Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không thể chung chung mãi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không thể chung chung mãi

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Quốc hội sắp sửa bước vào một kỳ họp mới. Bên cạnh việc thảo luận và thông qua các luật mới, sửa đổi bổ sung một số luật cũ, các đại biểu sẽ lại có dịp phát biểu về những vấn đề cử tri đang quan tâm. Ắt cũng như các kỳ họp trước, cử tri sẽ được nghe đại biểu băn khoăn về lạm phát, số doanh nghiệp phá sản tăng vọt, đời sống người dân khó khăn. Rồi cũng sẽ có những phát biểu về nợ công, về đầu tư công, về kẹt xe, tai nạn giao thông, các công trình chậm trễ. Và chắc các đại biểu không bỏ qua những vấn đề thời sự như tăng lương tối thiểu, quản lý giá vàng, giá xăng dầu, ô nhiễm môi trường… hay thậm chí chuyện cử đại sứ du lịch!

Nhưng nếu chỉ dừng ngang đó, các phát biểu của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp sắp tới cũng chẳng khác gì những kỳ họp trước đó. Nhiều vấn đề được xới lên, không có vấn đề nào được giải quyết đến tận cùng. Chưa kể ở các kỳ họp trước, nhiều phát biểu trùng lắp, dài dòng, thiếu thực tế và không thiếu những phát biểu sai những điểm cơ bản về kinh tế.

Lẽ ra, đại biểu Quốc hội không thể phát biểu dựa vào cảm tính hay cảm nhận cá nhân như thường thấy (tôi từng đi nước ngoài, tôi thấy…). Các phát biểu của họ phải dựa vào tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, đề đạt của cử tri mà họ là người đại diện. Chúng ta thường nói đến “nhóm lợi ích” như một khái niệm xấu nhưng thật ra, tập hợp các cử tri chính là các “nhóm lợi ích” và nếu đại biểu Quốc hội thật sự đại diện cho cử tri nơi bầu ra họ và cử tri của cả nước, họ sẽ nói lên tiếng nói của “nhóm lợi ích” – chỉ có điều nhóm lợi ích này chính là nguyện vọng của đại đa số người dân trong cả nước, để từ đó Quốc hội mới trở thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.

Thiết nghĩ, mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu chỉ cần chọn ra một số vấn đề thật tiêu biểu, đại diện cho những bức xúc chính đáng nhất của cử tri để đưa ra thảo luận và cuối cùng là ra nghị quyết để Chính phủ thi hành.

Lấy ví dụ, vấn đề nợ công là đề tài các kỳ họp trước đã có nhiều phát biểu, nhất là trong bối cảnh nợ công ở các nước châu Âu đang đẩy họ vào tình thế lâm nguy, đem lại cho chúng ta nhiều bài học nóng hổi. Nhưng các phát biểu dù phân tích hay ho đến đâu cũng chỉ mới dừng lại ở dạng ý kiến riêng lẻ, không trở thành một chương trình hành động mà Chính phủ phải tuân theo. Quốc hội nên giao cho một ủy ban chuẩn bị, nghiên cứu sâu và trả lời câu hỏi: để nợ công của Việt Nam không trở thành mối nguy trong tương lai thì ngay từ bây giờ phải làm gì? Từ đó, sẽ có những chuẩn mực đặt ra như tỷ lệ đi vay nước ngoài so với GDP, mức trần khoản tiền nợ và lãi phải trả hàng năm so với tổng ngân sách. Sẽ có những tiêu chí rất cụ thể như doanh nghiệp nhà nước nào khi đi vay thì được Nhà nước bảo lãnh, địa phương trong trường hợp nào thì được phát hành trái phiếu địa phương… Tất cả những chuẩn mực hay tiêu chí như thế phải thông qua tranh luận và bàn bạc công khai tại Quốc hội mới dần hình thành và trở thành pháp lệnh phải tuân thủ.
Chỉ với cách làm cụ thể, dứt khoát như thế, Quốc hội mới không trở thành một diễn đàn chung chung, đề cập đến nhiều vấn đề nhưng không giải quyết vấn đề nào cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới