Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không lẽ luật pháp bất lực!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không lẽ luật pháp bất lực!

Tấn Đức

(TBKTSG) – Sau vụ Vedan bị phát hiện xả thẳng nước thải chưa xử lý ra môi trường, đại diện một số cơ quan nhà nước đã tuyên bố sẽ phạt nặng tay với công ty này và công chúng đã hy vọng trường hợp Vedan sẽ trở thành bài học có tính răn đe với nhiều doanh nghiệp khác. Nhưng kết quả thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Vụ Vedan đã làm bộc lộ sự lúng túng và bất lực của luật lệ Việt Nam đối với tội phạm về môi trường.

Từ đó đến nay, hầu như tuần nào cũng có những công ty bị phát hiện xả chất thải chưa xử lý ra môi trường. Mỗi lần như thế, doanh nghiệp cũng chỉ bị phạt một vài chục triệu đồng. Hiếm hoi lắm mới có đơn vị bị phạt lên tới hàng trăm triệu.

Rõ ràng, mức phạt như vậy là quá nhẹ so với lợi ích mà doanh nghiệp thu được khi trốn tránh trách nhiệm xử lý chất thải. Vì vậy, cũng thật dễ hiểu khi số vụ vi phạm bị cảnh sát môi trường phát hiện có xu hướng ngày càng tăng. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn tỏ ra chây ỳ, không sợ pháp luật.

Điển hình nhất có lẽ là Công ty Hào Dương ở TPHCM. Công ty này đã bị cơ quan chức năng ở TPHCM lập biên bản vi phạm tới 23 lần, nhưng vẫn tiếp tục xả nước thải chưa xử lý đạt tiêu chuẩn ra sông. TPHCM đã rất muốn rút giấy phép hành nghề của công ty này, nhưng do bất cập của luật pháp, nên cuối cùng chỉ phạt được 170 triệu đồng và đây đã là mức cao nhất. Số tiền này chỉ tương đương chi phí xử lý cho số nước thải của công ty này trong khoảng 10 ngày.

Từ sau vụ Vedan, Chính phủ đã sửa đổi nghị định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về môi trường. Nghị định mới số 117, được cho là đã mạnh tay hơn, với mức phạt tối đa tới 500 triệu đồng, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí một số quy định mới còn nương nhẹ hơn so với quy định cũ.

Trước hết, nghị định mới vẫn giới hạn mức tiền phạt tối đa không quá 500 triệu đồng, bất kể mức độ vi phạm của doanh nghiệp lớn và nghiêm trọng tới mức nào. Với trường hợp xả thải từ 5.000 đến trên 10.000 mét khối/ngày, số tiền phạt tối đa nói trên chẳng là bao so với chi phí để xử lý số nước thải đó.

Thứ hai, Nghị định 117 có quy định hình thức phạt bổ sung là tạm thời rút giấy phép hành nghề, nhưng lại giới hạn đối tượng áp dụng trong phạm vi rất hẹp. Cụ thể, nếu nước thải vượt tiêu chuẩn 5-10 lần, thì chỉ những doanh nghiệp xả từ 10.000 mét khối/ngày trở lên và nước thải vượt tiêu chuẩn 10 lần trở lên, mới có thể bị xem xét tạm thời rút giấy phép. Trong khi đó, với quy định cũ, chỉ cần tái phạm trên năm lần là đã có thể bị rút giấy phép hoạt động.

Thêm vào đó, nghị định mới cũng đưa ra những yêu cầu, như buộc doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả… nhưng lại không nói rõ khắc phục như thế nào và xử lý những trường hợp chây ỳ ra sao, làm cho các cơ quan thừa hành lúng túng trong quá trình giải quyết.

Rõ ràng, quy định xử phạt đối với tội phạm môi trường vẫn còn quá nhẹ. Chừng nào doanh nghiệp còn thấy mức phạt mà họ có thể chịu vẫn thấp hơn chi phí phải bỏ ra để xử lý chất thải, thì tình trạng lén lút xả chất thải ra môi trường vẫn còn tiếp diễn. Vì vậy, Chính phủ cần phải sửa đổi luật lệ sao cho có đủ sức răn đe. Chẳng hạn như, thay vì quy định mức tối đa, có thể áp dụng mức phạt gấp hai hoặc ba lần chi phí xử lý và số tiền phạt tính theo lượng chất thải từ ngày kiểm tra gần nhất đến ngày bị phát hiện.

Ngoài ra, những đơn vị tái phạm đến 3-4 lần phải bị xem xét rút giấy phép. Chỉ khi nào doanh nghiệp thấy cái giá phải trả, nếu bị phát hiện, lớn hơn nhiều lần so với lợi ích có thể thu được, thì khi ấy mới có hy vọng họ chấm dứt hành vi gây tổn hại đến môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới