Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng giáo dục hay sự thổi phồng của dư luận?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng giáo dục hay sự thổi phồng của dư luận?

Mỹ Huyền

(TBKTSG Online) – Sau hàng loạt các vụ việc gây xôn xao dư luận như gian lận thi cử tại Hà Giang, cách phát âm "vuông vuông tròn tròn" trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, liệu ngành giáo dục đang rơi vào khủng hoảng thực sự hay đang bị ảnh hưởng bởi truyền thông?

Vai trò doanh nghiệp trong xử lý khủng hoảng giáo dục

Khủng hoảng giáo dục hay sự thổi phồng của dư luận?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (giữa) cho rằng không có khủng hoảng giáo dục tại Việt Nam. Ảnh: Mỹ Huyền

"Khiếm khuyết" chứ không "khủng hoảng"?

Tại hội thảo “Giáo dục Việt Nam và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng giáo dục tại Hoa Kỳ” do Hội Hữu nghị Việt – Mỹ tổ chức ngày 21-11, tại TPHCM, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, chia sẻ rằng ông đã ngạc nhiên khi biết nhân viên tiếp tân của mình đã tốt nghiệp đại học. Theo ông, nhân viên tiếp tân không cần đến trình độ đại học và việc sử dụng lao động không phù hợp với trình độ là một sự phí phạm. "Nhưng nếu cô nhân viên ấy có thể xin việc phù hợp với trình độ của mình thì cô ấy có nhận việc tiếp tân không?", ông Trai đặt câu hỏi.

Nói về việc cử nhân thất nghiệp hàng loạt, trong khi doanh nghiệp vẫn thiếu nhân tài, tiến sĩ Huỳnh Thế Du đến từ trường Đại học Fullbright cho rằng đây là kết quả của cấu trúc thị trường cung cầu.

"Trong một thời gian dài, giáo dục đại học ở Việt Nam rơi vào tình trạng chuộng bằng cấp, không quan tâm tới chất lượng. Hệ thống giáo dục đã đáp ứng nhu cầu này, rất nhiều trường biết rõ là có trục trặc nhưng vẫn sản xuất ra bằng cấp, không phân biệt ai đạt đủ trình độ hay không", ông Du nói.

Tuy nhiên, hiện khu vực công cần ít người lao động hơn, những người không thể qua được quá trình thi tuyển, sàng lọc, phải di chuyển sang khu vực tư. Ngược lại, khu vực tư nhân lại không quan tâm nhiều đến bằng cấp, nếu người lao động không làm được việc sẽ bị đào thải.

"Do vậy, việc người có bằng đại học phải làm việc không đúng trình độ hay thất nghiệp là đương nhiên. Nay nguồn cầu đã có nhu cầu khác nên cần phải có thời gian để thay đổi", ông Du nhận định.

Thừa nhận những khiếm khuyết nhưng giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cho rằng chỉ khi chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan sử dụng lao động hay yêu cầu phát triển đất nước mới có thể gọi là khủng hoảng.

Truyền thông thổi phồng?

Các diễn giả trong hội thảo cho rằng cho rằng giáo dục đang bị ảnh hưởng bởi truyền thông hơn là chính các khuyết điểm trong ngành. Truyền thông hơi thiên về những việc tiêu cực để thu hút độc giả, dẫn đến đến sự hoang mang của người dân, gây mất ổn định trong xã hội. Dù nền giáo dục trong nước còn có nhiều vấn đề nhưng so với mặt bằng chung các nền giáo dục ở các nước thì "không đến nỗi tiêu cực". Thực chất các tranh cãi trong dư luận công chúng hiện nay là khủng hoảng về niềm tin. Công chúng đang tìm kiếm người chịu trách nhiệm về sự yếu kém của đạo đức và giáo dục trong những vụ việc gần đây.

Vì vậy, ông Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Mỹ, kỳ vọng những người lãnh đạo cao nhất của đất nước nên là người đứng ra để cải tổ giáo dục. Chính phủ nên bắt đầu từ việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh về giáo dục cùng một cuộc điều tra xã hội học với số liệu đầy đủ về chất lượng giáo dục. Cuộc điều tra này nên được công bố đầy đủ với công chúng trên các phương tiện truyền thông để xã hội đóng góp ý kiến.

"Chắc chắn rằng dư luận sẽ tấn công bằng các phê bình nhưng các nhà làm chính sách giáo dục cần thể hiện bản lĩnh, chính kiến của mình. Đơn cử, việc cải cách sách giáo khoa bị bỏ giữa chừng dưới áp lực từ mạng xã hội. Việc áp dụng công nghệ trong thi cử cũng bị bỏ dở vì dư luận lên án các vụ gian lận. Lãnh đạo trực tiếp những cải cách đó đã không đủ bản lĩnh", ông Châu nói.

Ông Châu cũng đề nghị cải tổ bậc phổ thông trung học và trung học cơ sở để các em học sinh có đủ năng lực trước khi bước sang bậc đại học, khi các em bắt đầu phải có những quyết định đầu đời về tương lai của mình. Bên cạnh đó, nên đưa vai trò doanh nghiệp vào làm nguồn lực chính tham gia vào cải tổ vì họ chính là người sử dụng nguồn lực sau này.

Tại Mỹ, cuộc điều tra diện rộng như vậy đã được tổ chức với hội đồng chuyên môn cố vấn là các doanh nghiệp, các nhà giáo dục để thấy được thiếu sót. Họ nên là người đưa ra các tiêu chuẩn học thuật và quan trọng hơn nữa là tiêu chuẩn đạo đức cho các chương trình học, vì ngoài trình độ và kỹ năng, đây là yếu tố đầu tiên mà người lao động bị đánh giá khi đi xin việc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới