Thứ Bảy, 10/06/2023, 08:38
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


“Không thể nghiên cứu đập Xayaburi trong vài tháng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Không thể nghiên cứu đập Xayaburi trong vài tháng”

Anh Quân thực hiện

Ông Đào Trọng Tứ

(TBKTSG Online) – Hôm 19-4, bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan đã quyết định đưa việc xây dựng đập Xayaburi lên tham vấn ở cấp bộ trưởng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc phỏng vấn nhanh Tiến sĩ Đào Trọng Tứ – nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu về những nghiên cứu bổ sung trong thời gian tới.

>>Đập Xayaburi sẽ giải quyết ở cấp bộ trưởng

>>Đập Xayaburi sẽ tổn hại các loài cá trên sông Mê Kông

TBKTSG Online: Thưa ông, trong cuộc họp giữa các bên hôm 19-4 tại Lào, các nước đều cho rằng cần có thêm thời gian để đánh giá, bổ sung những tác động khi xây đập. Vậy những nghiên cứu bổ sung trong thời gian tới là gì?

Ông Đào Trọng Tứ: Trước hết, cần có những đánh giá đầy đủ và khách quan hơn các tác động của đập Xayaburi nói riêng và toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính hạ lưu sông Mê Kông nói chung đối với kinh tế, xã hội và môi trường của cả hạ lưu vực.

Những nghiên cứu cần làm rõ hơn bao gồm đường dẫn cá, chất lượng nước và sức khỏe hệ sinh thái, vận chuyển bùn cát và hình thái học sông, giao thông đường thủy, an toàn đập và các tác động tích lũy và xuyên biên giới… Trong báo cáo đánh giá sơ bộ của Ban thư ký Ủy ban sông Mê Kông đã kết luận còn những thiếu sót quan trọng trong các tài liệu về đề xuất dự án đập Xayaburi.

Vấn đề không chỉ nghiên cứu riêng tác động do việc xây dựng đập Xayaburi, mà ở đây cần nghiên cứu đánh giá tác động tích lũy và xuyên biên giới của đập Xayaburi và cả bậc thang dòng chính trên hạ lưu sông Mê Kông. Những nghiên cứu bổ sung tiếp theo không phải chỉ do một mình Việt Nam thực hiện mà là nhiệm vụ chung của tất cả các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông, trong đó có cả Ủy ban sông Mê Kông (MRC).

– Vậy theo ông khi nào chúng ta sẽ hoàn thành những đánh giá hoàn chỉnh nhất?

Hiện nay, khối lượng nghiên cứu rất lớn và đòi hỏi phải tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu phân tích và tham vấn cộng đồng. Do đó, để có một báo cáo hoàn chỉnh cũng phải mất tới 10 năm như Việt Nam đã đề nghị.

Trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược về phát triển thủy điện dòng chính sông Mê Kông của MRC cũng kiến nghị hoãn 10 năm để nghiên cứu thêm, trong đó 3 năm sẽ kiểm điểm lại xem đã nghiên cứu được những gì. Do đó, tôi nghĩ vấn đề này không thể làm trong vài tháng mà xong được.

– Khi đã có những đánh giá toàn diện rồi thì vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào thưa ông?

Khi vấn đề này được đưa ra giải quyết ở cấp bộ trưởng thì Chính phủ các nước có thêm thời gian để tìm được các giải pháp toàn diện hữu hiệu nhất, có lợi nhất bảo đảm quyền lợi kinh tế của các quốc gia mà không gây nên những tổn hại to lớn đến môi trường, sinh thái của dòng chính sông Mê Kông và bảo đảm sinh kế của hàng triệu người dân các quốc gia ven sông.

Theo tôi, khi đã có đủ thời gian đánh giá tác động toàn diện và Chính phủ các nước có liên quan cùng tìm được những giải pháp bảo đảm hài hòa quyền lợi kinh tế của các quốc gia thì chắc chắn vấn đề đập Xayaburi sẽ được giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới