Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không khí TPHCM ô nhiễm nặng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không khí TPHCM ô nhiễm nặng

Khói và bụi bao phủ cả khu vực bùng binh Hàng Xanh – Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Theo báo cáo kết quả quan trắc và giám sát chất lượng môi trường năm 2007 của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, ô nhiễm bụi và tiếng ồn tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đang ở mức cao đến đáng lo ngại.

Khoảng 50% các trạm quan trắc bán tự động cho chỉ số ô nhiễm không khí vượt tiêu chuẩn cho phép, 50% trạm còn lại đang ở mức chạm ngưỡng hoặc gần vượt ngưỡng cho phép.

Ô nhiễm bụi ngày càng tăng cao, đặc biệt là khu vực phía Đông và Tây Bắc thành phố ở các khu vực Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ và Ngã tư An Sương. Cả ba khu vực này đều có mức ô nhiễm không khí trung bình vượt chuẩn 1,3 – 1,8 lần.

Trong năm 2007, 100% các trạm quan trắc về tiếng ồn do hoạt động giao thông đều cho kết quả “phá” chuẩn.

Do lưu lượng giao thông trong thành phố tăng cao trong thời gian qua, nên nồng độ benzene trong không khí cũng “leo thang”, đặc biệt có thời điểm nồng độ benzene vượt hơn 10 lần. Có tới gần 67% các chỉ số quan trắc nồng độ benzene vượt xa tiêu chuẩn cho phép.

Riêng khu vực quận 9 và Thủ Đức, dọc theo xa lộ Hà Nội, đặc biệt đoạn từ Cầu Rạch Chiếc đến Ngã tư Bình Thái, nồng độ bụi trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép 1,3 – 7,1 lần, chủ yếu là do mật độ giao thông cao vì khu vực này tập trung nhiều nhà máy như Nhà máy Xi măng Hà Tiên, Nhà máy điện Thủ Đức, Nhà máy Thép Thủ Đức, Công ty liên doanh Posvina, Công ty Hóa phẩm P/S…

Ở trung tâm thành phố, điểm “nóng” nhất là đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hầu hết mức ô nhiễm bụi ở các lần đo trong ngày cho kết quả vượt tiêu chuẩn cho phép 2,5 – 4,5 lần. Dân cư sinh sống hai bên đường là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng do hít phải lượng bụi xuất phát từ hoạt động xây dựng công trình và xe cộ.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dành cho khu vực ven đường hầu hết ở mức kém. Trong khi đó, chỉ số AQI cho khu vực dân cư cũng ở mức trung bình. Điều này cho thấy việc phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2007 như đào đường, xây cao ốc và nâng cấp các công trình ngầm cũng góp phần làm ô nhiễm không khí.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới