Không nên nhận xe của doanh nghiệp tặng
Nguyễn Vũ
(TBKTSG Online) – Từ chuyện này, chuyện kia, người ta mới phát hiện ra có những trường hợp doanh nghiệp tặng xe hơi khá đắt tiền cho chính quyền địa phương sử dụng. Có lẽ ngoài các trường hợp được nêu công khai trong thời gian vừa qua, còn nhiều trường hợp tặng xe khác ở địa phương khác và các món quà tặng không chỉ là xe hơi mà còn là nhiều thứ khác. Từ đó vấn đề đặt ra là nên ứng xử với chuyện này như thế nào cho hợp lý?
Ở góc độ cá nhân, hiện đã có những quy định “nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức”, suy rộng ra cũng cấm quan chức nhận quà trong các dịp khác cũng như quà không chỉ từ cấp dưới. Đương nhiên nhận quà giá trị cao từ doanh nghiệp dễ quy vào tội nhận hối lộ nên khi chưa có chủ trương cấm nhận quà, quan chức lãnh đạo ắt cũng e dè, chứ không thể nhận quà một cách công khai được.
Thế nhưng khi doanh nghiệp tặng xe hơi cho cơ quan công quyền, ít ai suy nghĩ đây là hành vi hối lộ hay để vụ lợi. Thậm chí trong những trường hợp đã công khai, sau khi được doanh nghiệp tặng xe, cơ quan công quyền bèn nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để đưa xe thành tài sản công, tức hợp thức hóa quà tặng một cách chính thức.
Thiết nghĩ một khi chưa có quy định, chưa có chủ trương cấm thì không thể trách cứ gì các trường hợp đã nhận xe tặng trong quá khứ nhưng nhà nước nên nhanh chóng nghiên cứu và ban hành quy định cấm tổ chức nhận quà tương tự như đã cấm cá nhân nhận quà.
Một khi đã nhận một điều gì đó từ doanh nghiệp, chắc chắn cơ quan liên quan sẽ không còn giữ được sự công bằng, vô tư khi xử lý công việc có liên quan đến doanh nghiệp đó. Cho dù có hay không có việc doanh nghiệp biếu tặng tham gia tranh thầu các công trình đầu tư nhà nước, trước sau gì trong quá trình hoạt động của mình doanh nghiệp sẽ có lúc “cậy nhờ” đến cơ quan được tặng. Lúc đó, chiếc xe sẽ nằm đè lên mọi cân nhắc suy tính của lãnh đạo cơ quan, ưu ái hay không ưu ái nơi đã “tạo điều kiện” thuận lợi cho mình!
Ở đây có lẽ chúng ta không nhất thiết phải tham chiếu luật lệ của các nước khác dù, theo thông tin tham khảo hiện có, đa phần các nước đều cấm cơ quan công quyền nhận quà biếu là xe cộ theo kiểu trực tiếp như thế. Vấn đề ở chỗ chúng ta cân nhắc thiệt hơn của một hành vi và nếu thấy nó có hại nhiều hơn là có lợi thì nên ngăn cấm. Cái lợi chỉ là giá trị sử dụng của một chiếc xe nhưng cái hại thì lớn hơn nhiều: đó là sự tự trói tay vô hình làm cơ quan công quyền không còn giữ được sự “chí công vô tư”, tạo dư luận không tốt cũng như gây tổn hại đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, không dựa vào quan hệ mà chúng ta đang muốn hướng tới.
Để một lệnh cấm như thế được áp dụng đều khắp cả nước, ở mọi địa phương cũng như mọi ngành, nên soạn thành một sắc luật và có sự giám sát của người dân. Vì sự cạnh tranh công bằng, chắc chắn mọi loại quà như thế sẽ bị phát hiện, không sớm thì muộn.