Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không thể chỉ giải quyết bằng tăng xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không thể chỉ giải quyết bằng tăng xuất khẩu

Quí 1-2008, cân đối giữa xuất khẩu dầu thô và nhập các sản phẩm tinh chế từ dầu cho kết quả thâm hụt khoảng 200 triệu đô la Mỹ

(TBKTSG) – Theo tính toán của Chính phủ và khuyến cáo của một số chuyên gia nước ngoài, Việt Nam nên tăng xuất khẩu để giảm thâm hụt thương mại. Liệu đây có phải là giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay khi mà cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam từ nhiều năm qua vẫn dựa vào khoáng sản thô và hàng gia công, sơ chế?

>> Vì sao nhập siêu tăng?

>> “Cầm đèn chạy trước ô tô”

Những lỗ hổng trong xuất khẩu

Ông Tan Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, sau chuyến công tác tại Hà Nội cuối tháng 4 vừa qua đã nói rằng: “Viễn cảnh lý tưởng nhất để giảm thâm hụt thương mại ở Việt Nam là xuất khẩu tăng mạnh, còn các tư liệu sản xuất nhập khẩu thì được chuyển thành năng lực sản xuất”. Tuy nhiên theo ông Tan Hui, trước mắt việc đẩy mạnh xuất khẩu lại đi kèm với rủi ro.

Trước đó, cuối tháng 3, một đề xuất tương tự đã được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ. Bộ cũng chỉ đưa việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các giải pháp trung và dài hạn để giảm nhập siêu, còn đề xuất trước mắt là kiểm soát chặt nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu và quản lý việc nhập khẩu bằng công cụ thuế.

Nhìn vào tình hình xuất khẩu quí 1-2008 sẽ thấy cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta tiềm ẩn nhiều rủi ro cả về ngắn hạn và trung hạn.

Mức tăng trưởng xuất khẩu ba tháng đầu năm là 22,7%, thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước (23,9%) và cả mong muốn của Chính phủ (25%). Trong tổng kim ngạch xuất khẩu quí 1-2008 là 13,03 tỉ đô la Mỹ, yếu tố tăng giá (mang tính thời điểm và phụ thuộc vào thị trường thế giới) đã góp vào 1,4 tỉ đô la Mỹ (chiếm 56%). Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tăng do lượng tăng 1,1 tỉ đô la.

Bộ Công Thương cũng thừa nhận rằng vấn đề mà bộ đã nhìn thấy nhưng chưa có hướng giải quyết là việc thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu, từ các mặt hàng chủ lực là khoáng sản thô, gia công, sơ chế sang các mặt hàng tinh chế, dịch vụ. Yêu cầu này hiện nay rất bức thiết nhưng cũng là một thách thức lớn.

Lấy trường hợp xuất khẩu dầu thô làm thí dụ. Năm 2007, Việt Nam thặng dư 1 tỉ đô la sau khi cân đối giữa xuất khẩu dầu thô (8,5 tỉ đô la Mỹ) và nhập các sản phẩm tinh chế từ dầu (7,5 tỉ đô la). Con số này đang nhỏ dần so với các năm trước đó, năm 2006 là 2,5 tỉ đô la, năm 2005 là 2,3 tỉ đô la. Điều đáng lo hơn là đến quí 1-2008, thặng dư đã chuyển thành thâm hụt, theo số liệu của Bộ Công Thương là 200 triệu đô la.

Theo một báo cáo khác từ cuối năm 2007 cũng của Bộ Công Thương, năm nay mỏ Bạch Hổ sẽ giảm khai thác khoảng 1 triệu tấn dầu thô.

Như vậy gia tăng xuất khẩu trong khi cơ cấu hàng xuất khẩu chưa cải thiện không phải là lối thoát tốt nhất để giảm nhập siêu, do các yếu tố tăng trưởng thiếu bền vững.

Phải sử dụng công cụ thuế và thay đổi cơ cấu hàng nhập

Nghịch cảnh hiện tại là muốn đẩy mạnh xuất khẩu phải tăng nhập khẩu hơn nữa, đặc biệt nhóm mặt hàng phục vụ cho sản xuất, làm nguyên liệu đầu vào hiện chiếm 73% tổng kim ngạch nhập khẩu (công bố của Viện Nghiên cứu thương mại tháng 2-2008).

Song con số mới hơn mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tại Quốc hội hôm 12-5 còn cao hơn nữa: “Nhóm hàng nhập khẩu là nguyên liệu và máy móc chiếm 92% tổng kim ngạch nhập khẩu”.

Mười mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất (về trị giá) năm 2007

Đvt : triệu USD

Thời gian

2007

4 tháng 2008

1. Máy móc, thiết bị, phụ tùng

10.357

4.614

2. Xăng dầu

7.500

3.777

3. Vải

3.989

1.300

4. Thép thành phẩm

3.839

2.461

5. Điện tử, máy tính và linh kiện

2.941

1.170

6. Chất dẻo nguyên liệu

2.507

976

7. Nguyên phụ liệu dệt da may

2.187

728

8. Kim loại thường khác

1.878

635

9. Hóa chất nguyên liệu

1.449

599

10. Ô tô nguyên chiếc và linh kiện

1.444

992

Nguồn: Bộ Công thương

 

Nhập siêu hàng hóa qua các năm Đvt: tỉ USD

Năm

2005

2006

2007

4T/2008

Trị giá nhập siêu

4,7

4,8

12,4

11,1

Nhập siêu/xuất khẩu (%)

17,8

12,1

25,6

60,8

Nguồn: Bộ Công thương (trước 2007 là Bộ Thương mại)

 

Biết được nguyên nhân của thâm hụt thương mại nằm ở đây nhưng không thể thắt lại bởi hạn chế nhập tức là chặn nguồn “bơm máu” cho nền sản xuất, đẩy lùi mục tiêu tăng trưởng GDP và xuất khẩu cũng tắc theo. Và cứ với đà gia tốc tăng trưởng nhập khẩu như thế này, thật khó lòng đưa cán cân thương mại trở về cân bằng được.

Một vấn đề khác cũng đáng lưu ý là trong khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước gia tăng năng lực sản xuất để hạn chế nhập siêu, Chính phủ lại không kiểm soát được việc đầu cơ của các doanh nghiệp nhân danh nhu cầu đầu tư.

Trước yêu cầu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, không được tăng giá trước tháng 7-2008, nhiều nhà sản xuất đã nhập đủ nguyên liệu nhưng hoạt động cầm chừng hoặc phân phối hàng hóa nhỏ giọt để chờ tăng giá sau thời điểm này. Dường như các nhà quản lý chưa có biện pháp hữu hiệu nào với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, thậm chí lại còn cho việc nhập khẩu các mặt hàng này là điều hiển nhiên nên chuyện nhập siêu tăng cũng là điều tất yếu.

Việc phân loại các nhóm mặt hàng thiết yếu phải nhập khẩu không chính xác cũng khiến nhập siêu gia tăng. Ví dụ mặt hàng thép thành phẩm. Trong quí 1-2008, lượng thép nhập về tăng gấp 2,1 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá, trong khi đó theo Bộ Công thương không cần nhập nhiều như thế vì thép thành phẩm trong nước không thiếu (lượng tồn kho của các thành viên thuộc Hiệp hội Thép trong quí 1 khoảng 100.000 tấn thép thành phẩm và 420.000 tấn phôi).

Vậy đâu là giải pháp cho việc nhập siêu? Theo một chuyên gia kinh tế, trong lúc chưa gia tăng được năng lực sản xuất trong nước mà muốn hạn chế nhập siêu thì nên dùng các công cụ thuế để điều tiết. Nhưng dường như việc sử dụng các công cụ này thời gian qua cũng chưa được chỉ đúng địa chỉ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói rằng Bộ này đã làm hết sức mình trong việc dùng các công cụ thuế để điều chỉnh cán cân thương mại. Cụ thể, trong đợt điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu gần nhất hồi cuối tháng 4 cho 167 dòng thuế, nhiều mặt hàng xuất khẩu dạng thô và một số mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu đã bị tăng thuế để hạn chế xuất, nhập. Nhưng tiếc rằng, mặt hàng thép thành phẩm tăng đột biến lại không phải là mặt hàng được điều chỉnh thuế nhiều nhất.

Với Chính phủ, giảm thâm hụt thương mại theo hướng nào để giảm áp lực cho nền kinh tế hình như vẫn còn lúng túng.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới