Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng dân tị nạn – khó tìm giải pháp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng dân tị nạn – khó tìm giải pháp

Nguyễn Vũ

Khủng hoảng dân tị nạn – khó tìm giải pháp
Chiến tranh, bom đạn đã khiến hàng triệu người Syria phải ra đi tìm nơi sinh sống, gây ra làn sóng dân tị nạn hiện nay. Ảnh Internet

(TBKTSG Online) – Đầu tiên phải nói ngay cuộc khủng hoảng dân tị nạn đã diễn ra âm ỉ mấy năm rồi và đã bùng phát nhiều tháng nay nhưng mấy tuần gần đây mới được báo chí phương Tây tô đậm. Đó là bởi khi tấm thảm kịch được cụ thể hóa bằng hình ảnh 71 người tị nạn chết trong một chiếc xe tải ở Áo và nhất là sau khi nhiều báo đăng tấm hình em bé 3 tuổi người Syria chết đuối trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng chính sự vào cuộc của báo chí và sự đánh động lương tâm công luận đã dẫn tới hai hệ lụy: một là sự xoay chiều của tâm lý số đông ở châu Âu. Trước đây những tiếng nói cực hữu kiên quyết chống dòng di dân tị nạn được hưởng ứng nhưng giờ tình nhân loại, sự đồng cảm với nỗi khổ của các gia đình bị ly tán lại là dòng tâm lý chủ đạo – ít nhất là trong thời gian này. Hai là sự đón nhận dòng người tị nạn chắc chắn sẽ làm bùng phát những dòng người tị nạn mới nên cuộc khủng hoảng này khó lòng chấm dứt sớm.

Đi đầu trong chính sách mở rộng cửa đón người tị nạn là Đức và sự can đảm về mặt chính trị của nữ Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đã được công luận hoan nghênh. Dù có nhiều bài báo phân tích Đức muốn nhận người nhập cư để giải quyết sự thiếu hụt lao động chân tay, cơ cấu dân số đang ngày càng già đi, sự cương quyết và dứt khoát của bà Merkel là một cột mốc thay đổi chiều hướng của cuộc khủng hoảng dân tị nạn này.

Cùng với bà Merket, Tổng thống Pháp  Francois Hollande muốn các nước khác của châu Âu chấp nhận một "hạn ngạch" người tị nạn nhất định. Ủng hộ kế hoạch phân bổ này là các nước Áo, Thụy Điển, Hy Lạp và Ý. Các nước còn lại phản đối; Thủ tướng Hungary  Viktor Orban cho rằng đặt ra "hạn ngạch" là một sai lầm lớn vì sẽ khuyến khích thêm dòng di dân tị nạn – một quan điểm mà chính phủ nhiều nước Đông Âu đồng tình. Anh, Ireland và Đan Mạch không tham gia kế hoạch chung của Ủy ban châu Âu vì chính sách di dân của họ.

Vì thế kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ gặp nhiều khó khăn chứ không thể đạt được sự đồng thuận ngay.

Các kế hoạch gián tiếp khác cũng khó lòng có hiệu quả ngay nhưng nhắm đến việc giải quyết vấn đề từ góc độ nhân đạo. Ví dụ Thủ tướng Anh David Cameron hứa hẹn sẽ tiếp nhận 20.000 người tị nạn trong 5 năm sắp tới nhưng sẽ sàng lọc và nhận trực tiếp từ các trại tị nạn ở Trung Đông thay vì nhận những người đã đi vào châu Âu. Lập luận của nước Anh là làm vậy sẽ hạn chế nạn buôn người và hạn chế những cái chết trên đường di cư vào châu Âu. Tổng thống Pháp cũng muốn hỗ trợ các trại tị nạn ở các nước gần kề Syria để dân tị nạn ở yên đó rồi sẽ về lại quê nhà khi tình hình ổn định trở lại.

Thế nhưng dòng thông tin của tuần trước với hình ảnh người tị nạn được đón chào ở Đức và Áo và một số nước khác sẽ làm những người chưa vào được châu Âu bằng mọi giá ra đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Chỉ tính riêng ở Syria, con số người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến phải bỏ nhà tản cư lên đến 11 triệu người, 7 triệu vẫn còn loanh quanh trong nước này và 4 triệu chạy qua các nước lân cận, chủ yếu ở Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Con số đã vào châu Âu chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) ước tính có đến 350.000 người dân tị nạn tiếp cận biên giới châu Âu tính từ đầu năm đến tháng 8-2015. 

Một lý do khác nữa là dân tị nạn đã tìm ra lộ trình mới đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp an toàn hơn là đi qua Libya. Chạy qua Libya họ phải chịu cảnh bị bọn buôn người bóc lột những đồng tiền còn sót lại cũng như một chặng đường biển qua Địa Trung Hải rất nguy hiểm.

Nên nhớ năm ngoái, có đến 662.000 người xin tị nạn ở châu Âu, tăng 200.000 người so với năm trước và gấp đôi so với năm 2011. Như thế con số của năm nay sẽ cao hơn nhiều; các con số "hạn ngạch" mà châu Âu đang bàn chỉ là muối bỏ bể. 

Báo chí rồi sẽ tìm ra đề tài khác "nóng" hơn để theo đuổi. Tâm lý của người dân, sau cảm giác "tội lỗi" ban đầu khi chứng kiến cảnh chết chóc của người tị nạn, sẽ chuyển biến theo hướng sợ bọn khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn, sợ bất ổn xã hội, sợ bị giành việc và chịu gánh nặng an sinh… Diễn biến cuộc khủng hoảng người tị nạn không biết rồi sẽ ra sao nhưng chắc chắn một điều: nỗi khổ của nhân loại vì chiến tranh, xung đột và lòng tham vẫn còn tiếp tục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới