Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không nghiêm khắc là dung dưỡng cho cái ác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không nghiêm khắc là dung dưỡng cho cái ác

Hoàng Khang

Không nghiêm khắc là dung dưỡng cho cái ác
Tai nạn thảm khốc khiến 4 người chết tại Trà Vinh ngày 7-5 vừa qua. Ảnh: Báo Đời sống pháp luật.

(TBKTSG Online) – Mỗi cái chết vì tai nạn giao thông là một thảm kịch đối với gia đình. Thế nhưng, 10.000 cái chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam mỗi năm có lẽ chỉ là một con số thống kê.

Cái chết tức tưởi của bốn người dân sáng 7-5 do hai xe khách giành đường nhau với một tốc độ “không tưởng” trên Quốc lộ 53 ở Trà Vinh đã gây sốc cho cộng đồng, khi những tình tiết của vụ tai nạn được hé lộ cho báo chí. Chiếc xe khách của hãng xe Thanh Thủy chạy với tốc độ 121 km/giờ, vượt qua chiếc xe khách của hãng Kim Hoàng đang chạy với vận tốc 110 km/giờ ngay trên cầu Ba Si ở huyện Càng Long.

Không chỉ có chuyện siêu tốc độ, một loạt vi phạm khác cũng đã được liệt kê, đáng chú ý là chuyện xe Thanh Thủy lấn hết làn ngược chiều trên cầu khi đây là đoạn không cho phép vượt. Đó không chỉ là chuyện phạm luật, vì bất cứ ai từng lái xe cũng biết rõ là chuyện vượt nhau trên cầu hẹp là rất nguy hiểm vì khi gặp tình huống khẩn cấp thì không có cách xử trí.

Trước tai nạn này một tuần là một thảm kịch khác xảy ra ở Đà Nẵng khi một chiếc xe khách của Hợp tác xã xe khách Trung Nam đụng vào một chiếc xe hơi ngay tại một giao lộ mới khánh thành chưa kịp lắp đặt đầy đủ đèn tín hiệu giao thông. Xe khách chạy với tốc độ 85km/giờ đẩy xe hơi đến 120 mét mới có thể dừng lại, gần như cắt đôi chiếc xe hơi khiến cho bốn người tử vong tại chỗ và ba người chết sau đó ở bệnh viện. Và ai cũng biết là ở giao lộ chưa có đèn tín hiệu thì phải giảm tốc.

Những thông tin về các vụ tai nạn giao thông đầy chết chóc này không ngày nào là không thấy trên báo chí. Với khoảng 12.000 người chết mỗi năm, có lẽ Việt Nam là nước có tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông trên quy mô dân số lớn nhất thế giới. Và, có lẽ Việt Nam là nơi có lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường nhiều nhất thế giới, nhưng mỉa mai thay, lại là nơi mà chuyện vi phạm luật lệ giao thông xảy ra nhiều nhất thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy một bức tranh xám xịt.

Báo Tuổi Trẻ ngày 18-10-2014 trích số liệu từ Tổng cục Đường bộ cho biết riêng khu vực Tây Nguyên trong tháng 4-2014 có đến 19.800 xe khách vi phạm tốc độ, tăng 7.000 xe so với tháng 3-2014. Dữ liệu này có được từ 50.364 phương tiện gởi về cho Tổng cục Đường bộ tính từ đầu năm 2014. Theo Sở GTVT Kon Tum, hầu như tất cả các hãng xe khách đường dài khu vực Tây nguyên đều chạy quá tốc độ, có lúc lên đến 110 km/giờ, thậm chí có một xe khách từ tháng 3 đến tháng 7-2014 đã có gần 200 lần vượt quá tốc độ, chủ yếu ở mức 90-100 km/giờ. Tuy nhiên, hầu như chưa xử phạt được trường hợp nào do cơ chế xử phạt chưa rõ ràng, theo một lãnh đạo Sở GTVT Kon Tum.

Nhưng đây không chỉ là chuyện của Tây Nguyên. Trên phạm vi cả nước – cũng theo dữ liệu từ Tổng cục Đường bộ – các phương tiện từ đầu năm đến hết tháng 4-2014 vi phạm tốc độ lên đến 1.130.388 lần, một con số khó mà có thể hình dung hết. Ngoài ra, trong tháng 4-2014, có 2.000 lượt tài xế lái xe liên tục trên 10 giờ so với quy định không quá ba giờ.

Các con số khủng khiếp nêu trên mới chỉ tổng hợp từ 84.000 phương tiện theo quy định phải gắn “hộp đen” và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ, còn hàng triệu xe khác – chẳng hạn xe ô tô cá nhân – vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát.

Số lượt vi phạm như vậy nếu bị xử phạt theo quy định hiện hành không thôi có thể lên tới 30.000-40.000 tỉ đồng mỗi năm, đủ để xây thêm một tuyến đường cao tốc mỗi năm, nhưng hầu hết các vụ vi phạm cho đến nay đều “trắng án.”

Theo Nghị định 71/2012/ND-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010/ND-CP) nhằm nâng mức phạt đối với các vi phạm về giao thông đường bộ thì ô tô vượt quá tốc độ trên 35km/giờ sẽ bị phạt từ 8 đến 10 triệu đồng, ô tô tải chở hàng vượt tải trọng 40% đối với loại xe dưới 5 tấn và vượt 30% với xe trên 5 tấn bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Các nhà làm luật có lẽ không thể hình dung xe khách chạy gấp đôi hay gấp ba tốc độ cho phép, hay xe tải chở vượt tải trọng ba đến bốn lần để đưa ra mức phạt “xứng tầm” hơn.

Ở nhiều nước – chẳng hạn như Úc – các biện pháp chế tài đều rất nghiêm ngặt, và trong các vụ vi phạm nặng cho dù chưa gây ra tai nạn, lái xe đều có khả năng ngồi tù.

Ở Việt Nam, ngoài mức phạt quá nhẹ mà chủ xe có thể bù lại bằng cách tiếp tục chở vượt tải hay vượt tốc độ để quay vòng xe nhanh, việc truy tố hình sự các vi phạm nghiêm trọng hầu như không thấy, trừ phi sau khi đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

Trong vụ xe khách đụng xe hơi ở Đà Nẵng, bên cạnh việc truy tố tài xế xe khách, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo điều tra HTX xe khách Trung Nam, và kết quả ban đầu cho thấy 27 trong tổng số 143 xe của HTX này không truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ theo quy định; và 91 trong tổng số 116 xe có truyền dữ liệu thì vi phạm tốc độ ở mức cao, theo báo Lao Động.

Trong vụ hai xe khách đua tốc độ gây tai nạn chết người ở Trà Vinh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo điều tra cả hai hãng xe Thanh Thủy và Kim Hoàng để xác định các vi phạm làm căn cứ xử phạt, bên cạnh việc bắt giam và truy tố tài xế.

Rồi đây, rất có thể kết quả điều tra sẽ chỉ lại làm đầy thêm các con số thống kê, vốn đã lên đến hàng triệu vụ việc mỗi năm. Mức xử phạt không đủ răn đe – và đặc biệt là việc không có biện pháp xử phạt hữu hiệu với những lỗi vi phạm đã được thống kê – là không thể chấp nhận được khi tai nạn giao thông hàng ngày, hàng giờ cướp đi sinh mạng biết bao người, gây ra thảm kịch cho biết bao gia đình.

Hai vụ tai nạn mới nhất cần phải được xem là tội ác. Và nếu không nghiêm khắc với các vi phạm như thế này là dung dưỡng cho cái ác.

Xem thêm:

5 ngày nghỉ lễ, 212 vụ tai nạn 132 người chết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới