Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng năng lượng đe dọa ‘đốt nóng’ giá thực phẩm toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình trạng nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu tăng mạnh đã đẩy chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) lên 130 điểm trong tháng 9 và đây cũng là mức cao nhất kể từ 9-2011. Trong bối cảnh đó, chi phí sản xuất nông nghiệp tốn kém hơn, do tác động của cơn khủng hoảng năng lượng trên thế giới, dự kiến càng đốt nóng giá thực phẩm trong thời gian tới.

Giá thực phẩm đã tăng hơn 30% trong năm qua

Hôm 8-10, FAO cho biết trong tháng 9, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu (FFPI) tăng 1,2% so với tháng 8 và tăng 32,8% so với tháng 9-2020. Chỉ số giá ngũ cốc, một tiểu mục của FFPI tăng 2% so với tháng trước, trong đó, lúa mì tăng gần 4% và đang ở mức cao hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu mạnh mẽ nhưng nguồn cung xuất khẩu bị hạn chế.

Thời tiết xấu ở các nước xuất khẩu lương thực đã đẩy chi số giá lúa mì tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) lên mức cao nhất trong 8 năm. Các khu vực trồng lúa mì ở Mỹ và Nga đang chịu hạn hán, trong khi đó, châu Âu lại chứng kiến lượng mưa quá nhiều trong mùa thu hoạch lúa mì.

“Trong số các ngũ cốc, lúa mì sẽ là tâm điểm chú ý trong những tuần tới khi nhu cầu cần được kiểm định trước mức giá đang tăng nhanh”, Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cao cấp của FAO, nói.

Một lò bánh mì ở Cairo, Ai Cập. Hồi tháng 8, Tổng thống Ai Cập, Fattah el-Sissi tuyên bố sẽ tăng giá bánh mì bằng cách giảm ngân sách trợ cấp cho mặt hàng giữa lúc chi phí nhập khẩu lúa mì tăng. Ảnh: AP

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO cũng tăng 1,7% trong tháng trước và tăng khoảng 60% so với thời điểm tháng 9-2020 do giá dầu cọ trên thị trường quốc tế vọt lên mức cao nhất trong 10 năm trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh trên thế giới và các lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động nhập cư sẽ tác động đến hoạt động sản xuất dầu cọ ở Malaysia.

Chỉ số giá bơ sữa của FAO tăng 1,5% so với tháng 8 nhờ nhu cầu nhập khẩu vững mạnh trên toàn cầu và sản lượng suy giảm do các yếu tố mùa vụ ở châu Âu và châu Đại dương. Với mức tăng 0,5% trong tháng 9, chỉ số giá đường của FAO đang cao hơn 53,5% so với cách đây 1 năm.

Giá đường tăng khi điều kiện thời tiết bất lợi ở các nước sản xuất làm suy giảm sản lượng và chữ đường của cây mía và cũng một phần là do giá ethanol ở Brazil tăng lên, thúc đẩy các nhà máy chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học này, thay vì sản xuất đường. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu chững lại cộng với triển vọng vụ mía bội thu ở Ấn Độ và Thái Lan đã hạn chế áp lực tăng giá.

Trong tháng 9, chỉ số giá thịt của FAO gần như không thay đổi so với tháng 8 nhưng vẫn đang cao hơn 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thịt gia cầm và thịt heo đang trên đà giảm nhờ nguồn cung dồi dào trong lúc nhu cầu lại đang giảm ở Trung Quốc và châu Âu.

FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu được mức kỷ lục 2,8 tỉ tấn trong năm 2021 nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. FAO nhận định sản lượng lúa mì trong năm 2021 đạt 776,7 triệu tấn, mức cao nhất trong lịch sử và sản lượng lúa gạo sẽ đạt 50 triệu tấn, cũng là mức kỷ lục mới.

Khủng hoảng năng lượng gây thêm áp lực tăng giá

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng trên toàn cầu, gây thêm sức ép tăng giá lên thực phẩm khi nhà sản xuất phân bón nông nghiệp và các công ty vận tải chứng kiến chi phí leo thang. Đợt tăng giá năng lượng gần đây đã đốt nóng giá cả các nguyên liệu đầu vào trong nông nghiệp như phân bón, đe dọa đẩy tăng giá cả nông sản hoặc làm suy giảm nguồn cung.

Những diễn biến này gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008 và 2011 FAO cũng cảnh báo đà tăng giá của năng lượng có thể khiến một phần sản lượng nông sản đáng kể như mía, bắp được chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học, càng khiến nguồn cung lương thực thắt chặt.

Ông Abdolreza Abbassian nói: “Sự kết hợp của các vấn đề nay đang bắt đầu đáng lo ngại. Cách đây 2-3 tháng, không ai hình dung được giá năng lượng lại tăng mạnh đến như vậy”.

Trong khi cần thời gian để chi phí sản xuất nông nghiệp thẩm thấu vào giá cả trên kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng, người tiêu dùng trên thế giới bắt đầu cảm nhận sức ép chi phí thực phẩm, buộc các chính phủ phải tìm giải pháp để kiểm soát giá cả. Bên cạnh đó, chi phí vận tải tăng cao cộng với tình trạng thiếu hụt lao động ở khắp chuỗi cung ứng khiến các siêu thị ở các nước như Anh thiếu hàng hóa để bán.

Giá cả thực phẩm leo thang giữa lúc thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu đói tồi tệ nhất trong ít nhất 15 năm. Giá thực phẩm cao là tin xấu đối với các quốc gia nghèo phụ thuộc vào nhập khẩu và có thể làm tăng nguy cơ bất ổn chính trị. Hồi tháng 8, Tổng thống Ai Cập, Fattah el-Sissi tuyên bố sẽ tăng giá bánh mì bằng cách cắt giảm ngân sách trợ cấp cho mặt hàng thực phẩm thiết yếu này. Nếu được thực hiện, đây là lần đầu tiên trong 44 năm qua, Ai Cập tăng giá bánh mì.

Hiện nay, nhờ chính sách trợ cấp, 20 ổ bánh mì chỉ có giá khoảng 1 pound Ai Cập (1.500 đồng VN), trong khi đó, nếu tính theo giá thị trường, chi phí mỗi ổ bánh mì khoảng từ 0,5-1 pound Ai Cập. 60 triệu người dân Ai Cập đang được hưởng chính sách trợ cấp này với mỗi người được phép mua tối đa 5 ổ bánh mì trợ giá mỗi ngày.

Trước đây, những kế hoạch thay đổi chính sách trợ cấp giá bánh mì ở Ai Cập làm gây bất ổn xã hội và dẫn đến vụ bạo loạn vào năm 1977, khiến 70 người thiệt mạng.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới