Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không được bảo lãnh, dự án nhiệt điện 1200 MW tìm đối tác góp vốn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không được bảo lãnh, dự án nhiệt điện 1200 MW tìm đối tác góp vốn

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I (Nghệ An) chính thức phát hành hồ sơ kêu gọi đối tác, sau 5 năm triển khai việc xây dựng với tốc độ rất chậm và các đối tác ban đầu lần lượt rời bỏ.

Không được bảo lãnh, dự án nhiệt điện 1200 MW tìm đối tác góp vốn
Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I đã khởi công cách đây 5 năm nhưng "dậm chân tại chỗ" Ảnh: Báo Nghệ An

Tổng công ty Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) đã phát đi thông báo chính thức mời hợp tác đầu tư vào Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I có tổng công suất 1200 MW, thuộc Tổng sơ đồ VII mà Chính phủ cách đây nhiều năm đã giao cho TKV làm chủ đầu tư cùng 5 dự án khác. Đây là dự án đã được phê duyệt từ cách đây 5 năm nhưng tiến độ hầu như dậm chân tại chỗ.

Tại thông báo kêu gọi đối tác, TKV cho biết dự án này có tổng mức đầu tư 48.516 tỉ đồng (được phê duyệt tổng mức đầu tư năm 2017) với nguồn vốn 20% của chủ sở hữu TKV và các nhà đầu tư khác. 80% còn lại đi vay. TKV muốn góp 36%, 2 nhà đầu tư khác góp 64% (mối nhà đầu tư nhỏ hơn 36%). Thời hạn phát hành hồ sơ mời quan tâm sẽ đóng lại vào ngày 10-3.

Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I gặp khó khi nhà nước siết chặt bảo lãnh Chính phủ, không bảo lãnh hợp đồng mua bán điện và cam kết chuyển đổi ngoại tệ.

Sự thay đổi về cơ chế tín dụng cho dự án, không được bảo lãnh như ban đầu đã khiến dự án gặp khó, nhất là trong tình trạng các dự án nhiệt điện không được đón nhận như trước vì e ngại vấn đề ô nhiễm môi trường như dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân. Dự án này còn được phê duyệt sử dụng công nghệ trong nước.

Trên thực tế, dự án Quỳnh Lập I đã được triển khai từ 10 năm trước khi TKV ký thỏa thuận chung với liên danh các nhà thầu Hàn Quốc- Lilama và Narime của Việt Nam. Do Doosan (Hàn Quốc) đứng đầu liên doanh và thu xếp vốn qua các tổ chức tín dụng Hàn Quốc. Tuy nhiên, các bên nước ngoài đều cho rằng với nguồn vốn vay tại thời điểm đó khoảng 1,4 tỉ đô, việc thu xếp vốn cho dự án phải được Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, việc Chính phủ không còn bảo lãnh đã khiến các đối tác ngoại rút lui.

Cuối năm 2019, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cũng đánh giá: dự án có tổng mức đầu tư hơn 48.000 tỉ đồng, giá điện ở mức 2.081 đồng/kWh, thời gian hoàn vốn 28 năm như phương án được thông qua là đã vượt khung trần giá điện 2019 của Chính phủ, cao hơn các dự án điện khác như BOT Nghi Sơn 2, BOT Vân Phong (các dự án được bảo lãnh).

Với các thông số đầu vào và hiệu quả dự án như vậy, Ủy ban quản lý vốn đề nghị TKV tìm các đối tác mới để triển khai và tính toán lại hiệu quả đầu tư dự án.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới