Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không thể là trách nhiệm chung!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không thể là trách nhiệm chung!

Ngọc Lan

Công nhân Trung Quốc trên công trường dự án Tân Rai, Lâm Đồng. Ảnh: Quang Chung.

(TBKTSG) – Không đối diện trực tiếp trong một cuộc tranh luận nhưng vấn đề ai chịu trách nhiệm trước tình hình lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc trái phép là đề tài được tranh luận nhiều nhất bên lề các buổi họp Quốc hội trong tuần làm việc đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thì nói rằng đó là trách nhiệm của địa phương. Lãnh đạo địa phương lại cho rằng trách nhiệm bắt đầu từ cửa khẩu.

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí khác nhau cùng ngày 25-5 về vấn đề này, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân nói trách nhiệm để xảy ra tình trạng lao động phổ thông đang tràn vào Việt Nam là “của các cơ quan có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương”, nhưng trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo địa phương. Nếu Bộ LĐ-TB-XH nhận trách nhiệm cũng không sửa được vì bộ này không cấp giấy phép lao động.

Còn ông Lê Thanh Phong, Phó bí thư tỉnh ủy kiêm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, trả lời báo chí cũng nói: trách nhiệm bắt đầu từ cửa khẩu, chỉ rút kinh nghiệm thôi vì quy cho ai cũng khó. Ông còn diễn giải đây là vấn đề cộng đồng trách nhiệm.

Một vị đại biểu Quốc hội khác là bà Trương Thị Mai (chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội) thì quy trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng này thuộc về Bộ LĐ-TB-XH.Các cuộc tranh luận như thế xảy ra khi báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy số lao động Trung Quốc hiện còn tại công trường xây dựng Nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng), tính đến tháng 5-2009 vào khoảng 600 người, so với số lao động Việt Nam là 350 người.

Vậy Bộ LĐ-TB-XH có trách nhiệm không? Trách nhiệm đến đâu? Hay chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đến đâu, họ đã làm gì và không làm đúng điều gì? Không quá khó để tìm những câu trả lời phân định trách nhiệm cụ thể, thay cho cách giải thích “cộng đồng trách nhiệm” hay “quy cho ai thì cũng khó”.

Bởi Việt Nam có Bộ luật Lao động và luật này còn được cụ thể hóa bằng Nghị định 105/2003 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc quản lý và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Nghị định này, hai năm sau đó đã được sửa đổi, nhưng những ý cơ bản về điều kiện xin phép, tỷ lệ lao động nước ngoài ở doanh nghiệp hay thời hạn lao động vẫn được giữ lại.

Bà Kim Ngân nói rằng trách nhiệm trong việc quản lý lao động lỏng lẻo do chính quyền ở địa phương. Điều này đúng vì Nghị định 105 nói trên đã quy định rõ việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đã được phân cho chính quyền địa phương, mà cụ thể là sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phố.

Các đối tượng này sẽ phải nộp hồ sơ với các quy định cụ thể về thời hạn lao động, trình độ chuyên môn lao động và một số thủ tục khác trước khi được cấp phép. Nhưng đó là chuyện sẽ xảy ra nếu các lao động có xin phép đàng hoàng. Còn trường hợp sử dụng visa du lịch như 487 lao động phổ thông Trung Quốc (đối tượng không được cấp phép cho lao động tại Việt Nam) đang làm việc tại công trình xây dựng Nhà máy alumin Tân Rai thì việc chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang hợp thức hóa qua các hình thức bổ sung chứng chỉ hành nghề và một số giấy tờ khác thực tế vẫn là trái luật, là cố ý hợp thức hóa những cái sai của chủ đầu tư và chủ thầu.

Bởi lẽ muốn nói gì đi chăng nữa, nghị định về quản lý lao động nước ngoài đã quy định rõ việc tuyển dụng lao động ngoại quốc phải đáp ứng trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, không có lao động phổ thông.

Hơn nữa, kể cả đến khi nghị định này được sửa đổi bằng Nghị định 93/2005, giao thêm quyền tự chủ cho chính quyền địa phương về cấp phép đối với lao động ngoại quốc, vẫn giữ nguyên quy định về tỷ lệ lao động nước ngoài mà chủ doanh nghiệp được sử dụng là không quá 3%, quá tỷ lệ nêu trên phải xin phép chính quyền địa phương, nhưng nhiều nhất không quá 50 người.

Còn hiện nay, con số lao động nước ngoài trên công trường Tân Rai, nếu chỉ tính lao động phổ thông cũng đã quá quy định 9 lần.Việc trả về nước số lao động phổ thông, nếu họ không thực hiện đúng các quy định, có đụng chạm đến các vấn đề vượt ngoài tầm một dự án kinh tế như chính quyền tỉnh Lâm Đồng lo ngại hay không?

Câu trả lời là không, bởi như lời bà Kim Ngân, lao động nước ngoài vào Việt Nam phải đúng luật và lao động Việt Nam ra nước ngoài cũng phải đúng luật.

Mới đây, trường hợp các lao động người Việt có visa làm việc hay visa kinh doanh bị chính quyền Cộng hòa Czech trả về nước khi tình hình kinh tế nước này khó khăn, lao động mất việc làm được đặt dưới tên gọi: “Chương trình tự nguyện trở về” cũng là một hình thức như vậy và các cơ quan ngoại giao Việt Nam cũng phải phối hợp giải quyết.Còn Bộ LĐ-TB-XH cũng không thể nói là đứng ngoài cuộc.

Họ là chủ quản chuyên ngành của các sở LĐ-TB-XH ở các địa phương và có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện của các sở này là đúng hay sai.

Bản nghị định hướng dẫn việc cấp phép và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam trước mắt chưa cần sửa đổi, chỉ cần các cơ quan chức năng làm đúng quy định, nhiệm vụ của mình thì việc quản lý lao động nước ngoài sẽ không phải đổ trách nhiệm qua lại như những gì đã nói. Bởi sau dự án bauxite Tân Rai, còn nhiều dự án bauxite khác đang được đặt trên bàn thẩm định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới