Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không khéo lại lạc quan quá đà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không khéo lại lạc quan quá đà

Tư Giang

Không khéo lại lạc quan quá đà
Niềm tin tiêu dùng của dân chúng đang trở lại, và cần được cổ vũ. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Liệu đề xuất cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển và bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia có gây rủi ro làm bất ổn vĩ mô trở lại?

Những ngày nghỉ lễ vừa qua đã chứng kiến một cảnh tượng đặc biệt: hầu như tất cả các điểm du lịch ở Việt Nam đều quá tải. Cháy phòng khách sạn; cháy vé máy may, tàu hỏa; tắc nghẽn giao thông. Người dân năm nay đã mạnh tay chi tiêu cho du lịch hơn nhiều so với những năm trước khi nền kinh tế vốn luôn trồi sụt với lạm phát và bất ổn vĩ mô. Ý định của Chính phủ khuyến khích người dân tiêu tiền bằng việc cho phép đợt nghỉ lễ dài kỷ lục đã có hiệu quả.

Du lịch chỉ là một trong nhiều hiện tượng cho thấy nền kinh tế đang hồi phục trở lại, mà như Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định trong báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, là giai đoạn “tăng trưởng nhanh và bền vững bắt đầu”.

Có hàng loạt yếu tố để Chủ tịch cơ quan này, ông Vũ Viết Ngoạn, lạc quan như tổng vốn đầu tư tăng mạnh; tiêu dùng được cải thiện; công nghiệp và xây dựng phục hồi mạnh mẽ; và đặc biệt là hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, kể cả loại hình vừa và nhỏ được cải thiện.

Nhận định của ông Ngoạn được các tổ chức trong nước và quốc tế chia sẻ. Trong báo cáo gần đây nhất về kinh tế Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế  Trung ương Nguyễn Đình Cung nhận xét: “Phục hồi tăng trưởng rõ nét hơn, tăng trưởng nhanh hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước; niềm tin đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh được cải thiện”.

Ông Cung khẳng định, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5% là “hoàn toàn khả thi”. Ngay cả Ngân hàng Thế giới, và Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay cao hơn so với trước đây.

Người dân chỉ mở hầu bao khi họ có tiền, và tin tưởng ở tương lai. Cả yếu tố này chỉ có được khi ổn định vĩ mô dần được khôi phục, và đến nay, rất đáng mừng, đang được “duy trì vững chắc”, theo ông Vũ Viết Ngoạn. Cùng với đó là lạm phát tiếp tục duy trì xu hướng ổn định; niềm tin đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng duy trì xu hướng tích cực.

Ổn định vĩ mô chỉ có được sau Nghị quyết 11 đầy dũng cảm năm 2011. Nó dũng cảm ở chỗ đã đi ngược với tinh thần tăng trưởng cao 7,5% mà Đại hội 11 vừa yêu cầu trước đó cho giai đoạn 2011-2016, và chặn đà chi tiêu công thiếu kiểm soát, thiếu hiệu quả làm bất ổn vĩ mô cứ lặp đi lặp lại trong giai đoạn dài trước đó. Tại cuộc họp của 4 bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, và Ngân hàng Nhà nước gần đây; các nhà hoạch định chính sách vĩ mô đã phải thốt lên: Ngày càng “thấm thía” ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng.

Song, một lần nữa, có vẻ tinh thần này lại bị thử thách. Trong phiên họp mới đây, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ “nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước” để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia. Chưa rõ, bao nhiêu tiền sẽ được “vay” từ dự trữ ngoại hối, song đây là điều rất đáng quan tâm.

Còn nhớ, Chính phủ đã từng “vay” một tỷ đô la Mỹ từ dự trữ ngoại hối năm 2009 để bù lãi suất nhằm kích cầu kinh tế. Chưa bàn đến thẩm quyền, việc này đã kích thích thị trường bất động sản phình to, tín dụng tiếp tục gia tăng, rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng, lòng tham bị kích thích,… và gây nên lạm phát cao và bất ổn vĩ mô ngay sau đó. Đã có nhiều phân tích từ các học giả, và cả không ít các nhà hoạch định chính sách về hệ lụy này.

Trên thực tế, dự trữ ngoại hối không phải là tiền mà NHNN, hay Chính phủ có thể đem ra xài một cách dễ dàng. Dự trữ ngoại hối hiện nay chủ yếu có được là nhờ thặng dư tài khoản vốn từ các dòng vốn ngoại vào… Theo Tiến sỹ Phạm Thế Anh, thặng dư tài khoản vốn hôm nay sẽ tương ứng với sự sụt giảm lượng ngoại tệ trong tương lai khi các nhà đầu tư chuyển lợi nhuận, cổ tức, tiền lãi, rút vốn đầu tư về nước, hoặc đơn giản là khi các khoản vay nợ nước ngoài đáo hạn. Do vậy, dự trữ ngoại hối có được nhờ thặng dư tài khoản vốn chỉ là số tiền chúng ta đang "giữ hộ" các nhà đầu tư/ chủ nợ nước ngoài. Hơn nữa, việc làm hao hụt quỹ dự trữ ngoại hối phải rất thận trọng trong bối cảnh tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ còn có rủi ro biến động mạnh.

Năm 2009, Quốc hội khóa trước đã không bàn nhiều khi Chính phủ “vay” từ quỹ dự trữ ngoại hối vì lý do quỹ này không nằm trong Ngân sách Nhà nước. Năm nay có lẽ cũng vậy. Song, đã đến lúc, việc sử dụng quỹ này phải được thể chế hóa trong Luật Ngân sách Nhà nước đang được thảo luận sửa đổi.

Hệ lụy bất ổn vĩ mô từ kích cầu năm 2009, trong đó có sử dụng dự trữ ngoại hối, lẽ ra cần được rút kinh nghiệm. Sẽ rất đáng lo lắng, nếu năm sau, hay năm sau nữa, bất ổn vĩ mô, lạm phát cao quay lại, và người dân không còn dám mở hầu bao đi du lịch, và doanh nghiệp lại lao đao.

Xem thêm:

Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục – mừng hay lo?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới