Không kiểm soát được cung – cầu
Ngọc Lan thực hiện
![]() |
Ông Tạ Văn Hường. |
(TBKTSG) – Việc mất cân đối cung – cầu điện năng ở Việt Nam, theo lý giải của ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), chủ yếu là do thiếu tiền đầu tư và không thể kiểm soát nổi việc thực hiện các tổng sơ đồ điện qua nhiều thời kỳ. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Hường xung quanh chủ đề này.
TBKTSG: Thưa ông, việc mất cân đối cung – cầu điện kéo dài đã nhiều năm qua, vậy cái gốc của sự thiếu hụt này nằm ở đâu?
– Ông Tạ Văn Hường: Việc thực hiện tổng sơ đồ V (2001-2010, xét đến 2020) và tổng sơ đồ VI (2006-2015, xét đến 2025) không kiểm soát được nên đã có nhiều diễn biến khó lường. Nhiều tính toán trong việc thực hiện các tổng sơ đồ đã bị phá vỡ. Ví như vấn đề khủng hoảng kinh tế đã làm cho nhiều chương trình nguồn điện phải dừng lại. Khi thiết kế tổng sơ đồ VI, không ai nghĩ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại có thể thiếu vài trăm triệu đô la để thực hiện một dự án. Nhưng chuyện đó đã xảy ra trong thời điểm 2008, đầu 2009.
Khủng hoảng kinh tế đã làm cho nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu thay đổi. Mà nhu cầu thay đổi theo chiều hướng tăng lại không đáng ngại bằng khả năng đáp ứng nhu cầu có vấn đề. Khi xây dựng các tổng sơ đồ điện, các nhà làm quy hoạch bao giờ cũng tính đến công suất dự phòng và khả năng bù đắp thiếu hụt. Như tổng sơ đồ V có dự phòng tăng trưởng nhu cầu thêm 20-25%/năm.
Ở tổng sơ đồ VI con số này hơn 30%/năm. Đó là mức dự phòng tăng trưởng mà chính chuyên gia Nhật Bản khi thẩm định thiết kế quy hoạch cũng đánh giá là quá lớn, không kiểm soát được. Sở dĩ phải dự phòng cao như vậy là vì đặc điểm nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng, nhu cầu năng lượng của Việt Nam không giống các quốc gia khác. Thực tế là đến nay vẫn thiếu hụt nguồn cung rất lớn.
TBKTSG: Chuyện không kiểm soát được việc thực hiện tổng sơ đồ V ra sao và vì sao điều đó không được sửa sai khi làm quy hoạch tổng sơ đồ VI?
– Lý do không kiểm soát được việc thực hiện tổng sơ đồ V vì các chủ đầu tư thiếu tiền, cứ đăng ký dự án nhưng không thực hiện, dẫn đến tình trạng thiếu điện, bắt đầu nhiều hơn từ 2005-2007. Ví dụ như dự án Nhiệt điện Uông Bí và một số dự án khác. So với quy hoạch đề ra, tổng sơ đồ V chỉ thực hiện được 60-70%. Chuyện này tiếp tục kéo dài sang tổng sơ đồ VI và bây giờ tình hình thực hiện kế hoạch còn nặng nề hơn xưa vì nhiều lý do, chẳng hạn như mua than không được.
Hơn nữa, khi dự án vào nhiều, từ chủ đầu tư, nhà thầu đến các bên liên quan đều quá tải khiến cho việc chậm trễ càng phát triển, bên cạnh chuyện muôn thuở là thiếu tiền. Một thực tế từ tổng sơ đồ V, muốn điều chỉnh bất cứ điều gì liên quan đến quy hoạch thì phải báo cáo, chờ Thủ tướng ra quyết định điều chỉnh cả tổng sơ đồ mới được làm. Rút kinh nghiệm chuyện này, Chính phủ đã có những điều chỉnh để đẩy nhanh tiến độ. Với tổng sơ đồ VI, đã có ban chỉ đạo thực hiện, ban này có quyền hiệu chỉnh ngay khi thấy đề xuất hợp lý.
Bên cạnh đó, ở tổng sơ đồ V, các dự kiến quy hoạch không bị thay đổi lớn, chỉ có sự chậm trễ của các chủ đầu tư. Còn với tổng sơ đồ VI, một số điều kiện khi thiết kế và khi thực hiện rất khác nhau, chẳng hạn như những diễn biến về an ninh năng lượng toàn cầu, kinh tế toàn cầu thay đổi mạnh mẽ, hay nỗi lo nhập than…
TBKTSG: Việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Tài nguyên, năng lượng và du lịch của Úc hồi tháng trước về hợp tác năng lượng, trong đó có các ghi nhớ ban đầu về việc Úc bán than cho Việt Nam trong thời gian tới và Việt Nam có thể đầu tư hợp tác khai thác các mỏ than ở Úc cho thấy, các vấn đề phát sinh trong việc đầu tư các dự án điện vẫn có lối ra, chứ không phải không thể thực hiện được?
– Đúng là Chính phủ đã phải tham gia đàm phán trực tiếp, góp phần gỡ khó cho các dự án sản xuất điện. Như việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương thành lập tổ nhập than do một thứ trưởng đứng đầu. Tổ này đã có được những kết quả đàm phán ban đầu ở Úc, Indonesia và sắp tới là thăm dò đàm phán tại Nga. Kết quả các cuộc làm việc cấp cao cho thấy kết quả báo cáo của nhiều doanh nghiệp về việc không nhập được than là không chính xác.TBKTSG: Theo ông, vì lý do gì lại có các báo cáo như vậy?
– Có thể là doanh nghiệp chỉ tiếp xúc được với doanh nghiệp, chưa tiếp xúc được với các cấp quản lý cao hơn, nơi ra các quyết định đầu tư, xuất nhập khẩu, có quyền hoạch định các chiến lược thương mại quốc gia. Các quốc gia đã bật đèn xanh cho việc Việt Nam nhập khẩu than trong tương lai. Phần còn lại là các chủ đầu tư phải xông vào, việc đàm phán khó đến đâu Bộ Công Thương sẽ cùng doanh nghiệp gỡ đến đó.
TBKTSG: Quay lại thực tế là trong lúc tình hình thiếu điện đang căng thẳng như hiện nay thì nhiều nhà máy chạy dầu đã ngừng hoạt động để sửa chữa, liệu có phải việc giá mua điện thấp khiến các nhà máy này không muốn bị trưng dụng vì sợ lỗ?
– Bộ Công Thương đang chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực phải giám sát, kiểm tra việc này xem có hay không. Nhưng tôi không cho là như vậy vì khi Nhà nước quyết định trưng dụng nguồn điện nào thì có giá hợp lý cho nguồn điện đó. Như vậy, nếu có lỗ thì Nhà nước lỗ chứ chủ đầu tư không lỗ nếu nguồn điện của họ được mua.
TBKTSG: Vấn đề đầu tư cho năng lượng tái tạo, năng lượng sạch có vẻ ít được đề cập trong các tổng sơ đồ điện từ trước đến nay, vì sao thưa ông?
– Vấn đề của năng lượng mới và năng lượng tái tạo là giá bán. Đây là nguyên nhân khiến nó chưa thể phát triển mạnh ở Việt Nam. Nhà đầu tư mong muốn 12-13 cent/kWh nhưng Nhà nước hiện chỉ trả được trên dưới 5 cent/kWh, tối đa là 6-7 cent/kWh. Hai bên không gặp nhau. Kể cả dự án điện gió ở Tuy Phong (Bình Thuận) hiện đang được đầu tư xây dựng nhưng chưa đạt được thỏa thuận về giá.
TBKTSG: Vậy theo ông, đâu là giải pháp để thu hẹp dần khoảng cách cung – cầu điện? Từ đó có rút ra được kinh nghiệm gì để chuẩn bị xây dựng quy hoạch tổng sơ đồ VII?
– Vẫn là câu chuyện cân đối giữa việc phát triển nguồn điện và phụ tải sao cho hài hòa và cả việc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người tiêu dùng. Khi xây dựng quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phải quản lý được tiến độ công trình, nguồn, lưới điện, quá trình vận hành. Nghĩa là quản lý những vấn đề liên quan đến dự án và năng lực đầu tư, năng lực giám sát dự án.