Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không gian nghệ thuật “độc lập”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không gian nghệ thuật “độc lập”

Dương Cầm

Tác phẩm “AliceIN” của nhóm Wonderful Distric, thực hiện trong khuôn khổ “Tháng hình ảnh”, TPHCM tháng 10-2007.

(TBKTSG) – Chia sẻ mặt sàn trưng bày cho hơn bảy mươi không gian nghệ thuật “độc lập” đến từ khắp nơi trên thế giới, phòng triển lãm Turbine Hall, thuộc Bảo tàng Tate Modern, thủ đô London, Anh Quốc là nơi diễn ra liên hoan nghệ thuật đương đại quy mô lớn “No soul for sale” trong ba ngày, từ 14 đến 16-5 vừa qua. Liên hoan lần này có sự góp mặt của một không gian nghệ thuật đến từ TPHCM, đó là Sàn Art.

Dí dỏm trong tương phản với những hội chợ nghệ thuật lớn đang diễn ra mùa hè này, “No soul for sale” tuy cũng được chia ra thành nhiều diện tích trưng bày nhỏ, nhưng không có vách ngăn như thường thấy trong các gian hội chợ.

Tác phẩm của rất nhiều không gian nghệ thuật độc lập, tổ chức phi lợi nhuận và nhóm nghệ sĩ trên khắp thế giới được trưng bày chung, trải rộng với rất nhiều thể loại đa dạng từ những cấu trúc đồ sộ cho tới các tác phẩm ứng biến dí dỏm, trình diễn hoành tráng hay sắp đặt tương tác… Liên hoan này có hàng loạt các hoạt động như triển lãm, trình diễn, âm nhạc và chiếu phim đã diễn ra.

Tại Tate lần này cũng giống như lần tổ chức đầu tiên tại New York vào năm ngoái, “No soul for sale” được dựng nên bởi các nhóm và cá nhân, những người đã và đang cống hiến sức lực cho sự hiện tồn của nghệ thuật, đưa ra những chiến lược mới mẻ trong việc quảng bá thông tin và cách thức hoạt động. Không như hội chợ hay triển lãm, liên hoan này giống như một “thế vận hội” của các nhóm nghệ thuật phi lợi nhuận.

Trong không gian triển lãm thuộc Sàn Art, trưng bày cùng tác phẩm của các nghệ sĩ còn có một thư viện nhỏ mà Sàn Art đã gây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập. Thư viện được hình thành từ nguồn sách, báo nghệ thuật, catalog triển lãm sưu tầm của chính các nghệ sĩ, vừa nhằm chia sẻ thông tin nghệ thuật vừa là một trong những nỗ lực thích ứng, khắc phục sự thiếu thốn các điều kiện cơ sở hỗ trợ cho hoạt động nghệ thuật đương đại.

Xuất hiện tại Việt Nam hơn mười năm về trước với triển lãm “Khởi thủy” của nghệ sĩ Trần Lương tại Nhà Sàn Đức Hà Nội, những không gian nghệ thuật kiểu “mới” lần lượt được hình thành, mà tiếp theo Nhà Sàn phải kể đến Ryllega ở Hà Nội, Wonderful District, albb, Sàn Art ở TPHCM…

Hình chụp tại Turbine Hall, Tate Modern, chuẩn bị cho liên hoan nghệ thuật “No soul for sale” tháng 5-2010.

Họ không chỉ tạo nên những “địa điểm” trưng bày, mà còn đưa các không gian đó trở nên gần gũi với điều kiện, bối cảnh sáng tạo nên tác phẩm, điểm tương hỗ rất cần thiết cho những tiếp cận từ phía người xem.

“Mới” ở đây không hẳn là từ dùng đúng trăm phần trăm, nhưng khá sát với thực tế. Những không gian kiểu này đã từng là nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật đương đại ở khu vực trung tâm trong thế kỷ trước, và người ta còn lập ra cả một hệ thống tài trợ.

Ban đầu, chúng được hiểu như một lực lượng mới nhằm cân bằng lại với hệ thống bảo tàng, học thuật và thị trường nghệ thuật. Thế rồi qua thời gian, khi đã được chấp thuận là một phần không thể thiếu của thế giới nghệ thuật, đây chính là cái nôi nuôi dưỡng những ý tưởng thể nghiệm, sáng tạo tươi mới nhất. Cái tươi mới có được nhiều khi cũng do bớt đi các rườm rà, dài dòng hành chính. Đi đôi với sự gọn nhẹ, giản tiện, với kinh phí hạn chế… các không gian này không nhắm đến việc đánh bóng, vinh thăng nghệ phẩm như các phòng trưng bày hay bảo tàng, mà nhắm đến việc làm mới, thể nghiệm, đan xen, hoán đổi hay pha trộn… giữa các đường biên sáng tạo.

Trình diễn nghệ thuật “Nếm cà phê” của nhóm Đường-Đường (Sugar Street), TPHCM tháng 8-2006.

Tạo thành một dòng chảy ngầm, nơi công chúng có thể tiếp xúc với nghệ thuật ngoài hệ thống, bên ngoài các bảo tàng hay phòng tranh lớn. Hiện nay, những không gian như thế được gọi chung là không gian nghệ thuật “độc lập”, hẳn do nét đặc trưng độc lập trong hoạt động. Không những thỏa mãn yêu cầu thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh, các không gian nghệ thuật “mới” đã và đang góp thêm vào những nỗ lực tạo nên sức sống mạnh mẽ cho một điều kỳ thú mang tên nghệ thuật đương đại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới