Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khu công nghệ cao kiến nghị thực hiện cơ chế ‘một cửa’ trong cấp phép đầu tư

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong năm nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) sẽ đạt 23 tỉ đô la Mỹ. Số lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây ngày càng nhiều và hiện có hơn 10 tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới bỏ vốn vào SHTP. Để tăng tốc đầu tư, Ban quản lý SHTP kiến nghị chính quyền thành phố cho phép thực hiện cơ chế “một cửa” trong cấp phép đầu tư.

Đây là cơ chế đã có trong thời gian đầu thành lập nhưng hiện nhà đầu tư phải đi “nhiều cửa” để thực hiện các thủ tục.

Ông Nguyễn Anh Thi và bà Lê Bích Loan chia sẻ thông tin tại cuộc họp báo ngày 18-10. Ảnh: L.H

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) cho biết như trên tại cuộc họp báo vào hôm nay (18-10) về việc tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập khu .

Cụ thể, tại đây có 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 10,1 tỉ đô la Mỹ (chiếm 84% tổng vốn đầu tư). Một điểm đáng chú ý, đã có hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, Jabil, Rockwell Automation (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Y), Sanofi (Pháp) và TTI (Đức)… đang hoạt động tại SHTP.

Theo ông, sự có mặt những tập đoàn này không chỉ đóng góp lớn về giá trị sản xuất mà còn đưa SHTP trở thành điểm đến tin cậy của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới.

Hiện nay, khu này còn có trung tâm công nghệ cao quốc gia – nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển công nghệ cao cũng như tạo nên những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Về khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), ông Thi cho biết, tuy một số nhà đầu tư chưa thực hiện như cam kết ban đầu nhưng về tổng thể là đạt ở mức tương đối.

Cụ thể, chi bình quân cho hoạt động R&D của doanh nghiệp đạt trên 1% tổng doanh thu thuần, góp phần nâng cao hiệu quả dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm, hình thành một số lĩnh vực thế mạnh. Trong đó, có các sản phẩm nổi bật trong các lĩnh vực vi điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y sinh…

Nhờ đó, giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao liên tục tăng. Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất toàn khu đạt khoảng 120 tỉ đô la Mỹ. Riêng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của SHTP đạt 20,9 tỉ đô la, chiếm 51,86% kim ngạch xuất khẩu của cả TPHCM. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu trong năm nay sẽ đạt 23 tỉ đô la.

Một góc khu công nghệ cao. Ảnh: TL

Sau 20 năm hình thành và phát triển đến nay, SHTP có 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỉ đô la, gồm: 51 dự án FDI với tổng vốn hơn 10,1 tỉ đô la, và 111 dự án trong nước với gần 2 tỉ đô la.

Kiến nghị tái lập cơ chế “một cửa” cấp phép đầu tư

Khi thành lập Khu công nghệ cao TPHCM, trong giai đoạn 15 năm đầu, bên cạnh chính sách ưu đãi cao thì cơ chế “một cửa” được cho đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao.

Với cơ chế này, phần lớn các thủ tục hành chính để thực hiện một dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Khu công nghệ cao, giúp cho thời gian triển khai dự án nhanh. Tuy nhiên, hiện thẩm quyền giải quyết thủ tục đã đưa về các sở ngành chuyên môn làm cho việc cấp phép và triển khai dự án đầu tư tại đây phải qua “nhiều cửa”, mất nhiều thời gian.

Trong đó, thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ tục quy hoạch thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch – Kiến trúc…

Theo bà Lê Bích Loan, Phó Ban quản lý SHTP, nếu như trước đây, nhà đầu tư chỉ mất khoảng 6 tháng cho các thủ tục thì nay phải mất đến 2 năm mới xong. Các doanh nghiệp trong ngành công nghệ cao cần phát triển sản phẩm và cho ra thị trường nhanh cho nên việc chậm trễ này góp phần làm cho công nghệ mất đi tính đột phá, giảm hiệu quả đầu tư.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại đây cũng than phiền về vấn đề thủ tục hành chính, từ cơ chế “một cửa” đang chuyển thành cơ chế “nhiều cửa” trở lại khiến nhà đầu tư  lãng phí thời gian, tiền bạc và mất cơ hội kinh doanh.

Vì vậy, Ban quản lý SHTP đã kiến nghị chính quyền thành phố tái lập cơ chế một cửa trong cấp phép đầu tư, giúp đẩy nhanh thủ tục cho doanh nghiệp. Lãnh đạo khu này kiến nghị chính quyền thành phố giao một số thẩm quyền theo luật thuộc các sở ngành cho SHTP để giải quyết thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư dự án công nghệ cao.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ tổ chức các sự kiện chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập (24-10-2002 – 2410/2022).Theo bà Loan, SHTP đã khởi công xây dựng các dự án cảnh quan ở khu vực phía Bắc SHTP (khu vực cổng chính) để kết nối vào tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên. SHTP còn thành lập trung tâm công nghệ hỗ trợ logictics, trung tâm điều hành thông minh để cung cấp các thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp đầu tư vào SHTP; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến, chuyên gia sở ngành, đại biểu Trung ương và địa phương về các giải pháp, bài học kinh nghiệm xây dựng, hình thành phát triển khu công nghệ cao ra sao trong giai đoạn mới…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới