Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không phải rừng nào cũng… là rừng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không phải rừng nào cũng… là rừng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Tại nghị trường của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 30 năm qua diện tích rừng đã tăng từ 9 triệu héc ta lên 14,6 triệu héc ta, trong đó rừng tự nhiên tăng được 1,3 triệu héc ta lên 10,3 triệu héc ta. Con số tổng này rất dễ làm hài lòng những người quan tâm đến việc bảo vệ rừng, nhưng đi vào chi tiết một chút mới thấy bức tranh không sáng sủa.

Không phải rừng nào cũng... là rừng
Trận lụt dữ dội sau bão tại miền Trung hồi tháng 10 vừa qua có một phần nguyên nhân do rừng đầu nguồn các con sông đã bị phá. Ảnh: TTXVN

Cần biết rằng, chức năng quan trọng nhất của rừng không phải ở diện tích phủ xanh, điều mà các vườn cà phê hay cao su… cũng đáp ứng được, mà là ở khả năng điều tiết nước, làm giàu cho đất, chống xói mòn – sạt lở và đa dạng sinh học. Đây là những chức năng mà chỉ rừng tự nhiên giàu trữ lượng, với nhiều tầng cây, mới có thể đáp ứng tốt.

Thế nhưng, cũng số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng diện tích 10,3 triệu héc ta rừng tự nhiên, chỉ có 15% là rừng giàu trữ lượng tương ứng với diện tích 1,54 triệu héc ta, trong khi rừng nghèo lên tới 35%, tức trên 3,6 triệu héc ta. Theo phân loại của Việt Nam, rừng có trữ lượng gỗ trên 200 mét khối/héc ta được xếp vào nhóm rừng giàu, còn rừng nghèo là 10-100 mét khối.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không cho biết trên 3,6 triệu héc ta rừng nghèo là “nghèo” đến mức nào, nhưng chỉ cần đối chiếu với số liệu trữ lượng trung bình của toàn bộ 14,377 triệu héc ta rừng chỉ khoảng 77 mét khối/héc ta, do bộ công bố vào năm 2017, cũng có thể suy ra mức độ nghèo đến kiệt quệ của hàng triệu héc ta rừng này.

Với hiện trạng nghèo đến như vậy thì làm sao mà rừng có thể đảm nhận được chức năng điều tiết nước, chống xói mòn – sạt lở và càng không có hy vọng về bảo tồn đa dạng sinh học. Đó là chưa nói trong 1,54 triệu héc ta rừng giàu, rừng cây gỗ chỉ chiếm chưa đầy 770.000 héc ta, còn lại là rừng gỗ xen tre nứa.

Trong mấy chục năm qua, thành tích phát triển rừng đáng kể nhất của Việt Nam là ở rừng trồng. Nhưng cũng cần biết rằng, thống kê rừng trồng từ năm 2005 đến hết năm 2016, có tới trên 92% là rừng sản xuất, nghĩa là trồng để khai thác gỗ nên hầu hết là trồng loại cây có tốc độ sinh trưởng nhanh với bộ rễ nông như keo, bạch đàn.

Không ít nhà khoa học đã cảnh báo rằng, loại rừng chỉ có một tầng cây này chỉ có thể làm tăng độ phủ xanh, gần như không có tác dụng đối với các chức năng quan trọng khác của rừng, thậm chí nó còn làm tăng tốc độ thoái hóa đất.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đóng cửa rừng để bảo vệ rừng, một quyết định mạnh mẽ. Thế nhưng, báo cáo sơ kết ba năm thực hiện quyết định trên của Tổng cục Lâm nghiệp lại cho thấy, dù cửa rừng đã đóng nhưng đất rừng vẫn tiếp tục bị mất, do chuyển mục đích sử dụng rừng cả đúng và không đúng quy định, cây rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá.

Vài con số nêu trên cũng đủ để cho thấy, hiện trạng rừng của Việt Nam là nguy kịch và sau thời gian dài “ăn của rừng” giờ chúng ta đang phải “rưng rưng nước mắt”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới