Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không thể đi bên lề doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không thể đi bên lề doanh nghiệp

Ngọc Lan

Không thể đi bên lề doanh nghiệp
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại một doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Chính phủ lại yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) soạn thảo kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011-2015. Nhưng liệu bản kế hoạch này có mang đến sự đột phá?

Nhiều chính sách đi ngược thị trường

“Phải tổng kết kế hoạch năm năm phát triển DNNVV lần thứ nhất (2006-2010) xem đã làm được gì, cái gì chưa làm được trước khi triển khai kế hoạch mới. Thời gian qua chúng ta chỉ thấy số lượng DNNVV tăng mạnh nhưng chất lượng không đi kèm”, ông Phạm Đình Hương, đại diện Sở KH-ĐT Hòa Bình, đã nói như thế trong cuộc họp của bộ nhằm góp ý cho bản dự thảo kế hoạch trên đây tại Hà Nội vào cuối tuần trước.

Thực ra, Cục Phát triển doanh nghiệp không phải là không đề cập những mặt được và chưa được của cộng đồng DNNVV trong năm năm gần đây, gắn với kế hoạch hỗ trợ phát triển từ Chính phủ. Theo đánh giá, bản kế hoạch đầu tiên đã có những định hướng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV. 13/15 giải pháp đã được triển khai thực hiện, nhiều giải pháp trong số đó đã tạo sự chuyển biến cho môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả là việc gia nhập thị trường của khối doanh nghiệp này luôn có xu hướng tăng trong giai đoạn 2006-2010, đỉnh cao là năm 2009 với 85.000 doanh nghiệp được thành lập, năng lực tài chính được tăng cường, tạo công ăn việc làm chủ lực cho nền kinh tế, đóng góp vào ngân sách gia tăng.

Tuy nhiên, ông Hương cho rằng, không chỉ bản kế hoạch thứ nhất mà rất nhiều chính sách, nghị định của Chính phủ nhằm hỗ trợ hay tạo hành lang pháp lý cho khối DNNVV phát triển có hiệu quả thực thi rất thấp. Như việc tháo gỡ vốn ở Hòa Bình, khi họp bàn về vấn đề bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng thương mại được địa phương mời dự họp nhưng không có mặt vì ngại đối diện với các vấn đề không tháo gỡ được.

Chuyên gia Lê Duy Bình của Economica, người đang thực hiện cuốn sách trắng về DNNVV Việt Nam, nhận định rằng: cho dù trong kế hoạch trước đây Chính phủ đã đưa ra bảy nhóm giải pháp chính và rất nhiều chương trình hành động cụ thể, song nhiều chính sách không triển khai được bao nhiêu vì không khả thi. Ví dụ như trong nhóm giải pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DNNVV, việc thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng đã không thành công. Chỉ có một số ít các tỉnh thành lập được quỹ này.

Nhưng kể cả các quỹ đã thành lập cũng hoạt động không hiệu quả, không có đóng góp vào mục tiêu của nhóm giải pháp này (gắn với ưu tiên cho các DNNVV sản xuất hàng xuất khẩu hay hàng có giá trị gia tăng cao). “Thiết kế của quỹ không phù hợp với nguyên tắc của thị trường là nguyên nhân chính của sự thất bại”, ông Bình nói với TBKTSG. Với quan niệm Chính phủ là nhà tài trợ lớn, đóng vai trò hỗ trợ và bảo lãnh các khoản vay, nhưng thiếu nguồn lực, thiếu con người, thiếu trình độ chuyên môn nên quỹ khó thành lập hoặc thành lập mà hoạt động không đến đâu.

Ở nhóm giải pháp về tạo điều kiện đất đai, mặt bằng cho doanh nghiệp, các giải pháp đưa ra manh mún, không thể giải quyết được tận gốc các vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực còn đáng nói hơn. Một quỹ đào tạo nhân lực đã được thành lập do Chính phủ phân bổ ngân sách để Bộ KH-ĐT trực tiếp triển khai và thực hiện. Việc bộ trực tiếp tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp là không phù hợp với nguyên tắc thị trường. Vì thế giải pháp quỹ này và nhóm giải pháp về nhân lực cũng không đạt kết quả.

Nói tóm lại, ông Bình cho rằng một bản kế hoạch mà các nhóm giải pháp đều có thứ tự ưu tiên như nhau, quá xa vời với những gì mà doanh nghiệp đang thực sự quan tâm thì tính khả thi thấp, tính ràng buộc pháp lý không cao dẫn đến việc các bộ, ngành và chính cộng đồng DNNVV thờ ơ với việc tham gia vào quá trình thực hiện là tất yếu.

Khó kỳ vọng vào kế hoạch mới

Để DNNVV phát triển với chất lượng tốt hơn trước, trở thành trụ cột của nền kinh tế và gia tăng năng lực cạnh tranh, không thể chỉ trông chờ vào một bản kế hoạch. Hơn nữa, bản kế hoạch này lại được vạch ra với tám nhóm giải pháp mới mà nội dung không khác bảy nhóm giải pháp của kế hoạch cũ là bao. Vẫn là các đề nghị về hoàn thiện khung pháp lý cho DNNVV gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường; hỗ trợ tiếp cận tài chính; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết; cung cấp thông tin hỗ trợ, xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển…

Ước tính tổng kinh phí trợ giúp DNNVV trong năm năm tới là 3.470 tỉ đồng, chủ yếu lấy từ ngân sách nhưng không đề ra được các giải pháp đột phá trên cơ sở rút kinh nghiệm những điều chưa làm được của kế hoạch cũ.

Ông Bình cho rằng với cách thức xây dựng kế hoạch như hàng chục năm qua thì các nhóm giải pháp nếu được thông qua chỉ có ý nghĩa như một cam kết chính trị. “Muốn đột phá về môi trường kinh doanh, điều kiện hoạt động và sự phát triển của DNNVV phải trông chờ vào những văn bản pháp luật khác”.

Các DNNVV đã phát triển mạnh mẽ trong thập niên vừa qua, bắt đầu từ năm 2000, trước bản kế hoạch 2006-2010 rất lâu. “Việc tiếp tục phát triển mạnh mẽ cũng không hẳn là nhờ các nhóm giải pháp hay hành động đã đưa ra trong kế hoạch”, ông nói. Do đó, để việc hỗ trợ có tính khả thi hơn, cần có cả những giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm giải quyết mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Mặt khác, dự thảo kế hoạch còn thiếu cả những định hướng nhằm tái cấu trúc khu vực DNNVV, nằm trong tổng thể tái cấu trúc mà nền kinh tế đang hướng đến nên sự lạc lõng là khá rõ. 

Khó khăn hiện tại của nền kinh tế đang tác động mạnh đến những mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Những vấn đề ngắn hạn có thể được ưu tiên hơn cả những định hướng dài hạn. Nhưng những giải pháp của Chính phủ đưa ra như kế hoạch này, nếu muốn khả thi, cũng không thể đi bên lề những mối quan tâm thực sự của DNNVV.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới