Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Khúc xương” của cải cách!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Khúc xương” của cải cách!

Tấn Đức

(TBKTSG) – Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 (PCI 2012), dựa trên kết quả điều tra 8.053 doanh nghiệp dân doanh và 1.540 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đã cho thấy sự cảm nhận khá tiêu cực của cộng đồng doanh nghiệp trong năm qua về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

>>> Doanh nghiệp FDI đối phó với rủi ro tại Việt Nam

Chưa đụng được đến những vấn đề khó

Theo đánh giá của doanh nghiệp, những nỗ lực cải cách trong các lĩnh vực không phức tạp, như cắt giảm thời gian chờ cấp giấy đăng ký kinh doanh, hay giảm số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp… đã không thể giúp các địa phương tạo ra sự khác biệt trong bảng xếp hạng PCI năm 2012 nữa.

Báo cáo PCI 2012 – năm thứ tám thực hiện chương trình điều tra về cảm nhận của doanh nghiệp dân doanh đối với chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố – cho thấy khi tình hình kinh tế càng khó khăn, yêu cầu cải cách càng cao hơn và khắt khe hơn. Doanh nghiệp muốn thấy những cải cách liên quan mật thiết đến sự sống còn của mình trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhưng hầu như không địa phương nào đáp ứng được. Đó là lý do vì sao điểm số PCI 2012 giảm mạnh. Và, lần đầu tiên, không một địa phương nào đạt ngưỡng 65 điểm, mức dành cho tỉnh có chất lượng điều hành “xuất sắc”, như Bình Dương, Đà Nẵng, Lào Cai, Bắc Ninh, Đồng Tháp… đã từng đạt được.

Năm 2012, Đồng Tháp đứng đầu bảng xếp hạng PCI, tiếp theo là An Giang và Lào Cai (tỉnh đầu bảng của năm 2011). Long An và Bắc Ninh cũng nằm trong nhóm tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất trong cả nước. Còn Bình Định, Vĩnh Long đã lấy lại được “phong độ” sau khi sụt giảm vào năm 2011. Trong khi đó, điểm số của các địa phương luôn dẫn đầu trước đây, như Đà Nẵng, Bình Dương, lại giảm rõ rệt.

“Bảng xếp hạng năm nay không có nhiều bất ngờ”, báo cáo PCI 2012 nhấn mạnh. Nhưng điều bất ngờ là điểm số PCI của các tỉnh đều giảm mạnh. Điểm số của các tỉnh trung vị đã giảm từ 59,15 (năm 2011) xuống còn 56,2, là mức thấp nhất kể từ khi PCI được hiệu chuẩn lại vào năm 2009 đến nay.

“Theo cảm nhận của doanh nghiệp tham gia điều tra PCI, chất lượng điều hành kinh tế năm qua thực sự sụt giảm”, báo cáo PCI 2012 nhận xét.

Điểm đáng chú ý, theo kết quả điều tra, các địa phương đã nỗ lực cải cách tốt trong các lĩnh vực như: giảm thời gian chờ nhận giấy phép đăng ký kinh doanh; giảm số lần cũng như thời gian thanh tra và kiểm tra; tăng tốc độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giảm bớt chi phí không chính thức khi giải quyết thủ tục hành chính… Đây là những cải cách giúp các địa phương như Bình Dương, Đà Nẵng “lấy điểm” trước doanh nghiệp, nhưng nay đã không còn được đánh giá cao nữa.

Doanh nghiệp mong muốn nhiều hơn, muốn các địa phương tạo đột phá ở những lĩnh vực thiết thân hơn với họ. Đó là sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là vấn đề của Chính phủ, mà chính quyền các địa phương cũng có phần trách nhiệm lớn. Cụ thể, phê duyệt đầu tư tràn lan, dẫn đến nhiều quy hoạch ngành bị phá vỡ; đầu tư công, chi tiêu công một cách dàn trải, lãng phí… Không chỉ có thế, doanh nghiệp còn cần sự đột phá ở nhiều lĩnh vực khác liên quan đến kinh doanh như giảm thiểu tham nhũng; bảo vệ quyền tài sản; xây dựng các thiết chế pháp lý.

Một trong những mối lo hàng đầu của doanh nghiệp là rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh và tiền đền bù đất đai không phù hợp với giá thị trường. Đây chính là những lĩnh vực mà các địa phương chưa có cải cách gì đáng kể.

Báo cáo viết: “Các tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI trước đây như Bình Dương, Đà Nẵng ban đầu vượt trội trong những lĩnh vực dễ cải cách, nhưng sau đó không có bước tiến nào lớn, trong khi các tỉnh xếp hạng thấp đang dần vươn lên bắt kịp. Đáng buồn là, chất lượng điều hành kinh tế tại các tỉnh hiện nay đang dần hội tụ quanh mức trung bình”.

Cảm nhận bi quan về môi trường kinh doanh

Sự lạc quan của doanh nghiệp đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, từ tỷ lệ 76% vào năm 2006, thời điểm trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, xuống mức thấp kỷ lục 33% vào năm 2012 ở cả khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

 

Đặc biệt, niềm tin của doanh nghiệp đã sụt giảm mạnh sau vụ bắt giữ một số lãnh đạo ngành ngân hàng vào ngày 20-8-2012. “Trong vòng 20 ngày sau sự kiện đó, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giảm một nửa”, báo cáo PCI 2012 viết. Nguyên nhân của sự suy giảm này, theo báo cáo, do “doanh nghiệp đánh giá cuộc khủng hoảng này là ở tầm vĩ mô”. Trong đó, bị tác động mạnh nhất là nhóm doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn, và chủ yếu là lĩnh vực sản xuất. Sau sự kiện đó, số doanh nghiệp cảm nhận về rủi ro kinh tế vĩ mô tăng 20%.

Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm chưa từng thấy trong năm 2012 đã có tác động lớn đến niềm tin của họ về triển vọng kinh doanh, cũng như cảm nhận của họ về chất lượng điều hành của các địa phương.

Theo kết quả điều tra PCI, chỉ có 6,5% doanh nghiệp ở tỉnh trung vị cho biết đã tăng quy mô đầu tư, 6,1% tuyển thêm lao động, chưa tới 60% báo lãi và 21% báo lỗ. Báo cáo viết: “Đáng lo ngại hơn, cả quy mô đầu tư và lao động của các doanh nghiệp tham gia điều tra PCI đều đã sụt giảm trong vài năm gần đây. Rõ ràng, không chỉ tốc độ tăng trưởng suy giảm mà việc làm cũng như nguồn vốn của khu vực tư nhân cũng đang có sự giảm sút”.

Sự suy giảm niềm tin của doanh nghiệp thể hiện rõ nhất qua kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của họ. Chỉ có 32,7% doanh nghiệp dân doanh và 33% doanh nghiệp FDI nói có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Trong khi tỷ lệ này của năm 2011 lần lượt là 45,5% và 47%.

Bên cạnh đó, còn có những sụt giảm khác về môi trường kinh doanh, mà theo doanh nghiệp là đáng lo ngại: Chỉ 32% doanh nghiệp ở tỉnh trung vị cho rằng cán bộ địa phương làm việc hiệu quả hơn và chỉ 41% tin rằng thủ tục hành chính đã được giảm bớt; 29% nhận định nguy cơ bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh là “cao” hoặc “rất cao” và 61% nhận định tính ổn định của mặt bằng kinh doanh của họ chỉ ở mức trung bình.

Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp tin rằng họ sẽ được bồi thường thỏa đáng nếu mặt bằng kinh doanh bị thu hồi giảm từ 41% năm 2007 xuống còn 36% hiện nay. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng hệ thống pháp luật sẽ bảo vệ đất đai, tài sản và hợp đồng giảm từ 70% năm trước xuống còn 64%. Và, doanh nghiệp ngày càng ít tin tưởng rằng nếu một cán bộ làm sai quy định, doanh nghiệp có thể khiếu nại lên cấp trên (23,7%), đặc biệt tỷ lệ tin tưởng việc sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp hợp đồng còn thấp hơn (22%).

Ngoài ra, Báo cáo PCI 2012 còn phát hiện một cảm nhận khá tiêu cực của doanh nghiệp về quy định, chính sách của Chính phủ đưa ra. Mặc dù kết quả điều tra cho thấy các khoản “lót tay” đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục hành chính đã giảm cả về tần suất, với 53% nhận định chi phí này là phổ biến so với 70% vào năm 2006, và giá trị (chiếm 6,4% doanh thu so với 13% vào năm 2006). Nhưng, kết quả điều tra lại ghi nhận: “Dường như nhiều doanh nghiệp hơn cho rằng quy định, chính sách của chính quyền các cấp đưa ra nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trục lợi. Và, hoa hồng cho các hợp đồng mua sắm công vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối”.

41% doanh nghiệp tham gia điều tra thừa nhận đã trả hoa hồng cho cán bộ nhà nước để có được hợp đồng, tăng mạnh so với mức 23% của năm 2011. Doanh nghiệp càng lớn thì xác suất trả hoa hồng càng cao. Nhưng doanh nghiệp có từ 100 lao động trở lên thì có giảm đôi chút. Báo cáo nhận xét: “Sự thay đổi này có thể do những doanh nghiệp lớn, có mối liên hệ mật thiết với lãnh đạo địa phương, không phải đầu tư nhiều vào chi phí hoa hồng”; “Những doanh nghiệp có tình hình tăng trưởng tích cực có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn. Nghĩa là doanh nghiệp có hành vi chi trả hoa hồng có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn”.

Tóm lại, đây là những “phát hiện” đáng lo ngại. Nếu doanh nghiệp tăng trưởng tích cực trong môi trường kinh doanh khó khăn không phải do điều hành kinh doanh giỏi, mà nhờ “hối lộ giỏi”, là hiện tượng phổ biến, thì thật là nguy hại cho cả nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới