Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không thể chờ doanh nghiệp tự giác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không thể chờ doanh nghiệp tự giác

(TBKTSG) – Quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia luôn đi đôi với ô nhiễm môi trường. Thật ngẫu nhiên khi người ta dùng chỉ số Tổng sản phẩm nội địa (GDP = Gross Domestic Product) để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì GDP cũng là chữ viết tắt của Phần trăm tăng trưởng rác (GDP = Garbage Development Percentage).

Trên thế giới, việc kiểm soát chất thải phát triển qua ba giai đoạn: a) Giai đoạn pha loãng (dilution): Chất thải được xả thẳng vào môi trường đất, nước hay không khí; b) Giai đoạn xử lý cuối đường ống (end of pipe): Các thiết bị xử lý được lắp vào cuối đường ống xả và chất thải được xử lý trước khi xả vào môi trường; c) Giai đoạn sản xuất sạch (clean production): Chất thải được kiểm soát ngay trong quy trình sản xuất và các sản phẩm khi sử dụng xong không để lại rác cho môi trường – sản phẩm thân thiện với môi trường!

Có thể xem quy trình xử lý chất thải của một nhà máy đang ở giai đoạn nào để biết là doanh nghiệp đó có muốn làm ăn lâu dài hay không? Nhiều doanh nghiệp đã đưa hình ảnh môi trường vào thương hiệu sản phẩm của mình nhằm chuyển tải thông tin đến người tiêu dùng là “sản phẩm của chúng tôi sạch và quy trình sản xuất không làm ô nhiễm môi trường”.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tự giác thực hiện đầy đủ những gì mà mình công bố trên sản phẩm hoặc trên phương tiện truyền thông đại chúng!

Vì vậy, các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp hiện nay bao gồm khung luật pháp, các công cụ kinh tế, cảnh sát môi trường, hiệp hội người tiêu dùng, giáo dục nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và kể cả kêu gọi… lương tâm của nhà sản xuất! Nhưng xem ra những giải pháp nầy vẫn chưa chạm đến vấn đề cốt lõi, đó là: sự vào cuộc của các doanh nghiệp!

Mối quan hệ sống còn của doanh nghiệp với môi trường mới là động cơ chính có khả năng thay đổi được nhận thức của nhà sản xuất. Ví như ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải sẽ dẫn đến việc các công ty vận tải từ chối đưa tàu thuyền đến đây.

Dĩ nhiên là để các doanh nghiệp tự nguyện vào cuộc thì cũng cần phải có các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Trước mắt là làm giảm áp lực lỗ lã bằng cách hỗ trợ vốn ưu đãi để khuyến khích họ đầu tư công nghệ xử lý chất thải hiện đại. Tiếp theo là cần đầu tư nghiên cứu sâu mối quan hệ sống còn của doanh nghiệp và môi trường.

Vì các doanh nghiệp thường không có kinh phí và thời gian để làm các nghiên cứu nầy. Khi có các chứng cứ khoa học vững chắc thì chúng cần được chuyển đến tận tay các doanh nghiệp, thông qua các nghiệp đoàn. Nhờ mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp với nhau và tương lai phát triển của họ, chính họ, sẽ là người quyết định vào cuộc để kiểm soát ô nhiễm môi trường.

TS. DƯƠNG VĂN NI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới