Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khu vực tư nhân và nghịch lý ưu đãi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khu vực tư nhân và nghịch lý ưu đãi

Nguyên Tấn

Cơ sở làm gốm của tư nhân ở Bình Dương. Ảnh: LÊ TOÀN.

(TBKTSG) – Khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh và trở thành một lực lượng không thể thiếu của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống các chính sách hỗ trợ cho khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế và kém hiệu quả. Bản báo cáo nghiên cứu có tựa đề “Vươn tới tầm cao mới: rà soát một số chính sách, lĩnh vực chính ảnh hưởng tới hoạt động của khu vực tư nhân” (*) vừa được Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hoàn tất sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn bức tranh nói trên.

>> Tư nhân là động lực chính của nền kinh tế

>> Doanh nghiệp tư nhân cần gì?

Có thể nói, trong hơn hai thập niên vừa qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây khu vực kinh tế tư nhân (KVKTTN) đã có một bước phát triển ngoạn mục. Với tinh thần đảm bảo quyền tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp và nhiều đạo luật khác đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân ra đời, góp phần to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng 16 lần, từ 31.000 trong năm 2000 lên hơn 500.000 hiện nay. KVKTTN đóng góp 48% GDP và chiếm 77% lực lượng lao động của cả nước.

Chất lượng đầu tư còn thấp

Tuy nhiên, báo cáo của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nhấn mạnh các chính sách khuyến khích đầu tư cho đến nay chủ yếu mới tập trung vào chiều rộng, tăng số lượng mà chưa có những hỗ trợ thích đáng để nâng chất lượng cho sự phát triển ở khu vực này. Điển hình như Quyết định 236/2006/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006-2010 chỉ nhắm đến mục tiêu là làm sao tăng nhanh số lượng doanh nghiệp và tăng việc làm.

Hệ quả của các chính sách trên là phần lớn các doanh nghiệp tư nhân chỉ tập trung đăng ký hoạt động trong các lĩnh vực có khả năng tạo ra giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động, vốn ít và công nghệ thấp.

Theo thống kê, tính đến năm 2007 các ngành như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa nhỏ ô tô, xe máy vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số doanh nghiệp đăng ký (30,5%). Kế đến là chế biến, chế tạo (19,94%); xây dựng (13,5%)… Chỉ riêng ba ngành có giá trị gia tăng thấp này đã thu hút 76,7% số lao động làm việc cho khu vực doanh nghiệp tư nhân (xem bảng 1).

Trong khi đó, các chính sách về ưu đãi đầu tư nhằm tăng “chất” cho doanh nghiệp lại được thiết kế một cách rối rắm, tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau.

Theo Luật Đầu tư, điều kiện để được ưu đãi dựa trên hai tiêu chí là lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư. Trên cơ sở đó, luật quy định một số hình thức ưu đãi như ưu đãi về thuế; hỗ trợ đào tạo; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đầu tư phát triển và dịch vụ đầu tư; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng; ưu đãi chuyển lỗ, khấu hao nhanh…

Thế nhưng, muốn nhận được ưu đãi thì doanh nghiệp phải vận dụng một “rừng” văn bản pháp luật chuyên ngành khác như pháp luật về thuế, chuyển giao công nghệ, đất đai, khu công nghiệp – khu chế xuất… Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho các chính sách ưu đãi trở nên manh mún, thủ tục phức tạp và khó thực hiện.

Một phát hiện đáng lưu ý là so với các khu vực khác, hiệu quả đầu tư tính trên đơn vị đầu tư và sản lượng (ICOR) của KVKTTN đã vượt xa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Năm 2007, để tạo ra 1 đơn vị giá trị GDP doanh nghiệp tư nhân cần 3,74 đơn vị đầu tư; trong khi DNNN cần tới 8,28 đơn vị và ĐTNN cần 4,99 đơn vị.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của khu vực tư nhân lại kém nhất. Năm 2008, ROE của KVKTTN là 3,3%, trong khi của DNNN là 13,3% và ĐTNN 24,3%.

Nguyên nhân là vì doanh nghiệp tư nhân phải chịu chi phí đầu vào cao hơn do bị hạn chế tiếp cận với những ưu đãi như về đất đai, tín dụng hoặc không có cơ hội tham gia vào các ngành sinh lợi cao, các hợp đồng mua sắm của Chính phủ…

Theo báo cáo, chính sách công nghiệp của Việt Nam theo hướng ưu tiên cho một số đối tượng, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước đã tạo nên những “lỗ đen” hút phần lớn các nguồn lực của xã hội và điều đó đã làm ảnh hưởng đáng kể đối với khu vực tư nhân.

Đã có những kỳ vọng rằng các doanh nghiệp tư nhân có thể góp phần hình thành ngành công nghiệp phụ trợ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế không được như mong ước. Các nhà thầu phụ trong các dự án lớn của nước ngoài phần lớn đều là các doanh nghiệp đến từ các nước chính quốc. Ví dụ như tại dự án Canon Việt Nam có tới 99% nhà cung cấp là các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Còn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm “phụ trợ” ở các khâu đóng gói, bao bì! Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân nằm ở chỗ thiếu mối liên kết cả về chiều dọc lẫn chiều ngang trong các chính sách đầu tư.

Ưu đãi vẫn nặng xin – cho

Điển hình cho tình trạng này, theo báo cáo, thể hiện khá rõ ở một số chính sách ưu đãi về khoa học – công nghệ (KH&CN). Ví dụ như chính sách về quỹ phát triển KH&CN được quy định tại Luật Khoa học Công nghệ. Theo đó, “doanh nghiệp được dành một phần vốn để đầu tư phát triển KH&CN nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”; “vốn đầu tư phát triển KH&CN của doanh nghiệp được tính vào giá thành sản phẩm”…

Nhóm nghiên cứu cho rằng việc cho phép doanh nghiệp “được” trích và tính vào chi phí là một tư duy xin cho, trái với tinh thần doanh nghiệp được phép làm những điều pháp luật không cấm mà Luật Doanh nghiệp đã quy định. Hoặc tại điều 45, Luật Chuyển giao công nghệ quy định: doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế hàng năm lập quỹ phát triển KH&CN để tiến hành hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Điều này có nghĩa doanh nghiệp chỉ được trích lập quỹ phát triển KH&CN khi có lợi nhuận. Đây cũng là một kiểu xin – cho, vừa can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, vừa không khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Bên cạnh tư duy xin – cho, báo cáo còn chỉ ra rằng các hình thức ưu đãi cho KH&CN chủ yếu vẫn xoay quanh ưu đãi về thuế và giá cho thuê đất. Sự ưu đãi đơn lẻ, thiếu đồng bộ này không đủ sức hấp dẫn hoặc không bù đắp lại những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư vào lĩnh vực KHCN như về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, các hoạt động liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu.

Mặt khác, có tới 98% các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Do vậy, các chính sách hỗ trợ theo hướng khuyến khích thành lập quỹ nghiên cứu khoa học đã không đến được số đông các doanh nghiệp tư nhân vì họ khó có khả năng tự tổ chức một hoạt động nghiên cứu và phát triển. Họ cần sử dụng các dịch vụ thuê ngoài hoặc liên kết với nhau hoặc liên kết với các viện, trung tâm nghiên cứu. Đây là nét đặc thù mà theo Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, các chính sách ưu đãi đã không được lưu ý một cách rõ nét.

Ngoài ra, rất nhiều chính sách ưu đãi mang tính hình thức và không sát với thực tiễn. Ví dụ, theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ, để được hưởng các ưu đãi sau khi công nhận doanh nghiệp KH&CN phải đảm bảo được doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN năm thứ nhất đạt ít nhất 30% tổng doanh thu, năm thứ hai đạt ít nhất 50% tổng doanh thu và từ năm thứ ba trở đi đạt ít nhất 70% doanh thu. Đây là những điều kiện hết sức ngặt nghèo và khó khả thi. Chính vì vậy, sau ba năm thực hiện Nghị định 80, mới có khoảng 10 doanh nghiệp KH&CN được công nhận.

Nhìn chung, tác động của hệ thống ưu đãi đối với KHCN và sáng tạo ở KVKTTN tỏ ra còn khiêm tốn. Báo cáo cho biết số doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu và trung bình vẫn chiếm trên 60%. Về hoạt động nghiên cứu – triển khai, năm 2008 chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp thực hiện; năm 2009 khoảng 21% và tỷ lệ chi cho hoạt động này bình quân chỉ đạt khoảng 1,5% doanh thu hàng năm của doanh nghiệp. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu để đổi mới sản phẩm và quy trình sản xuất hầu như đã không diễn ra. Theo Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tình hình nói trên cũng là một biểu hiện rất “đáng lo ngại” đối với KVKTTN.

__________________________________________________________

(*) Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ dự án UNDP-CIEM nhằm hỗ trợ Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới