Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không phải có nhiều tiền mới có thể đầu tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không phải có nhiều tiền mới có thể đầu tư

Ông Lê Tuấn Anh.

(TBVTSG) – Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) vào kinh doanh du lịch đang là một xu thế tất yếu trên thế giới. Song, theo nhận định của không ít chuyên gia, ở Việt Nam, việc ứng dụng này chưa được tốt.

TBVTSG đã phỏng vấn ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, về vấn đề này.

TBVTSG: Ông có thể cho biết về thực trạng ứng dụng CNTT-TT ở các doanh nghiệp du lịch hiện nay?

Ông Lê Tuấn Anh: Các doanh nghiệp du lịch hiện đã rất ý thức về vai trò của CNTT-TT trong hoạt động kinh doanh, điều đó thể hiện ở số máy trạm và máy chủ mà họ sử dụng.

Theo kết quả khảo sát, ở các công ty du lịch được khảo sát bình quân có khoảng 60 máy trạm và 2-3 máy chủ (đặc biệt Tổng công ty Du lịch Sài Gòn có tới 25 máy chủ, khách sạn Caravelle có 20 máy…).

Chỉ có 2 trong 52 công ty không có mạng nội bộ (LAN). Tất cả các công ty đều có kết nối Internet. Tỷ lệ các doanh nghiệp có nhân viên truy cập Internet ít nhất một lần trong tuần là hơn 50%. Tất cả các công ty truy cập Internet để trao đổi e-mail và tìm kiếm thông tin, giao dịch với đối tác, nghiên cứu thị trường…

Có 49 trong 52 công ty đã có trang web. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đã rất ý thức về vai trò của CNTT-TT trong việc quảng bá dịch vụ-sản phẩm du lịch. Có hơn 60% doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, trong đó chủ yếu là quản lý nhân sự, quản lý khách hàng, quản lý việc điều hành chương trình du lịch, quản lý kế toán-tài chính.

Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho bộ phận chuyên trách về CNTT: có hơn 60% doanh nghiệp có đội ngũ chuyên trách, hơn 30% có lãnh đạo chuyên trách quản lý CNTT.

Tóm lại, việc ứng dụng CNTT-TT trong công tác quản lý và quảng bá dịch vụ-sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch đạt ở mức khá cao, xét về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Việc bảo mật thông tin được chú trọng, nhân lực chuyên trách được quan tâm, không có nhiều rào cản đối với việc ứng dụng CNTT-TT trong hoạt động. Tuy nhiên, việc triển khai và ứng dụng quản lý chương trình du lịch, thanh toán trực tuyến vẫn còn hạn chế, chưa được triển khai rộng.

– Tình hình ứng dụng CNTT-TT ở các cơ quan quản lý nhà nước thì sao, thưa ông?

– Thấy được vai trò của CNTT-TT, nên toàn bộ các cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh (sở) đã trang bị máy tính. Cuộc khảo sát ở 48 sở cho thấy, sở có số máy trạm ít nhất là của Phú Thọ (bốn máy), nhiều nhất là của Đồng Tháp (33 máy).

Gần 80% số sở có mạng nội bộ với 1-2 máy chủ; máy tính đã phát huy được tác dụng, đã phục vụ được cho công tác chuyên môn và quản lý. Chỉ có một sở không kết nối Internet. Hơn 80% số sở có tỷ lệ công chức truy cập Internet hằng tuần khá cao. Tuy nhiên, mục đích truy cập Internet chủ yếu là trao đổi e-mail và tìm kiếm thông tin ; truy cập để giao dịch chỉ chiếm gần 20%. Có 30% số sở có bộ phận chuyên trách về CNTT, trong đó chỉ có 20% có cán bộ lãnh đạo chuyên trách quản lý CNTT.

Nhìn chung, việc ứng dụng CNTT-TT tại các cơ quan quản lý chỉ ở mức khá nếu xét về bề rộng. Về bề sâu, mới chỉ đạt mức trung bình khá, nhất là khi mục đích phục vụ cho việc quản lý còn đạt tỷ lệ thấp, cơ sở dữ liệu còn ít, và mức độ chú trọng đến bảo mật thông tin còn hạn chế.

– Cuộc khảo sát nói trên được thực hiện để phục vụ cho việc hoạch định chính sách phát triển, ứng dụng CNTT-TT trong ngành du lịch trong những năm tới. Sau khi nghiên cứu, đánh giá thực trạng, ngành du lịch sẽ định hướng xây dựng chiến lược phát triển CNTT-TT đến năm 2015-2020 như thế nào, thưa ông?

– Phương án tối ưu là ngành du lịch có được một Chiến lược phát triển CNTT-TT đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 hoặc dài hơn. Trước mắt, từ nay đến năm 2015, cần xây dựng một cổng thông tin du lịch quốc gia, là nền tảng cho các giao dịch G2B (Chính phủ với doanh nghiệp), G2C (Chính phủ với người dân), B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp với khách hàng). Bên cạnh đó là việc ban hành quy chế sử dụng chữ ký số trong ngành. Ngoài ra, phải đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến, chuyển mạnh công tác điều hành (đặc biệt là trong các cơ quan quản lý) dựa trên công văn, giấy tờ sang môi trường mạng…

– Theo ông, đâu là yếu tố gây cản trở việc ứng dụng CNTT-TT tại các sở chuyên ngành?

– Thiếu kinh phí và chính sách. Kinh phí và nhân lực vẫn là lực cản lớn nhất đối với việc mở rộng phát triển ứng dụng CNTT-TT. Trong khi đó, vai trò của chính sách Nhà nước đối với việc ứng dụng CNTT-TT chưa được chú trọng tại các sở, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn cho rằng đây là yếu tố quan trọng và cơ bản để khắc phục những lực cản khác, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT-TT tại các sở.

– Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp trong việc đầu tư CNTT-TT?

– Nói chung, tùy theo quy mô của doanh nghiệp mà có mức đầu tư CNTT-TT phù hợp. Ban đầu nếu đầu tư ít, thì sau đó có thể nâng cấp dần lên khi có nhu cầu hoặc kinh phí. Không nhất thiết phải đợi có thật nhiều tiền thì mới đầu tư. Các doanh nghiệp nên hiểu rằng việc đầu tư cho hệ thống CNTT-TT để phục vụ hoạt động kinh doanh là một trong những yếu tố làm tăng trưởng hiệu quả kinh doanh.

VÂN OANH thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới