Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không quan tâm tới chuyển đổi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không quan tâm tới chuyển đổi

Tấn Đức

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Chỉ còn hơn ba tháng nữa, Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ hết hiệu lực và các doanh nghiệp thuộc khối này phải chuyển thành công ty TNHH một thành viên và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo DNNN đến nay vẫn tỏ ra thờ ơ với sự thay đổi này. Nếu sự kiện này diễn ra cách nay năm năm, trước thời điểm Luật DNNN được sửa đổi, có lẽ nó đã được đón nhận nồng nhiệt hơn.

Lãnh đạo một công ty bao bì ở TPHCM nói: “Việc chuyển đổi này cũng chẳng thay đổi cơ chế vận hành của DNNN, hiện đã khá thông thoáng”. Trước đây, hoạt động của DNNN bị nhiều trói buộc, làm hạn chế quyền quản lý sản xuất kinh doanh, đầu tư và phát triển nguồn nhân lực của mỗi đơn vị. Nhưng kể từ sau khi Luật DNNN được sửa đổi vào năm 2005, quyền tự chủ của khối này đã được mở rộng. Các quyền khác liên quan đến nhân sự cũng trở nên rõ ràng hơn.

Giám đốc một công ty in ở TPHCM cho biết, giờ đây ông có thể ra những quyết định đầu tư hàng trăm tỉ đồng mà chẳng cần phải xin phê duyệt của cơ quan chủ quản. Mọi quyết định khác liên quan đến chiến lược sản xuất, kinh doanh và đầu tư cũng hoàn toàn thuộc quyền tự quyết của công ty. Với cơ chế rộng rãi như vậy, thậm chí lãnh đạo một số DNNN còn không muốn chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên hoặc cổ phần hóa.

Phó tổng giám đốc một công ty nhựa có cổ phần chi phối của Nhà nước nói: “Chúng tôi còn một số công ty con hiện vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Giám đốc các công ty này đến nay vẫn không muốn cổ phần hóa cũng không thích việc chuyển đổi mô hình, vì sợ mất đi những lợi thế riêng có mà DNNN được hưởng từ bấy lâu nay, như cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng và các hợp đồng của Nhà nước”.

Trong thực tế, việc chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên mang lại lợi ích cho chính Nhà nước, ông chủ đích thực của doanh nghiệp, hơn là cho lãnh đạo của mỗi công ty, vốn chỉ là những người làm thuê cho Nhà nước.

Do tính chất trách nhiệm hữu hạn của doanh nghiệp, nghĩa vụ của ông chủ nhà nước về tài sản sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết để chấm dứt tình trạng dựa dẫm, trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước đối với DNNN cũng như đối tác làm ăn của họ; buộc DNNN phải tồn tại và phát triển bằng chính khả năng của mình.

Điều đó đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng khi xem xét cho DNNN vay vốn, họ phải cân nhắc kỹ hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, vì sẽ không còn cơ hội được Chính phủ “cứu” nếu người vay không trả được nợ. Cũng vậy, các đối tác làm ăn với DNNN cũng phải thận trọng như với các thành phần kinh tế khác.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2005), Luật DNNN chỉ được phép tồn tại trong vòng bốn năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực. Đây cũng là một trong những điều khoản cụ thể hóa cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Liksin, cho rằng việc chuyển đổi còn giúp những DNNN không còn khả năng tồn tại có thể dễ dàng xin phá sản, do vấn đề công nợ chỉ được giải quyết trong phạm vi vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đây là cơ hội để giải tỏa tình trạng “chết mà không thể chôn” tồn tại bấy lâu nay ở nhiều DNNN đã phá sản, do bế tắc trong vấn đề giải quyết công nợ.

Bên cạnh đó, chuyển đối DNNN thành công ty TNHH một thành viên còn tạo ra sự bình đẳng về pháp lý giữa mọi thành phần kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường, xóa bỏ dần sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra hiện nay là sau khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên và hoạt động theo sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có thật sự được hoạt động theo Luật Doanh nghiệp không? Chẳng hạn như vấn đề tiền lương, bổ nhiệm nhân sự cấp cao hoặc các quyết định liên quan tới việc bình ổn giá cả thị trường.

Theo Luật Doanh nghiệp, hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, quyết định mức lương của tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc. Nhưng trong thực tế ở một số công ty đã chuyển đổi, việc bổ nhiệm nhân sự vẫn do cơ quan nhà nước, với vai trò chủ quản, quyết định. Còn hội đồng thành viên chỉ đóng vai trò đề xuất nhân sự và hợp thức hóa quyết định của cấp trên.

Tương tự là vấn đề kiểm soát giá cả. Cho đến nay, những quy định về không tăng giá một số mặt hàng quan trọng trong những thời điểm cụ thể, chẳng hạn như thép và xi măng, không chỉ được áp dụng với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mà cả với những công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng nhà nước có cổ phần chi phối.

Tóm lại, chuyển đổi DNNN sang hoạt động theo một mô hình khác không chỉ đơn giản là chấm dứt hiệu lực của luật này để chuyển sang hoạt động theo luật khác. Điều quan trọng hơn là phải rà soát, chỉnh sửa tất cả những quy định khác liên quan tới DNNN, nhằm bảo đảm việc chuyển đổi không chỉ đơn giản là thay đổi hình thức, mà là thay đổi cả cơ chế vận hành nhằm đem lại những hiệu quả thiết thực, xóa bỏ những rào cản còn lại đối với khả năng phát triển của khu vực kinh tế này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới