thuế trực tuyến (e-Tax), hải quan trực tuyến (e-Customs) được triển khai thành công và hạ tầng cho việc thanh toán trực tuyến đã phát triển thì thị trường chữ ký số cho cá nhân sẽ bước vào giai đoạn phát triển mạnh.

Đâu là những yêu cầu quan trọng đối với một doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ chữ ký số?

– Về mặt lý thuyết, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần sự xác thực và có thể áp dụng chữ ký số trên nền PKI. Đặc biệt, sau khi được công nhận có giá trị pháp lý tương đương như chữ ký tay, chữ ký số sẽ trở thành một hướng kinh doanh đầy tiềm năng. Trong thực tế, việc tích hợp chữ ký số vào các ứng dụng của khách hàng là không đơn giản. Ngoài việc xây dựng nền tảng công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ còn phải nắm vững quy trình ứng dụng trong hệ thống của khách hàng.

Một giải pháp muốn thành công trên thị trường còn cần một nền tảng bảo mật đáng tin cậy cho các giao dịch điện tử. Theo kinh nghiệm của chúng tôi về những giải pháp mà FPT từng cung cấp trước đây, yêu cầu về sự ổn định, tính bảo mật, giá thành và hỗ trợ khách hàng là các tiêu chuẩn hàng đầu. Không chỉ công nghệ mà còn có thể xây dựng các quy trình cũng như tham gia tư vấn để khách hàng sử dụng chữ ký số có hiệu quả.

Vậy giải pháp FPT-CA đã được xây dựng trên nền tảng như thế nào?

– FPT-CA được thiết kế dựa trên mô hình PKI, là một hệ thống hiện đại, có khả năng cấp phát, xử lý hàng triệu chứng thư số. Giải pháp được thiết kế theo các tiêu chuẩn quốc tế như X509, PKIX, LDAP… có thể đáp ứng cho nhu cầu mở rộng trong tương lai. Các tiêu chuẩn này đã được áp dụng cho các hệ thống CA lớn trên thế giới như Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng của Pháp, hệ thống hộ chiếu điện tử (e-Passport) cho chính phủ các nước châu Âu… Hệ thống của FPT-CA cung cấp tính linh hoạt cho việc đăng ký áp dụng các loại chứng thư số khác nhau như web, e-mail, face-to-face, CMP, SCEP…

Các chính sách kiểm soát việc đăng ký có thể được bổ sung hoặc loại bỏ mà không làm gián đoạn hoạt động của hệ thống PKI. Tính sẵn sàng của hệ thống cao là nhờ vào các chính sách, tập tin nhật ký (log), dữ liệu về chứng thư số và CRL được lưu trữ trên nền tảng Oracle – một trong những hệ cơ sở dữ liệu lớn nhất và đáng tin cậy nhất trên thế giới hiện nay.

Các doanh nghiệp khi ứng dụng chữ ký số thì cần hiểu như thế nào về sự khác biệt của giải pháp được cung cấp trên thị trường?

– Như tôi đã nói, PKI là một tập hợp các quy trình, chính sách và công nghệ chứ không đơn thuần là một công cụ. Ngoài hệ thống CA, nhà cung cấp còn phải am hiểu cũng như nắm vững cách thức vận hành của ứng dụng mới có thể tích hợp được chữ ký số có hiệu quả. FPT IS là nhà phát triển giải pháp và hiện đã cung cấp nhiều ứng dụng trao đổi thông tin trong các tổ chức và doanh nghiệp. Sự am hiểu ứng dụng của khách hàng với tư cách là nhà phát triển chính các ứng dụng đó là một yếu tố quan trọng để FPT IS tiến hành quá trình tích hợp chữ ký số có hiệu quả cho khách hàng của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới