Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không đơn thuần là thẻ nhập cảnh điện tử

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Số hóa và công nghệ hóa các thủ tục xuất nhập cảnh là tiền đề mới cho cạnh tranh của ngành du lịch các nước.

Các cổng điện tử tại sân bay Selatar, Singapore do hãng công nghệ đa quốc gia IDEMIA thực hiện. Tập đoàn này cũng trúng thầu công trình xây dựng các cổng điện tử tại nhà ga T3 và T4 của sân bay quốc tế Changi. Ảnh: IDEMIA

Dịch bệnh đã thúc đẩy nhanh quá trình số hóa trong thủ tục xuất nhập cảnh của các nước châu Á – Thái Bình Dương. Một số nước không còn dán visa giấy, mà thay vào đó là visa điện tử. Ở nhiều cửa khẩu, quá trình thử nghiệm e-pass thay dần cho các dấu tem đóng vào hộ chiếu. Khách có thể tự hoàn thành thủ tục check-in tại sân bay và tự động qua cửa hải quan. Chuyển đổi số cũng giúp việc mua sắm ở cửa hàng miễn thuế “mượt” hơn.

Ngoại trừ một số nước như Singapore và Malaysia có hộ chiếu gắn chip điện tử với các thông số sinh trắc học, các nước Đông Nam Á vẫn còn dùng hộ chiếu bằng giấy. Điều này sẽ làm chậm lại việc đi lại của công dân các nước này trong tương lai khi việc tự động hóa đang diễn ra khắp các sân bay và cửa khẩu trên thế giới, góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh của ngành du lịch các nước.

Nhanh và bớt rườm rà với Thailand Pass

Thái Lan bắt đầu mở cửa đón du khách quốc tế từ ngày 1-7-2021 trong kế hoạch Phuket Sandbox. Ngoài visa đối với một số quốc gia, Thái Lan buộc du khách phải có giấy nhập cảnh (Certificate of entry – COE) được đăng ký trên trang mạng do Bộ Ngoại giao Thái Lan quản lý. Ngay cả công dân quốc tịch Thái Lan cũng phải thực hiện thủ tục này.

AirAsia dự định lắp đặt trên toàn mạng bay các quầy thủ tục điện tử có công nghệ nhận diện gương mặt FACES. Kế hoạch này được triển khai sau khi FACES được thử nghiệm ở tổng hành dinh của AirAsia tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AirAsia

COE tuy miễn phí nhưng thực chất là loại visa mới do các đại sứ quán hay tổng lãnh sự, lãnh sự quán của Thái Lan ở nước sở tại phê duyệt và cấp cho người nộp đơn. Các cơ quan này có thể vì lý do nào đó – không đúng yêu cầu bảo hiểm y tế chẳng hạn – mà từ chối cấp. Hoặc khách không thể xin COE kịp cho chuyến đi do nhân viên các cơ quan ngoại giao Thái Lan tại nước sở tại bị nhiễm bệnh hoặc bị hạn chế đi lại do tình hình dịch bệnh.

Bắt đầu từ ngày 1-11 năm ngoái, cổng thông tin Thailand Pass đã ra đời để giải quyết các điểm nghẽn của COE. Về lý thuyết, thời gian chờ loại giấy nhập cảnh này là 5-7 ngày, nhưng khách từ Việt Nam đi làm việc và du lịch trong các tháng qua đều nói rằng thời gian chờ đã được rút ngắn đi, có khi chỉ trong 24 giờ là e-pass đã được gửi về e-mail đăng ký.

Từ ngày 1-4, ngoài việc miễn xét nghiệm PCR trước khi bay, Thái Lan đã giảm số ngày phải ở tại khách sạn chỉ định trong các khu sandbox và cách ly bắt buộc xuống còn 5 ngày. Và từ đầu tuần này (18-4), Thái Lan bắt đầu cho phép du khách nước ngoài được phép nhập cảnh sớm hơn hoặc trễ hơn bảy ngày so với ngày đã được duyệt trong Thailand Pass.

Tuy nhiên, dù thủ tục cấp giấy nhập cảnh điện tử đã được cải tiến liên tục theo hướng ngày càng dễ hơn và thuận tiện hơn, khách du lịch nước ngoài vẫn cảm thấy dễ lẫn lộn và mơ hồ với các chương trình nhập cảnh Thái Lan vào lúc này. Việc xét nghiệm hai lần PCR khi nhập cảnh với chi phí 2.000-2.500 baht/lần (hơn 1,3-1,7 triệu đồng) đã khiến nhiều du khách e ngại vì “tốn vô lý” một khoản tiền lớn. Đó là chưa kể khi về bị xét nghiệm thêm ít nhất một lần nữa. Nhưng các cơ sở y tế Thái Lan đòi hỏi chỉ số CT (tải lượng virus) phải từ 40 trở lên, khiến nhiều khách bị kẹt dài ngày ở Thái Lan trước khi có thể lên máy bay về nước.

Malaysia và Singapore đã tạm dừng hoạt động các cửa điện tử từ tháng 2-2020 nhằm ngăn chặn các ca Covid-19 nhập khẩu vào hai nước này. Ảnh: AFP

Tổng cục Du lịch và Bộ Du lịch và Thể thao sẽ trình kế hoạch hủy bỏ chương trình Test & Go với cơ quan quản lý dịch bệnh Thái Lan (CCSA) trong cuộc họp ngày 22-4. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchankitprakarn nói rằng nếu được phê duyệt thì từ ngày 1-5 du khách có thể đến Thái Lan với hộ chiếu vaccine. “Du khách không cần phải đợi 3-5 ngày để được phê duyệt trên trang mạng Thailand Pass”.

Thái Lan đang tiến gần đến việc xem Covid-19 như bệnh đặc hữu thông thường kể từ ngày 1-7 sắp tới. Nhưng kế hoạch này có thể được đôn lên sớm hơn, bắt đầu từ ngày 1-5 nhằm cạnh tranh với Singapore và các nước trong khu vực. Nước này dự kiến sẽ thu hút đến 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, trong đó có 1,5 triệu lượt từ các điểm đến có đường bay ngắn. Họ đặt mục tiêu tăng nhanh lượng khách từ các nước láng giềng Đông Nam Á và châu Á trong bối cảnh thị trường lớn nhất là khách Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng. Có một số dự báo lạc quan rằng thị trường du lịch nước ngoài từ Trung Quốc sẽ được “sổ lồng” từ ngày 1-10 tới, nhưng hiện với chính sách “zero Covid linh hoạt” thì khả năng có khách từ thị trường khổng lồ này vẫn là tin đồn. Trong khi đó, thị trường Nga sẽ hoàn toàn đóng băng trong năm nay do chiến tranh và các biện pháp cấm vận của phương Tây.

Không còn dấu tem xuất nhập cảnh

Tất cả người nước ngoài nhập cảnh Singapore trong thời gian ngắn sẽ không cần đóng dấu hộ chiếu. Thay vào đó, họ sẽ được cấp thẻ ra vào điện tử (e-pass). Đây là một phần trong nỗ lực của Cơ quan Xuất nhập cảnh và cửa khẩu (ICA) nhằm “giúp việc xuất nhập cảnh an toàn hơn và liền mạch hơn khi Singapore dần mở cửa lại biên giới”, ICA nói trong một thông cáo giữa tháng 3 rồi.

Thẻ điện tử được cấp lần đầu tiên tại sân bay Changi vào tháng 10-2021, nhưng việc cấp thẻ đã được mở rộng dần cho mọi cửa khẩu ra vào Singapore từ hôm 11-3 vừa qua. Các dấu tem đóng trên hộ chiếu cho mỗi lần xuất nhập cảnh sẽ dần dần biến mất.

E-pass sẽ được cấp đến địa chỉ e-mail mà du khách nước ngoài đã khai báo trong thẻ (arrival card) sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh Singapore. Thẻ này sẽ chứa file thông tin chi tiết về số ngày lưu trú tối đa và ngày cuối cùng được phép ở lại Singapore. Thẻ điện tử sẽ làm cho du khách nước ngoài không phải quá lo lắng về việc hộ chiếu hết trang để đóng dấu xuất nhập cảnh. Khách sạn và cửa hàng miễn thuế cũng có thể thuận tiện tra cứu các thông tin từ trang của ICA. Khách được yêu cầu nên đăng ký thẻ arrival card trong vòng ba ngày trước khi đến Singapore.

Thẻ điện tử là một phần của khái niệm thông hành mới (NCC) của ICA với mục tiêu tự động hóa quy trình liên quan đến xuất nhập cảnh của mọi người dân Singapore và du khách. Tất cả các cửa khẩu đường không, đường bộ và đường biển của Singapore sẽ được vận hành tự động hóa hoàn toàn từ năm 2023.

Nhưng thật ra e-pass được thực hiện sớm hơn, đặc biệt với các công dân quốc tịch Singapore và Malaysia đi lại hàng ngày nhiều lần qua cửa khẩu đường bộ Woodlands – Tuas mà không có nhân viên hải quan kiểm tra và đóng dấu hộ chiếu. Đến năm 2019, khách đến sân bay vẫn phải thông qua quầy thủ tục nhân viên hải quan. Nhưng khi xuất cảnh thì khách có thể tự thực hiện quét hộ chiếu trên các cổng điện tử. Chỉ khi gặp trục trặc thì nhân viên trực tại chỗ mới hỗ trợ.

Số hóa một phần thủ tục lên máy bay đã được các hãng hàng không, ngay cả giá rẻ, trong khu vực thực hiện từ năm 2016-2017.Cũng từ năm 2019, hãng hàng không AirAsia đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống nhận diện gương mặt FACES tại sân bay giúp khách lấy thẻ lên máy bay (boarding pass) và ký gửi hành lý nhanh hơn. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur dự định sẽ thực hiện công nghệ tương tự, cho phép khách đi qua các khâu của sân bay, kể cả cửa hàng miễn thuế, mà không cần xuất trình thẻ lên máy bay tại bất kỳ điểm tiếp xúc nào – từ khi làm thủ tục cho đến cửa lên máy bay.Trước đó, công nghệ này được áp dụng tại các văn phòng của AirAsia và hãng dự định triển khai sớm trên toàn mạng bay trong năm nay, sau hơn hai năm bị đình hoãn vì Covid.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới