Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng nợ công toàn cầu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng nợ công toàn cầu?

Hồ Quốc Tuấn (*)

Taxi ở Hy Lạp đình công phản đối chính sách thắt lưng buộc vùng khiến du khách gặp khó khăn. Ảnh: NYT.

(TBKTSG) – Trong những tuần lễ đầu tháng 7 này, thị trường tài chính quốc tế gặp nhiều cú sốc liên quan đến vấn đề nợ nần của các nước châu Âu và Mỹ. Đâu đó, người ta đang nhắc lại quan điểm rằng kinh tế thế giới đang bắt đầu đi vào khủng hoảng nợ công toàn cầu.

Hy Lạp: chờ đợi kết quả tranh luận của các chính trị gia rồi… vỡ nợ?

Hơn một năm sau khi nhận được khoản hỗ trợ 110 tỉ euro, Hy Lạp vẫn tiếp tục ở trong nguy cơ vỡ nợ. Gần đây Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF ước tính nợ quốc gia của Hy Lạp có thể lên đến 172% GDP (so với mức khoảng 120% lúc bắt đầu rơi vào khủng hoảng nợ) trong khi thâm hụt ngân sách của nước này cao hơn dự kiến và nước này đang cần một khoản hỗ trợ mới.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang kéo dài cuộc tranh luận về chuyện chọn lựa phương án bởi vì các bên đều đang cố gắng lựa chọn một phương án có lợi cho mình. Chẳng hạn, một trong những đề xuất của Pháp (và được Đức ủng hộ) là các chủ nợ tư nhân có thể đảo nợ, biến khoảng 90% các khoản nợ sắp đáo hạn thành các khoản nợ mới kỳ hạn năm năm.

Một đề xuất khác phức tạp hơn là Hy Lạp trả một phần các khoản nợ bằng tiền mặt (khoảng 30%), phần còn lại thì được xem như là đầu tư lại vào trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Hy Lạp. Những đề xuất kéo dài thời hạn nợ hay đảo nợ kiểu này có thể khiến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như S&P hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp xuống hạng vỡ nợ vì những giải pháp như vậy khiến chủ nợ nhận được ít tiền hơn đáng kể so với các khoản cho vay ban đầu.

Một số quan chức các chính phủ châu Âu đang xem xét tới khả năng lựa chọn các đề xuất cho phép Hy Lạp “vỡ nợ tạm thời”. Những giải pháp này có thể được gói ghém sao cho dù có thể khiến Hy Lạp rơi vào vỡ nợ tạm thời nhưng sẽ không đủ để tạo ra một “sự kiện tín dụng”, nghĩa là không đủ để cấu thành lý do khiến các nhà phát hành các hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS-credit default swaps) phải tiến hành chi trả, như vậy giảm bớt tổn thất đối với các định chế tài chính.

Nhưng phía Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại không muốn Hy Lạp bị hạ xếp hạng tín nhiệm xuống khu vực vỡ nợ. ECB lập luận rằng điều đó có thể phát ra tín hiệu xấu về độ tin cậy của các trái phiếu do chính phủ châu Âu khác phát hành, đồng thời nếu trái phiếu chính phủ Hy Lạp bị xếp vào hạng vỡ nợ thì sẽ hạn chế khả năng ECB chấp nhận các trái phiếu của Hy Lạp làm tài sản cầm cố trong trường hợp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nước này. Điều đó đồng nghĩa hệ thống ngân hàng Hy Lạp gặp nguy cơ thiếu thanh khoản và có thể sụp đổ vì Hy Lạp không thể tự in tiền ra.

Và cho dù Hy Lạp có nhận được tiền tài trợ mới, được giãn nợ sau cuộc thảo luận lần này của các quan chức EU (diễn ra hôm nay, 21-7) thì cũng không có nghĩa là Hy Lạp có thể tránh được chuyện bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm dán nhãn “vỡ nợ”. Điều đó đồng nghĩa với việc mối lo khủng hoảng nợ sẽ tiếp tục có thể tác động xấu đến thị trường cổ phiếu, nhất là các cổ phiếu ngân hàng, và trái phiếu.

Thật khó dự đoán được điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp bị xếp hạng vỡ nợ và do đó, nhiều nhà đầu tư lại quay sang mua vàng và bán đi các trái phiếu chính phủ có vấn đề khác như Ý. Điều này không những chỉ đẩy giá vàng tăng mà còn đang tạo ra một hiệu ứng lây lan có thể khiến Ý trở thành nạn nhân mới của cuộc khủng hoảng nợ.

Ý: điểm lây lan mới của khủng hoảng

Trong tuần qua Ý cũng trở thành mối quan tâm của thị trường tài chính cũng như báo chí. Trước hết, lãi suất trái phiếu chính phủ của Ý đột nhiên được thị trường đẩy lên quá nhanh. Cụ thể là đợt đấu giá 1,25 tỉ euro trái phiếu thời hạn năm năm gần đây của Ý đã có lợi suất trung bình là 4,93%, cao hơn nhiều so với mức 3,9% của tháng trước. Điều này cho thấy thị trường đang đánh giá rủi ro vỡ nợ của Ý đã tăng lên đáng kể.

Việc lãi suất trái phiếu chính phủ Ý tăng cao do nhà đầu tư lo ngại diễn biến phức tạp về nợ công có thể tạo ra một hiệu ứng biến Ý trở thành nạn nhân tiếp theo. Trong cấu trúc nợ khoảng 1.600 tỉ euro của Ý (gấp nhiều lần so với khoản nợ 350 tỉ của Hy Lạp), có đến hơn 800 tỉ euro là các khoản nợ sẽ đáo hạn trong vòng năm năm và hơn 250 tỉ trong số đó là nợ sẽ đáo hạn trong vòng một năm.

Nghĩa là nếu lãi suất tiếp tục giữ ở mức hiện tại thì chi phí phát hành mới trái phiếu để tài trợ cho các khoản nợ cũ sẽ tăng rất nhiều. Ví dụ, với hơn 250 tỉ euro trái phiếu kỳ hạn một năm của Ý thì trước đây lãi suất trung bình là 1,8%, hiện tại là gần 2,3%, đồng nghĩa với việc lãi phải trả hàng năm của Ý sẽ tăng lên khoảng hơn 1 tỉ euro so với hiện tại.

Một số liệu ước tính của Evolution Securities cho thấy nếu mặt bằng lãi suất vẫn như hiện tại thì tổng chi phí trả lãi vay của Ý sẽ tăng thêm gần 17 tỉ euro (khoảng 1% GDP) vào năm 2015. Với mức thâm hụt ngân sách khoảng 4-5% GDP hiện tại của Ý, thêm 1% GDP chi phí lãi vay này sẽ đẩy nước này tới gần hơn bờ vực khủng hoảng nợ.

Thực tế không thể phủ nhận là Ý có mức nợ công cao, tăng trưởng chậm và có một chính phủ bị xem là thiếu hiệu quả và không minh bạch. Trường hợp nếu Ý thực sự thiếu tiền trả các khoản nợ ngắn hạn sẽ gây nhiều lo ngại hơn trường hợp Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha vì Ý là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực sử dụng đồng euro và quy mô khoản nợ của nước này cũng lớn tương ứng trong khi tăng trưởng của nước này vốn dĩ là chậm chạp còn dân số Ý thì thuộc nhóm dân số già.

Mỹ: sóng ngầm

Cùng gia nhập nhóm các nước được báo chí quan tâm về chuyện nợ nần trong tuần qua là Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, Chính phủ Mỹ đang có nguy cơ không đáp ứng nổi các khoản tiền cần thanh toán nếu trước ngày 2-8 quốc hội nước này không chấp thuận nâng mức trần nợ công lên.

Vấn đề lần này của Mỹ nằm ở bất đồng chính trị hơn là chuyện Mỹ thiếu nguồn tài chính thật sự. Cục diện hiện nay của Mỹ chủ yếu do bất đồng giữa Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa về gói cắt giảm thâm hụt ngân sách. Trong 10 năm gần đây, mức trần này đã được thay đổi nhiều lần, từ khoảng 6.000 tỉ đô la Mỹ năm 2000 lên đến hơn 14.000 tỉ hiện nay; do đó việc nâng trần nợ chính phủ không phải là vấn đề gì quá bất thường.

Tuy nhiên, lần này, nhu cầu nâng trần nợ chính phủ lại diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Obama muốn cắt giảm thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm tới một mức tổng cộng là 4.000 tỉ, bao gồm các chương trình cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế. Ngược lại, Đảng Cộng hòa chỉ mong muốn một gói cắt giảm khoảng 2.000 tỉ và một mức thuế thấp. Thương lượng giữa các bên vẫn đi vào bế tắc.

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào số liệu nợ nần của Mỹ thì đây là một tín hiệu cảnh báo trước về gánh nặng nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trong một báo cáo vào tháng 1 năm nay Moody’s cảnh báo rằng Mỹ, Anh, Pháp và Đức cần phải tìm cách khống chế các khoản chi tiêu cho y tế và lương hưu. Moody’s cũng dự báo rằng nếu tình hình không cải thiện, thì đối với Mỹ, tỷ số lãi vay so với nguồn thu ngân sách sẽ lên đến trên 17% vào năm 2020, một con số đáng lo ngại đối với một nước giữ xếp hạng tín nhiệm AAA.

Vì vậy, nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ hiện nay cho thấy mức nợ nần và thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang trở thành một cơn sóng ngầm đáng lo ngại nếu Mỹ không thành công trong cắt giảm chi tiêu công trong vài năm tới.

Hiện nay, cử tri Mỹ (và cả nhiều nhà kinh tế) quan tâm hơn tới việc có nên tiếp tục một chương trình nới lỏng tiền tệ mới và các giải pháp kích thích kinh tế để tạo thêm công ăn việc làm. Đối với họ, chính phủ có vỡ nợ hay không có khi còn không quan trọng bằng chuyện tỷ lệ thất nghiệp gần 10% hiện nay. Nhưng “làm lơ” chuyện nợ nần lúc này thì có thể sẽ phải ngày ngày đối mặt với nó trong tương lai.

____________

(*) Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới