Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không nên hồ hởi quá đà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không nên hồ hởi quá đà

Tư Giang

Không nên hồ hởi quá đà
Ông Võ Trí Thành.

(TBKTSG) – Liệu Việt Nam có lặp lại xúc cảm hồ hởi quá đà khi tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên hiệp châu Âu (EU) trong năm nay và đầu năm sau, trạng thái đã từng trải qua năm 2007 khi vào WTO? TBKTSG trao đổi với Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành.

TBKTSG: Thời gian gần đây, các định chế và giới chuyên gia quốc tế bắt đầu nhìn Việt Nam theo hướng tích cực hơn. Vì sao vậy?

– Ông Võ Trí Thành: Ba tháng gần đây, thế giới nhìn chúng ta theo chiều hướng tích cực hơn vì ba lý do. Thứ nhất, kinh tế thế giới – dù vẫn còn rủi ro nợ công ở Mỹ và EU – dường như đã qua giai đoạn rủi ro nhất, quá trình hồi phục đã chắc chắn hơn.

Thứ hai, các vấn đề địa-chính trị có vẻ ổn thỏa hơn cho nên giá cả, lạm phát không còn là vấn đề của năm 2014 và 2015, nếu không có thiên tai. Chiều hướng tích cực đó còn phản ánh trong các dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). IMF đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 2,9% năm ngoái lên 3,6-3,7% trong năm nay, còn WB nâng mức này từ 3,2% lên 3,3%.

TBKTSG: Vậy ông lý giải ra sao khi nhiều đánh giá trong nước lại không có cái nhìn tích cực như vậy?

– Nếu nhìn cho năm nay và năm tới, tôi nghĩ còn hai cách nhìn khác nhau đôi chút. Thứ nhất là cách nhìn vẫn thấy khó khăn, nhưng bên cạnh đó thấy tình hình bắt đầu lạc quan hơn. Đó là các nhận định như ấm lên từ đáy, dần thoát đáy, hồi phục dần mạnh hơn.

Kinh tế vẫn còn đang vật lộn với khó khăn, và nền tảng của cải cách vẫn chưa vững chắc. Vì thế, dù thị trường cho đến thời điểm này có phản ứng tích cực ban đầu, thì sự hồ hởi cũng khó mà có được.
                      Ông Võ Trí Thành

Thứ hai là quan điểm nhấn mạnh hơn đến hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, và niềm tin. Lý do là những điểm yếu chết người chưa giải quyết được như nợ xấu, yếu kém của hệ thống ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bế tắc trong khi lại phát sinh những vấn đề không thể coi thường được, như nợ công, thâm hụt ngân sách, và kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc.

Có người nói nền kinh tế vẫn đang trong vùng đáy, và khẳng định, sự hồi phục thiếu điểm tựa vững chắc. Cái lý là trong vòng 4-5 năm qua, chính sách cứ giật cục, thiếu nhất quán; rồi 2-3 năm nay thì quyết tâm chính trị cao mà làm không bao nhiêu. Họ có sự nghi ngờ. Nhưng đó cũng là ý tốt, vì nêu khó khăn cũng là thúc đẩy hành động.

Dù sao, tôi cũng phải khẳng định ba xu hướng không thể đảo ngược được, là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách kinh tế, và hội nhập quốc tế.

TBKTSG: Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế sau khi Việt Nam dự kiến ký TPP và FTA trong năm nay và đầu năm tới?

– Về tổng thể tôi cho là tốt, nhưng về kỹ thuật còn không ít thách thức. Điều tốt nhất là cơ hội thị trường để thúc đẩy các mặt hàng, ngành hàng có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, các hiệp định này tương thích với ý đồ cải cách về thể chế, bộ máy, pháp luật, định hướng thị trường. Chẳng hạn, bộ máy phải hiệu quả hơn, minh bạch hơn, đàng hoàng hơn; thị trường phải là môi trường kinh doanh cạnh tranh, công bằng, minh bạch hơn.

TBKTSG: Về kỹ thuật, minh bạch hóa các giao dịch của DNNN là điều bắt buộc trong TPP. Đây là điều vô cùng khó khăn. Quan điểm của ông ra sao?

– Cam kết này phù hợp với cải cách DNNN mà mình tuyên bố. Nó là kỹ thuật nhưng lại đụng chạm đến thể chế. Khó khăn nhiều, vì cải cách để tương thích thì rất khó.

Có những ngành phải đổ vỡ, thu hẹp sản xuất kéo theo nhiều hệ lụy xã hội, việc làm. Tất nhiên phải làm sao giảm thiểu chi phí điều chỉnh. Về tổng thể, cuộc chơi đó rất đúng, nhưng phải thực tiễn và khả thi. Về thể chế thì có thay ai cũng khó, chứ nói gì đến cả bộ máy, và cũng không thể thay đổi trong một đêm được.

Vậy nên cần tính linh hoạt trong đàm phán để còn dư địa để điều chỉnh. Tính linh hoạt phải đảm bảo hai việc là có thời gian để điều chỉnh và thời gian đó phải gắn với áp lực cam kết trách nhiệm. Ví dụ, vấn đề xử lý DNNN cần ba năm, nhưng ba năm đó phải ràng buộc với cam kết chính trị và trách nhiệm. Chứ sau ba năm lại bảo tôi cần ba năm nữa thì ai đồng ý. Đây là bài học kinh nghiệm về ưu đãi về thời gian mà Việt Nam đã trải qua.

TBKTSG: Ví dụ như ký được TPP, và FTA với EU trong năm nay hoặc năm tới, thì phản ứng của thị trường có thể giống như những gì đã xảy ra năm 2007, khi Việt Nam vào WTO?

– Về nền tảng cải cách lâu dài cho Việt Nam thì TPP mạnh mẽ hơn WTO. WTO chỉ là cái nền bình thường cho một quốc gia tham gia vào kinh tế toàn cầu. Bản chất của TPP là cải cách sao cho thích ứng với môi trường thương mại, đầu tư và kinh tế của thế giới đang và sẽ thay đổi. Những điều này gắn với sự phát triển của Việt Nam, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trong tương lai. Với nghĩa đó, thì nó lớn hơn.

Tuy nhiên, về mặt xúc cảm tôi nghĩ mình không nên quá đà như đã từng có khi vào WTO. Chúng ta phải bình tâm hơn do đã có được nhiều bài học trong quá trình hội nhập; và nhất thiết phải hiểu thế giới này còn rất gồ ghề.

Hơn nữa, kinh tế vẫn còn đang vật lộn với khó khăn và nền tảng của cải cách vẫn chưa vững chắc. Vì thế, dù thị trường cho đến thời điểm này có phản ứng tích cực ban đầu, thì sự hồ hởi cũng khó mà có được.

Về tổng thể, tôi tin là quá trình phục hồi, niềm tin vào cải cách, tương lai phát triển của Việt Nam gần đây có được một phần là do quá trình hội nhập này. Nó đã bắt đầu phản ảnh qua các chỉ số vĩ mô rồi. Nhưng quan trọng nhất vẫn cần duy trì ổn định kinh tế và tăng tốc quá trình cải cách bên trong.

(Xem thêm chủ đề Tiến tới TPP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới