Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không sợ cải lương chết!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không sợ cải lương chết!

Thanh Phương

Không sợ cải lương chết!
Nghệ sĩ Bạch Tuyết.

(TBKTSG) – Khác với những lo ngại nghệ thuật cải lương có nguy cơ chỉ còn là hoài niệm, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết vẫn tin vào sức sống mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật “từ dân mà ra, được kết tinh từ âm nhạc và truyền thống văn hóa của dân tộc”.

TBKTSG: Những năm gần đây có nhiều ý kiến lo lắng cho sự thoái trào của nghệ thuật cải lương. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

– Nghệ sĩ Bạch Tuyết: Nghệ thuật ca kịch cải lương vận động và tồn tại theo “trục”: định hình để phát triển và phát triển để định hình. Do đó, tôi không gọi tình trạng của cải lương hiện nay là thoái trào mà nó đang diễn tiến theo vòng xoáy của đời sống xã hội. Cùng với sự xuất hiện của nhiều thể dạng mới, những sự lựa chọn mới, dẫn đến diện mạo mới cho đời sống văn hóa – giải trí, cải lương cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác hình thành một quy trình mới: nếu trước đây công chúng đi tìm nghệ thuật thì nay, từng loại hình nghệ thuật phải xác lập hệ tiêu chí riêng để tìm thấy công chúng của mình.

Riêng với cải lương, mỗi thế hệ công chúng có “gu” thẩm mỹ tương ứng với từng phong cách cải lương. Nếu bạn thuộc thế hệ “thủy chung” với thế hệ vàng của cải lương cũ thì cũng có lớp khán giả yêu thích những tài năng của Nhà hát Trần Hữu Trang, những giọng hát hay trong các chương trình “Chuông vàng vọng cổ”… Tôi nghĩ là một loại hình nghệ thuật có tính thích ứng, thích nghi cao, cải lương vẫn đang tồn tại và vận động. Còn với tư cách một loại hình trong thị trường giải trí, cải lương đang nỗ lực chen vai thích cánh với nhiều loại hình khác, tuy có phần nào chật vật.

TBKTSG: Nhưng có một thực tế khá rõ là so với vài thập niên trước, sức hút của cải lương hiện nay kém hơn, không còn dấu ấn cả về giọng ca, vai diễn lẫn kịch bản. Nhiều thính giả vẫn sống với hoài niệm về những vở tuồng và đào kép cũ…

– Đúng là một giai đoạn phát triển rực rỡ đã tạo nên một “thành quách” cải lương trong tâm hồn, trong ký ức của một thế hệ khán giả, và nó khiến người ta khó thoát khỏi những giá trị đã được khẳng định. Đó là một thành quả của cải lương, cũng là nền tảng để nó tồn tại. Nhưng tôi vẫn thấy có điều gì đó chưa thật công bằng đối với thế hệ nghệ sĩ hôm nay. Trên nền tảng đời sống kinh tế – xã hội mỗi giai đoạn, cải lương bị ảnh hưởng và dần hình thành những cảm thức thẩm mỹ mới, sản sinh một thế hệ nghệ sĩ với những cách thể hiện mới. Những ngày này, khi giải thưởng Trần Hữu Trang khởi động trở lại sau bốn năm tạm dừng, nếu bạn chứng kiến những buổi tập tuồng, không khí dạy nghề, học nghề, làm nghề tưng bừng, bạn sẽ thấy cải lương luôn tồn tại một “linh khí”, một sự mê hoặc, một hấp lực lạ lùng. Thế hệ nghệ sĩ trẻ không thiếu những em có thanh sắc. Hãy nhìn họ, nghe họ trong chính thời đại của họ, bạn có thể cảm nhận được một sức hút mới.

TBKTSG: Chị có nói đến sự chật vật của cải lương trong hoàn cảnh phải chen vai thích cánh với các loại hình giải trí khác. Phải chăng đó cũng là rào cản trên con đường cải lương tìm đến một thời hoàng kim mới?

– Giới nghệ sĩ, trong đó có nhiều người trẻ hàng ngày vẫn đến sàn diễn tuy có phần nào nhếch nhác và thiếu chỉn chu so với trước, khi phải chạy “sô” từ rạp hát, phim trường đến cả các quán xá để có thể sống được một cách lương thiện. Điều này có ảnh hưởng đến quỹ thời gian cũng như sức tập trung vào việc học tuồng, tập tuồng.

Ngoài ra, cải lương luôn cần có sự đầu tư, quản lý tập trung và chuyên nghiệp. Thời trước năm 1975, các ông (bà) bầu gánh hát đã có “công nghệ lăng xê” nghệ sĩ một cách rất hiệu quả bằng cách cho họ những “vai diễn đo ni đóng giày”. Soạn giả là những người gắn bó với đoàn hát, khi viết kịch bản đã biết chắc viết vai đó cho nghệ sĩ nào, và thế mạnh trong lối ca diễn của mỗi người được khai thác tối đa. Người nghệ sĩ chỉ cần đôi ba vai diễn như vậy là đã sống trong lòng khán thính giả. Nghệ sĩ trẻ sau này ít người có điều kiện như vậy. Các em được học diễn một số vai kinh điển, nhưng phần lớn đều phải tự bươn chải kiếm vai, kiếm sống, nhiều khi không phù hợp. Rồi cả sự đầu tư cho các khâu đạo diễn (thầy tuồng), âm nhạc, phục trang, hậu đài… Tất cả phải theo một “quy trình công nghệ” nhưng thực tế nhiều năm gần đây, cái “công nghệ” đó thường bị đốt giai đoạn, thậm chí cái tâm lý “đi tắt đón đầu” đã nghiệp dư hóa nghệ thuật cải lương với tình trạng ai cũng có thể viết kịch bản, ai cũng có thể ca diễn, ai cũng có thể dựng tuồng.

Cùng với những thao thức tìm tòi, thể nghiệm những cái mới cho cải lương, một sự tổ chức lại hoạt động cải lương mang tính chuyên nghiệp, trên cơ sở có sự đầu tư và quan tâm đúng mức, cải lương sẽ nhanh chóng hòa mình trong dòng thời đại.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới