Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương: Nói dễ, làm khó!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương: Nói dễ, làm khó!

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Kết thúc Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Yokohama, Nhật Bản, Chủ nhật vừa qua, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC cam kết sẽ hiệu chỉnh sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu và tiến tới việc hình thành một khu vực thương mại tự do trải rộng cả hai bờ đại dương. Tuyên bố chung của diễn đàn, gọi là “Tầm nhìn Yokohama”, khẳng định mạnh mẽ cam kết này, nhưng lại không đề ra được một thời gian biểu cụ thể.

Các nhà lãnh đạo đã nói tới hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm 9 nước đối thoại, trong đó có Việt Nam – như là bước khởi đầu của khu vực thương mại tự do mới, tuy nhiên đã có những dấu hiệu cho thấy TPP khó mà mở rộng tới mức bao gồm cả 12 nền kinh tế còn lại của APEC. Phái đoàn Mỹ, có cả Tổng thống Barack Obama, đã tổ chức gặp mặt 9 thành viên TPP bên lề Diễn đàn APEC; tại đó Mỹ đánh giá hiệp định TPP là “con đường tiến bộ nhất” dẫn tới sự hội nhập kinh tế toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phía Mỹ cũng muốn kết thúc việc đàm phán TPP ngay trong năm tới, trong thời gian Mỹ làm chủ tịch luân phiên của APEC.

Mặc dù hiệp định TPP hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên và tạo ra công việc làm nhờ cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác, nó cũng bị một số quốc gia coi là mối đe dọa đối với đời sống của người dân ở một số lĩnh vực còn đang được bảo hộ bởi hàng rào thuế quan cao và các thủ tục khác. Chính vì vậy, không phải nước nào cũng hồ hởi đón nhận TPP.

Nhật Bản, nước chủ nhà của APEC năm nay chẳng hạn, rất muốn tham gia TPP do sự thôi thúc của các tập đoàn công nghiệp lớn muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, nhưng sự phản đối quyết liệt của giới nông dân Nhật – sợ không cạnh tranh nổi với hàng nông sản nhập khẩu – đã khiến chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan ngần ngại, chưa thể công khai tuyên bố ý định gia nhập TPP.

Có lẽ bước tiến rõ rệt nhất là việc các nhà lãnh đạo APEC đề ra được những bước đi cụ thể để xây dựng tầm nhìn về một khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) mà mục đích cuối cùng là xóa bỏ rào cản thương mại ở hai bờ đại dương. “Chúng tôi đồng ý rằng bây giờ là thời điểm để APEC biến FTAAP từ khát vọng đến một tầm nhìn cụ thể hơn”, bản tuyên bố chung của APEC cho biết. Các nhà lãnh đạo APEC đã chấp nhận khung khổ (framework) tăng trưởng có tính căn bản đầu tiên của khối, bao gồm các kế hoạch hành động để thúc đẩy cải tổ cơ cấu kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và tinh thần doanh nghiệp, tăng trưởng xanh, nền kinh tế tri thức và xã hội nhân văn. Thủ tướng Nhật Bản Kan còn đề nghị FTAAP phải hoàn thành các cuộc đàm phán vào năm 2020.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của khu vực, với những bất đồng sâu sắc về mô hình kinh tế và sự chênh lệch về trình độ phát triển của các nước thành viên, ít ai tin rằng mục tiêu đầy tham vọng đó sẽ đạt được. Hơn nữa, khung khổ tăng trưởng này mới chỉ đề ra những phương hướng, những mục tiêu, còn cơ chế nào để thực hiện các mục tiêu đó, để xây dựng sự hợp tác cùng nhau hành động thì vẫn còn rất mơ hồ, thậm chí chưa được đề cập tới.

Thực tế cho thấy, xây dựng sự đồng thuận về những hướng đi chung thì không khó, nhưng khi đi vào những lĩnh vực cụ thể, sự va chạm về quyền lợi có thể triệt tiêu những ý định tốt nhất. Việc ký kết hiệp định tự do thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Mỹ chẳng hạn – được đề cao trong nghị trình công du châu Á của Tổng thống Obama và lẽ ra đã được tiến hành bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul – đã bị đình hoãn vào phút cuối; hai bên sẽ phải tiếp tục đàm phán bởi vì chưa bên nào muốn mở cửa hoàn toàn thị trường nội địa cho sản phẩm của bên kia; Hàn Quốc không muốn nhập khẩu nông sản Mỹ trong khi Mỹ không muốn xe hơi Hàn Quốc chiếm lĩnh thị trường Mỹ.

Các nhà lãnh đạo APEC cũng cam kết sẽ gỡ bỏ những biện pháp bảo hộ mậu dịch đã được thực hiện trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế vừa qua, và tránh áp dụng những động thái bất ngờ trên thị trường ngoại hối; tuy nhiên cam kết này có khả thi hay không cần có thời gian để trả lời.

Sau rất nhiều cuộc tranh cãi mang tầm quốc tế về việc nhân dân tệ bị định giá thấp hơn giá trị thực – mà bản chất là biện pháp trợ giá hàng xuất khẩu và bảo hộ thị trường nội địa – Trung Quốc vẫn chưa chịu nới lỏng chính sách tỷ giá. Trước những lời chỉ trích gay gắt của Trung Quốc, Anh, Đức, Brazil về quyết định mới đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ bỏ ra 600 tỉ đô la Mỹ mua lại trái phiếu chính phủ, làm đồng tiền này bị mất giá, Tổng thống Obama nói rằng ông “không xin lỗi về việc đã làm tất cả những gì có thể để đưa công việc làm và sản xuất công nghiệp trở về lại nước Mỹ”. Ấn Độ vẫn là quốc gia tiến hành nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhất thế giới, nhằm bảo hộ các ngành sản xuất non yếu trong nước trước làn sóng nhập khẩu. Nhật Bản vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu 778% đối với gạo nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á để lấy lòng nông dân dù nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 2% trong nền kinh tế Nhật…

Xem ra, các nước lớn trong khu vực vẫn hành động theo lợi ích cục bộ của quốc gia mình, bất chấp thiệt hại gây ra cho các nước nhỏ, cho nên triển vọng xóa bỏ rào cản thương mại, tiến tới một khu vực thương mại tự do châu Á- Thái Bình Dương – chiếm một nửa khối lượng kinh tế, thương mại toàn cầu – vẫn rất khó trở thành hiện thực, nhất là trong khoảng thời gian 10 năm nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới