Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không lượng hóa được buôn lậu từ Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không lượng hóa được buôn lậu từ Trung Quốc

Tư Giang

Không lượng hóa được buôn lậu từ Trung Quốc
Bà Lê Thị Minh Thủy. Ảnh TG

(TBKTSG Online) – Đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định, không thể kết luận sự khác nhau về số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lên đến 20 tỷ đô la Mỹ năm 2014 là do buôn lậu.

Trong cuộc gặp gỡ một số cơ quan báo chí chiều 12-6, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ thuộc Tổng cục Thống kê, nói: “Chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tồn tại lâu nay, và có xu hướng tăng. Tuy nhiên,  chúng ta phải xét thêm nhiều khía cạnh chứ không thể kết luận 20 tỷ đô la Mỹ là nhập lậu được”.

Buổi gặp gỡ của đại diện Tổng cục Thống kê với báo chí diễn ra sau khi đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín cho rằng theo số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc, năm 2014 Việt Nam đã nhập siêu từ nước này 43,8 tỷ đô la Mỹ, chứ không phải 29 tỷ đô la Mỹ như Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố.

Ông Tín cho rằng, sự vênh nhau về số liệu như vậy là “nguy hiểm” cho kinh tế Việt Nam vì nó thể hiện “phần kinh tế ngầm” là quá lớn.

Lý giải lo ngại của ông Tín, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trả lời trước Quốc hội. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê muốn bổ sung thêm một số vấn đề liên quan đến những tính toán này.

Trong cuộc họp chiều qua, Tổng cục Thống kê cho biết điều tương tự, năm 2014 số liệu xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhập khẩu của Trung Quốc 5 tỷ đô la Mỹ, tương đương 33%. Nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ đô la Mỹ, tương đương 46%.

Bà Thủy nói: “Có thể có yếu tố từ nhập lậu sau các con số này, nhưng rất khó lượng hóa.”

Trong văn bản gửi cho đại diện báo chí chiều nay, Tổng cục Thống kê lý giải chênh lệch số liệu của Việt Nam với Trung Quốc như sau:

Về xuất khẩu, số liệu của Việt Nam năm 2014 thấp hơn 5 tỷ đô la Mỹ so với nhập khẩu của Trung Quốc. So sánh số liệu hai nước theo danh mục phân loại theo mã HS (mã hàng hóa xuất nhập khẩu theo hệ thống phân loại của Tổ chức Hải quan Thế giới) cho thấy chênh lệch thể hiện chủ yếu ở nhóm hàng hóa thuộc chương 85 gồm “Máy móc, thiết bị điện và các bộ phận của chúng” với 5,5 tỷ đô la Mỹ, trong đó tập trung lớn nhất vào nhóm hàng điện tử, điện thoại là nhóm hàng Việt Nam gia công, lắp ráp là chủ yếu.

Bà Thủy giải thích, nguyên nhân là do hàng Việt Nam sau khi sản xuất được chuyển đến một nước thứ 3 và Trung Quốc nhập khẩu các hàng hóa này từ nước thứ ba với xuất xứ Việt Nam.

Về nhập khẩu, nhiều nhóm hàng HS có chênh lệch trong đó lớn nhất là các nhóm hàng có liên quan đến cả tiêu dùng và sản xuất, gia công như dệt may, giày dép (bao gồm quần áo, giày dép thành phẩm, vải may mặc, bông, xơ sợi dệt, nguyên phụ liệu dệt may, da giày), máy móc, thiết bị, xe cộ…với chênh lệch khoảng 12,5 tỷ đô la Mỹ. Một số nhóm hàng tiêu dùng chênh khá lớn gồm: rau quả các loại (1,6 tỷ đô la Mỹ), giường tủ bàn ghế, đồ gốm sứ, đồ dùng gia đình bằng kim loại…

Từ những so sánh, phân tích trên và thực tế thị trường Việt Nam, Tổng cục Thống kê lý giải chênh lệch số liệu nhập khẩu của Việt Nam và xuất khẩu của Trung Quốc là do sáu nguyên nhân sau:

Một là sự khác biệt phương pháp thống kê nước đối tác: vì xuất khẩu thống kê theo “nước cuối cùng hàng đến” nên trường hợp hàng Trung Quốc – bao gồm hàng xuất xứ Trung Quốc hoặc xuất xứ nước khác – đưa sang Việt Nam được Trung Quốc thống kê là xuất cho Việt Nam trong khi Việt Nam chỉ thống kê những hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc, các hàng hóa có xuất xứ nước khác được thống kê là nhập khẩu từ nước khác.

Hai là do phạm vi thống kê: một số luồng hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng không thuộc phạm vi thống kê: hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh hoặc chuyển khẩu từ Trung Quốc, Hồng Kông. Chẳng hạn, năm 2014 nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu của Hồng Kông. Do lợi thế về khoảng cách gần giữa Việt Nam – Hồng Kông, luồng hàng giữa Trung Quốc và Hồng Kông có thể được vận chuyển qua Việt Nam với thủ tục về tạm nhập tái xuất, quá cảnh hoặc chuyển khẩu. Việt Nam không thống kê nhưng Trung Quốc và Hồng Kông thống kê là xuất khẩu với nước hàng đến là Việt Nam;

Ba là do xác định trị giá thống kê khác nhau: hai nước cùng áp dụng nguyên tắc xác định trị giá hải quan nhưng với một số trường hợp, hải quan Trung Quốc và Việt Nam có thể xác định trị giá lô hàng cao thấp khác nhau;  

Bốn là hoạt động nhập khẩu lậu vào Việt Nam: cũng như hầu hết các nước hàng nhập khẩu lậu không nằm trong phạm vi thống kê của Việt Nam. Với biên giới đường bộ dài, khó kiểm soát, hàng hóa được nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch bởi cư dân biên giới như rau quả, quần áo và trang phục, giày dép, đồ dùng gia đình…. Nếu phía Trung Quốc kiểm soát tốt hoạt động này bên kia biên giới thì hàng hóa được tính trong xuất khẩu của Trung quốc nhưng không nằm trong thống kê nhập khẩu của Việt Nam. Có một vài nước thực hiện ước tính con số này trong số nhiều “hoạt động kinh tế ngầm”.

Năm là do gian lận thương mại: nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt với các hàng hóa chịu thuế, đã thông đồng với doanh nghiệp đối tác khai giá thấp để hưởng mức thuế thấp. Ngược lại các DN Trung Quốc cũng có thể khai trị giá XK cao để hưởng thuế khấu trừ cao.

Sáu là sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ XNK trong thống kê: một số sản phẩm có thể được Việt Nam tính vào dịch vụ nhưng Trung Quốc coi là hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến công nghệ thông tin như phần mềm, trò chơi điện tử vốn được lưu giữ trên băng, đĩa mềm. Trong nhiều trường hợp ranh giới phân biệt không rõ ràng nếu người khai hải quan không mô tả rõ.

Theo bà Thủy, số liệu từ UN-COMTRAE cho thấy thống kê Trung Quốc chênh lệch khá nhiều với các nước. 
Mức chênh lệch giữa Trung Quốc với năm đối tác ASEAN – là các đối tác không có chung đường biên giới với Trung Quốc – cũng lớn và ngày càng tăng, tương tự Việt Nam.

Năm 2013, xuất khẩu của Trung Quốc sang các đối tác cao hơn nhập khẩu từ Trung Quốc: Malaysia 12 tỷ đô la Mỹ (27%), Indonesia 7,1 tỷ đô la Mỹ (19%), Philippines 11,3 tỷ đô la Mỹ (57%).

Cũng năm 2013, nhập khẩu của Trung Quốc cao hơn xuất khẩu của Thái Lan 11,3 tỷ đô la Mỹ (30%), Malaysia 29,4 tỷ đô la Mỹ (49%), Indonesia 8,8 tỷ đô la Mỹ (28%), Philippines 11,6 tỷ đô la Mỹ (63%).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới