Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không quá sớm để lo giảm phát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không quá sớm để lo giảm phát

LTS:  Nhân đọc bài viết của TS. Vũ Thành Tự Anh “Quá sớm để lo giảm phát” của TBKTSG số ra ngày 30-10-2008, bạn đọc Cảnh Thái đã có ý kiến phản hồi về vấn đề này. TBKTSG Online xin giới thiệu.

TS. Vũ Thành Tự Anh căn cứ vào một số thống kê giá tiêu dùng, mức độ giải ngân vốn ngân hàng cho doanh nghiệp hiện tại mà nói “quá sớm để lo giảm phát”, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) thì đã và đang chết đi. Họ ra đi rất lặng lẽ, âm thầm theo kiểu: cửa hàng bán đồ sắt đóng cửa thì mở ra cửa hàng bán đồ điện, bà Ba không bán xôi thì bán bắp, các công ty xây dựng cắt giảm hơn một nửa số công nhân, họ sẽ về quê cấy cày hoặc xin làm phụ hồ, bốc vác đâu đó…

Các số liệu thống kê cũng cho thấy mức độ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của DNVVN còn thấp, ít, nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn này (khoảng 50% DNVVN vay vốn ngân hàng). Khi nguồn vốn này bị động, cắt đột ngột, DNVVN sẽ phá sản nhanh chóng do cấu trúc hoạt động phụ thuộc vào vốn lưu động vay chứ không phải vốn đầu tư ban đầu như các doanh nghiệp lớn. DNVVN phải vay vốn để mua hàng, trả lương, trả bên bán… như vốn lưu động nên khi ngân hàng tăng lãi suất hoặc tệ hơn nữa cắt nguồn vay, họ lập tức phá sản trong vòng vài tháng. Các doanh nghiệp lớn vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh tưởng chừng sẽ dễ thở hơn nhưng dài hạn cũng sẽ nợ ngập đầu khi phải ngưng hoạt động vì lãi suất cao.

Hiệp hội DNVVN cũng đã có nhiều phản ánh, kiến nghị, nêu số liệu phần trăm các DNVVN đã và đang phá sản. Các nhà quản lý kinh tế vĩ mô cần nhìn vào số liệu này. Không thể căn cứ vào số liệu nợ xấu của ngân hàng chỉ khoảng hơn 3% để nói DNVVN đang làm ăn tốt!

Chúng ta không thể đợi các DNVVN tuyên bố, bố cáo phá sản, mới đi đếm và thống kê có bao nhiêu “xác” doanh nghiệp đã “hy sinh”! Khi đó thì “nguy cơ” đã biến thành “hệ quả tiêu cực – hệ lụy”. Sự chậm trễ trong nhận định tình hình dẫn đến lạm phát như vừa rồi, và khi lạm phát diễn ra thì thắt chặt tín dụng, tiền tệ đột ngột như uống thuốc kháng sinh liều cao giết chết cả vi khuẩn tốt lẫn xấu trong cơ thể dẫn đến khó khăn như hôm nay.

Ai cũng nghĩ rằng “nguyên nhân” gây ra lạm phát vẫn còn đó. Có nguy cơ tái diễn lạm phát khi lãi suất hạ nhưng DNVVN không vay được trong khi các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước với hiệu quả đầu tư kém lại nuốt chửng các nguồn vốn khổng lồ!

Nguy cơ đình trệ và suy thoái kinh tế toàn cầu là có thực. Không thể nói chúng ta ngoại lệ hay đứng ngoài nguy cơ. Càng không thể nói “quá sớm để lo giảm phát”. Giảm phát chỉ là một “hệ quả” của đình trệ sản xuất kinh doanh, trong khi các dấu hiệu đình trệ sản xuất kinh doanh đã lộ diện rõ ràng. Không bao giờ quá sớm để nói về “nguy cơ” hay nguyên nhân gây lạm phát hay giảm phát của quốc gia, nhất là thời điểm này!

CẢNH THÁI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới