Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không thể vượt luật để “chiều lòng” tập thể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không thể vượt luật để “chiều lòng” tập thể

Võ Minh Duy (TPHCM)

Đô thị mới Phú Mỹ Hưng – Ảnh: Đình Dũng.

(TBKTSG Online) – Nếu đúng như Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã đăng (Phú Mỹ Hưng chưa nhất trí hướng giải quyết của UBND TPHCM) thì chính quyền thành phố mới chỉ đề xuất nhưng xem ra đề xuất của thành phố nếu thành hiện thực, không những vi phạm pháp luật thuế, góp phần tạo không công bằng trong nghĩa vụ thi hành pháp luật thuế của người dân mà còn can thiệp vào hợp đồng dân sự giữa doanh nghiệp và người dân.

Theo đề xuất của thành phố thì hướng giải quyết là thu tiền sử dụng đất của các hộ dân tại thời điểm ký hợp đồng thay vì thu theo bảng giá đất mà chính thành phố ban hành có hiệu lực hiện nay, bảng giá mà cư dân chưa nộp tiền sử dụng đất ở đây phản ứng bởi mỗi căn hộ họ phải nộp thêm hàng trăm triệu tới hơn cả tỉ đồng.

Về pháp luật thuế thì cơ quan thuế phải làm đúng luật, có nghĩa phải thu căn cứ trên bảng giá đất do chính quyền thành phố ban hành đang có hiệu lực. Do vậy, nếu đề xuất trên thành hiện thực thì Chi cục thuế quận 7, nơi đảm nhận thu tiền sử dụng đất, cao hơn nữa là Cục Thuế TPHCM, Tổng cục thuế và thậm chí là Bộ Tài chính khó lòng chấp nhận.

Bởi, theo nghị định 198 của Chính phủ ban hành ngày 3-12-2004 về thu tiền sử dụng đất thì “Giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất theo mục đích sử dụng đất được giao tại thời điểm giao đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành theo quy định của Chính phủ”. Khi người dân ở Phú Mỹ Hưng làm hồ sơ để cấp giấy chứng nhận nhà ở, đất ở thì đó là thời điểm nhà nước giao đất, nên không thể lùi thời hạn tính tiền sử dụng đất về thời điểm ký hợp đồng giữa Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng và người mua nhà vào các năm trước.

Việc hơn 5.000 hộ dân mua nhà ở Phú Mỹ Hưng phản đối vì khoản tiền sử dụng đất quá cao thì đó là phần dân sự trong hợp đồng dân sự giữa Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng và người mua nhà theo Bộ Luật dân sự, chính quyền không thể can thiệp vào hợp đồng dân sự mà mọi tranh chấp, nếu có, phải giải quyết bằng hòa giải hoặc tòa án.

Hơn nữa, nếu thành phố can thiệp thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu, bởi thành phố này có hàng trăm, hàng ngàn dự án bất động sản, hàng triệu hợp đồng dân sự diễn ra trong đời sống, không lẽ chính quyền phải chạy theo để dàn xếp. Dù rằng Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng mà phần vốn liên doanh trong nước thuộc về nhà nước thì nên nhớ, đó là mối quan hệ doanh nghiệp và khách hàng.

Điều nguy hiểm hơn là người dân sẽ xem thường luật pháp, cứ mỗi khi có tranh chấp dân sự mà họ ở vị thế “tập thể”, họ lại đòi hỏi chính quyền vào cuộc để giải quyết theo hướng có lợi cho tập thể đó theo tiền lệ xấu nói trên.

Qua báo chí, hiện cư dân mua nhà của Phú Mỹ Hưng có hơn 10.000 hộ, trong đó đã có phân  nửa thực hiện nộp tiền sử dụng đất trước đây khi bảng giá đất còn thấp, những người này sẽ nghĩ sao khi gần 5.000 hộ dân còn lại tới nay mới nộp tiền nhưng lại nộp như họ trước kia.

Và nếu thành phố can thiệp và thực hiện như đề xuất của mình thì tạo ra mối nguy hiểm khác là làm cho người dân xem thường luật pháp, người nộp tiền cho ngân sách sớm thì cũng như người chậm nộp. Số tiền sử dụng đất mà họ nộp nhiều năm trước, nếu biết như hôm nay, họ có thể không nộp và đầu tư những việc khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới