Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không thiếu vốn vay mua nông sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không thiếu vốn vay mua nông sản

Hồng Văn

Nông dân thu hoạch lúa-Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Tháng 3 trở đi là mùa thu hoạch rộ nhiều loại nông sản như lúa, cà phê, tiêu, hạt điều và cũng là mùa ký hợp đồng xuất khẩu rầm rộ và đây cũng là thời gian mà doanh nghiệp có nhu cầu vốn bức bách nhất trong năm.

Tuy nhiên, khác với mọi năm, nguồn vốn vay năm nay không hề thiếu, thậm chí còn dồi dào, doanh nghiệp được nhiều ngân hàng mời chào vay vốn.

Gạo: kho còn trống, tiền không thiếu

Việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ đạo 30 doanh nghiệp thành viên (chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có hệ thống kho) mua tạm trữ lúa quy ra 1 triệu tấn gạo trong 2 tháng 3 và 4 đang là mối quan tâm hàng đầu của nông dân trồng lúa hiện nay. Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, tới hôm nay, 10-3, thống kê sơ bộ lượng gạo mua tạm trữ đã vượt 500.000 tấn trong tổng số 600.000 tấn cần mua của tháng 3 và 400.000 tấn của tháng 4. “Nhiều công ty đã mua đạt kế hoạch do VFA phân bổ, cũng một phần nhờ nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn vay ngân hàng dồi dào”, ông nói.

Qua thông tin từ các doanh nghiệp hội viên của VFA và chính Công ty Afiex ở An Giang do ông Bảy làm giám đốc, ông cho biết vay vốn hiện nay không có gì khó khăn, doanh nghiệp mua tới đâu, ngân hàng giải ngân tới đó. Hiện tại các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có hai loại vốn vay. Một là vay mua lúa gạo tạm trữ thì doanh nghiệp nào được phân bổ của VFA sẽ được ngân hàng thương mại dành cho khoản tín dụng để mua tạm trữ theo kế hoạch và giải ngân theo từng bước. Khoản vốn thứ hai là vốn vay thông thường dựa theo các hợp đồng xuất khẩu, tức doanh nghiệp có hợp đồng là được vay vốn mua nguyên liệu, gọi nôm na là vay vốn bằng chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu.

Nhờ nguồn vốn tín dụng dồi dào nên ông Bảy cho rằng có khả năng trong tháng này, các doanh nghiệp hội viên tiếp tục mua lúa gạo tạm trữ cho chỉ tiêu của tháng 4 sau khi hoàn thành chì tiêu tháng 3 vào cuối tuần này.

“Hệ thống kho của nhiều doanh nghiệp còn trống, tiền thì ngân hàng sẵn sàng, sao lại không mua”, ông Bảy hỏi nhưng cũng là trả lời cho câu hỏi tại sao tiến độ mua gạo tạm trữ quá nhanh. Và cũng nhờ nguồn vốn vay mua tạm trữ mà giá lúa hiện nay ở ĐBSCL không giảm, chững lại ở mức 4.100-4.400 đồng/kg tùy loại, tùy địa phương.

Tại Đồng Tháp, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Công ty gạo Kim Hưng cũng cho biết vốn vay ngân hàng không thiếu, thậm chí doanh nghiệp còn nhận nhiều lời mời chào vay vốn từ các ngân hàng thương mại nếu có hợp đồng, có kế hoạch thu mua nhập kho lúa gạo.

Trước đó, ngày 4-3, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn ngay từ đầu năm để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực phục vụ cho thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Cà phê: được phép tạm trữ

Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê nhân sau nhiều năm gần như không có khái niệm vay vốn mua tạm trữ như lúa gạo thì năm nay, theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho các doanh nghiệp hội viên của hiệp hội vay vốn ưu đãi mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê sau nhiều lần hiệp hội đề xuất bởi cà phê rớt giá thê thảm, thấp nhất trong 3 năm qua.

Biểu đồ giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong 3 năm qua-Ảnh do www.giacaphe.com cung cấp

Đầu tuần này, Vicofa đã triển khai cho các doanh nghiệp hội viên mua tạm trữ trong thời gian kéo dài tối đa tới 9 tháng. Mặc dù theo Vicofa, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê muốn mua tạm trữ đi kèm với vay vốn ưu đãi phải có kế hoạch và đăng ký với hiệp hội, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp cà phê thì chỉ có các doanh nghiệp nằm trong Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu mới được mua tạm trữ.

Một doanh nghiệp không muốn nêu tên cho biết lãi suất vay vốn mua cà phê nhân của nông dân để tạm trữ chờ qua cơn khủng hoảng giá cà phê thế giới hiện nay có lãi suất bằng 60-70% lãi suất vay ngân hàng bình thường.

Ông Định Ngọc Trúc, Giám đốc Công ty cà phê Trúc Tâm ở Dak Lak, cho biết công ty ông không đăng ký tham gia mua tạm trữ, chỉ mua phục vụ cho chế biến xuất khẩu thông thường nhưng hiện nguồn vốn không hề thiếu. “Công ty vẫn vay bình thường, có hợp đồng xuất khẩu thì mang hợp đồng tới ngân hàng vay”, ông nói.

Đầu tháng này, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu 5 ngân hàng thương mại lớn là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Công Thương, Ngoại thương, Phát triển nhà ĐBSCL và Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, tiến hành phân tích, đánh giá tình hình tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn để thu mua, chế biến cà phê xuất khẩu, làm cơ sở cho doanh nghiệp vay vốn mua cà phê của nông dân.

Trước đó, UBND tỉnh Dak Lak, địa phương có sản lượng cà phê nhân chiếm hơn 50% cả nước, kiến nghị ngành ngân hàng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đảm bảo nguồn vốn thu mua, chế biến cà phê xuất khẩu sau khi giá cà phê giảm mạnh và hiện chỉ còn 22.900 đồng/kg.

Tại một hội nghị mới đây của ngành ngân hàng tại Dak Lak, các ngân hàng thương mại và các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh công bố kế hoạch dành khoảng 7.800 tỉ đồng cho vay thu mua cà phê trong niên vụ 2009-2010, trong khi đó, niên vụ cà phê trước doanh số cho vay mua cà phê hơn 8.700 tỉ đồng.

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Dak Lak, hiện có 2.900 khách hàng có vay vốn tín dụng liên quan tới cà phê, trong đó có 356 doanh nghiệp, còn lại là hộ nông dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới