Không “quên” cam kết với WTO
(TBKTSG) - Bài viết này nhằm nêu ra một số điểm cần lưu ý để các doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ gói kích cầu không bị dính vào những vụ kiện chống trợ cấp nhiều phiền toái và tốn kém liên quan tới Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) và Hiệp định Nông nghiệp mà Việt Nam đã cam kết trong WTO.
Hiệp định SCM, Hiệp định Nông nghiệp và khả năng bị kiện chống trợ cấp
Theo quy định của Hiệp định SCM, trợ cấp (subsidy) được hiểu là các khoản hỗ trợ tài chính của nhà nước hoặc một tổ chức công (trung ương hoặc địa phương) mang lại lợi ích cho doanh nghiệp/ngành sản xuất như miễn hoặc cho qua các khoản thu phải đóng (như ưu đãi thuế, tín dụng), hỗ trợ trực tiếp bằng tiền (cấp vốn, cho vay, góp cổ phần) hoặc hứa chuyển (bảo lãnh cho các khoản vay).
Do đó, một số định hướng chính sách đã công bố nếu không thực hiện thận trọng có thể sẽ là căn cứ để các nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam viện dẫn khởi kiện như: (i) ngân hàng thương mại không phạt do quá hạn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do khó khăn; (ii) bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ tiếp cận vốn vay; (iii) giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quí 4-2008 và số thuế phải nộp năm 2009 cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong chín tháng đối với số thuế phải nộp năm 2009 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với 70% số thuế còn lại sau khi đã giảm; (iv) hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu; (v) ân hạn thời hạn nộp thuế nhập khẩu đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; (vi) giao Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam mua khoảng 1 triệu tấn lúa với lãi suất được hỗ trợ 100%.
Tuy số vụ kiện chống trợ cấp trong khuôn khổ WTO ít hơn nhiều so với kiện chống bán phá giá và cho tới nay Việt Nam cũng chưa từng bị kiện chống trợ cấp nhưng khi thiết kế chi tiết gói kích cầu cần hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ những cam kết với WTO để giảm thiểu xác suất bị kiện vì lúc đó thua thiệt phần nhiều sẽ nghiêng về phía doanh nghiệp Việt Nam. |
Ngoài Hiệp định SCM về trợ cấp hàng phi nông sản, WTO còn có Hiệp định Nông nghiệp quy định về trợ cấp hàng nông sản trong đó phân biệt rõ thế nào là hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu.
Khi gia nhập WTO, về cơ bản chúng ta đã bãi bỏ các trợ cấp từ ngân sách được coi là bóp méo thương mại hàng hóa như trợ giá mua, mua tạm trữ để tránh sụt giá... Do đó đối với vấn đề mua lương thực được hỗ trợ lãi suất nêu trên, nếu hai tổng công ty mua dự trữ để xuất khẩu có thể sẽ bị coi là trợ cấp xuất khẩu.
Cần lưu ý thêm rằng Hiệp định SCM quy định ba loại trợ cấp là đèn đỏ, đèn xanh và đèn vàng với quy chế áp dụng khác nhau và chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng trợ cấp đèn xanh để hỗ trợ doanh nghiệp mà không bị khiếu kiện. Tuy nhiên, nếu trợ cấp đó rơi vào nhóm đèn đỏ hoặc đèn vàng thì khả năng bị kiện chống trợ cấp đối với ngành sản xuất hoặc doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ kích cầu là không nhỏ.
Ví dụ gần đây nhất là khi Chính phủ Mỹ công bố sử dụng 17,4 tỉ đô la Mỹ hỗ trợ ba hãng ô tô Ford, General Motors và Chrysler, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã tuyên bố EU có thể sẽ đưa hành động này của Chính phủ Mỹ ra cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO. Đây sẽ lại là một vụ kiện nhiều phiền toái và tốn kém giống như tranh cãi Boeing - Airbus trước đây.
Không được quên cam kết trong WTO
Với những ý tưởng đã được công bố có thể thấy phạm vi của gói kích cầu sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng, chính sách an sinh xã hội... nhưng với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như nước ta thì tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu nhận “kích cầu” chắc chắn là không nhỏ nên khi thực hiện kích cầu cần lưu ý các hình thức trợ cấp xuất khẩu hoặc trợ cấp mang tính “riêng biệt” hướng tới một/một nhóm doanh nghiệp (ví dụ nếu chỉ một số doanh nghiệp nhà nước được nhận kích cầu) hoặc đối tượng nhận trợ cấp là tùy tiện và theo cơ chế xin - cho mà không dựa vào những tiêu chí khách quan thì nguy cơ bị kiện chống trợ cấp là rất lớn và cái lợi trước mắt khi chỉ “kích cầu” một số doanh nghiệp sẽ không bù đắp được thiệt hại lâu dài của các doanh nghiệp khác, ảnh hưởng tới mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu.
Cho đến nay Việt Nam đã phải đối mặt với hơn 30 vụ kiện chống bán phá giá và kinh nghiệm thực tế cho thấy chúng ta đã chịu nhiều thua thiệt trong các vụ kiện đối với tôm, cá da trơn... Tuy số vụ kiện chống trợ cấp trong khuôn khổ WTO ít hơn nhiều so với kiện chống bán phá giá và cho tới nay Việt Nam cũng chưa từng bị kiện chống trợ cấp nhưng khi thiết kế chi tiết gói kích cầu cần hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ những cam kết với WTO để giảm thiểu xác suất bị kiện vì lúc đó thua thiệt phần nhiều sẽ nghiêng về phía doanh nghiệp Việt Nam do chúng ta còn phải chấp nhận quy chế nền kinh tế phi thị trường tới năm 2018.
NGUYỄN TRÍ BẢO