Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không phát triển thêm điện than

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không phát triển thêm điện than

Lan Nhi

Không phát triển thêm điện than
Một dự án nhiệt điện than do Tập đoàn dầu khí đầu tư – Ảnh: TL

(TBKTSG Onlines) – Trước sức ép nhập than đang đến thật gần với dự kiến từ năm 2020, mỗi năm Việt Nam phải nhập từ 20 triệu đến 30 triệu tấn than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện do nguồn than đang cạn dần, Chính phủ yêu cầu không phát triển thêm nhiệt điện than.

Yêu cầu này được đưa ra cách đây hai ngày, khi Thường trực Chính phủ họp về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) và Dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than đến 2020, có xét đến 2030 (gọi là quy hoạch than 60).

Sở dĩ việc điều chỉnh hai quy hoạch này được bàn cùng nhau vì tính gắn kết của cả hai đề án. Nếu không có than thì không thể tính đến việc xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện than.

Thủ tướng yêu cầu trong quý 1-2016, Bộ Công Thương phải trình đề xuất sửa đổi cả hai đề án. Mục tiêu sửa đổi nhằm kiềm soát, bảo vệ tốt vấn đề môi trường, rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về cắt giảm khí thải. Thủ tướng yêu cầu không phát triển thêm các nhà máy điện than, tiến tới thay than bằng khí và tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Trong Quy hoạch điện VII, đến năm 2015, nhiệt điện than chiếm 35,1% tổng công suất nguồn, là cao nhất trong các dự án nguồn điện (thủy điện xếp sau với 33,6%). Đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ tăng lên ở mức 44,7% (gần 30.000 MW). Năm 2030, nhiệt điện than sẽ tăng lên 56,1%, trong khi các nguồn điện tái tạo hoặc điện sạch giảm đi hoặc tăng lên cũng không đáng kể.

Các dự án điện than mỗi ngày một tăng lên nhưng nguồn than trong nước khai thác được để đáp ứng đầu vào cho các nhà máy điện công suất lớn lại càng ngày càng giảm đi.

Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản (TKV) cho biết, năm 2015, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện trong nước khoảng 23-24 triệu tấn. Ngành than hầu như chỉ còn xuất khẩu rất ít nên đến hết 2015 vẫn cân đối đủ than cho nhu cầu các nhà máy trong nước.

Song, từ năm 2016 trở đi, việc nhập khẩu số lượng lớn sẽ ngày một tăng dần, bắt đầu từ việc nhập khẩu vài triệu tấn cho năm 2016, và đến năm 2020 có thể nhập khẩu từ 20 triệu đến 30 triệu tấn/năm.

Từ một nước xuất khẩu than chuyển qua trở thành một nước nhập khẩu than để phục vụ cho sản xuất điện đồng nghĩa với tính chủ động nguồn cung của cả hai ngành điện và than đứng trước thách thức lớn. Biến động nguồn cung, giá năng lượng và tỉ giá luôn là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư vào các dự án nhiệt điện.

Để ứng phó với vấn đề nhập khẩu, Bộ Công Thương đã từng chỉ đạo Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn dầu khí (PVN) và các doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án điện phải có nguồn cung ứng than trước khi khởi công dự án bằng cách sớm ký các hợp đồng nhập khẩu nguyên tắc với Vinacomin và các nhà cung cấp ở nước ngoài. Một số hợp đồng nhập khẩu thí điểm vài chục ngàn tấn than từ Indonesia từ năm 2011 với giá thành khá cạnh tranh đã được thực hiện.

EVN sẽ có ba nhà máy dùng than nhập khẩu với tổng công suất 3.000 MW trong tương lai là dự án Duyên Hải 3 mở rộng (600MW), Vĩnh Tân 4 (1200 MW), Duyên Hải 3 (1200 MW). PVN có năm nhà máy phải nhập khẩu than với tổng công suất 6.000 MW. Ba nhà máy trong số này dùng than nhập.

Không những yêu cầu dừng đầu tư các nhà máy điện than, Thủ tướng còn yêu cầu các dự án điện không bao cấp về giá và giá phải dựa trên giá thành sản xuất, đảm bảo lợi nhuận tái đầu tư.

Mời xem thêm:

Nhiệt điện than và sinh mạng con người

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới