Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng tài chính thế giới và cơ hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng tài chính thế giới và cơ hội

(TBKTSG) – Trong chuyến đi làm việc của LBC (Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu) với các tổ chức tài chính và tư vấn quốc tế (Credit Suisse, UBS, Mc Kinsey…) tại Singapore (từ ngày 10 đến 12-11-2008), các nhà doanh nghiệp Việt Nam đã có dịp cùng thảo luận những nhận định và dự báo về ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới đối với châu Á.

Các dự báo cũng gợi ra những tầm nhìn cho năm 2009-2010 để từ đó doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mình.

Châu Á trong khủng hoảng tài chính 2008

Trong khủng hoảng tài chính lần này, các nền kinh tế châu Á có một vị thế vững vàng và chủ động hơn nhiều so với kỳ khủng hoảng tài chính 1997. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực trong suốt giai đoạn 2000-2007 đạt mức khá cao 4,1% làm nền tảng cho khả năng đối phó. Thặng dư cán cân thanh toán nay đã đạt ở mức 6% GDP so với mức thâm hụt -1% của năm 1997.

Ngoài ra, lượng dự trữ ngoại tệ của châu Á đã tăng gấp 6 lần so với năm 1997 – đạt đến 4.200 tỉ đô la – chiếm gần hai phần ba lượng dự trữ ngoại hối của thế giới và gấp 1,9 lần tổng nợ ngắn hạn của khu vực đối với thế giới (năm 1997 con số này là nhỏ hơn 1).

Các chỉ số kinh tế vĩ mô lành mạnh là tín hiệu tích cực cho khả năng chống đỡ của các quốc gia châu Á trong lần khủng hoảng này. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ đợt khủng hoảng lần trước, các chính phủ và ngân hàng trung ương tại châu Á đã có sự hợp tác chặt chẽ để có những hành động tập thể tốt hơn trong việc đối đầu với khủng hoảng.

Sau đợt “bạo bệnh” năm 1997, các ngân hàng và tổ chức tài chính tại nhiều nước châu Á đã được tái cấu trúc và quản lý chặt chẽ bởi các ngân hàng trung ương. Điều này giúp cho tình hình sức khỏe của các tổ chức này đã trở nên lành mạnh hơn rất nhiều so với năm 1997 và có khả năng đề kháng với khủng hoảng tốt hơn so với một số lớn các đồng nghiệp phương Tây.

Tỷ lệ nợ khó đòi (NPL) của các ngân hàng thương mại tại châu Á đã giảm xuống ở mức an toàn 2,9%. Với tỷ lệ tiết kiệm của dân cư cao 33%, các ngân hàng châu Á có lượng tiền gửi dồi dào. Tỷ lệ cho vay trên vốn huy động trung bình (loan to deposit ratio) ổn định ở mức xấp xỉ 82% (tỷ lệ này là 130% ở các ngân hàng phương Tây).

Tỷ lệ CAR (Capital Adequacy Ratio) trung bình của tất cả các nước trong khu vực đều đạt ở mức an toàn từ 11-18%. Trong số các nước châu Á, các ngân hàng Hàn Quốc được các nhà phân tích xem là “dễ bị tổn thương” nhất với tỷ lệ CAR thấp nhất (11%), tỷ lệ vốn vay nước ngoài (foreign funding) chiếm đến 18% GDP và có tỷ lệ cho vay trên vốn huy động ở mức cao nhất (169%) với khoản huy động vốn liên ngân hàng lên đến 60 tỉ đô la.

Tuy có nhiều mức độ vững chắc khác nhau nhưng nhìn chung các tổ chức tài chính và ngân hàng châu Á vẫn được dự báo là có khả năng chống đỡ tương đối tốt trong đợt khủng hoảng lần này. Nhìn về tương lai, các nhà phân tích của Mc Kinsey gần đây áp dụng kỹ thuật phân tích theo kịch bản (scenario analysis) bằng việc đưa ra ba kịch bản tăng trưởng khác nhau của nền kinh tế thế giới và thực hiện cuộc khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế. Kết quả là kịch bản “hạ cánh nặng nề” (hard landing) được nhiều phiếu nhất với khoảng hơn 50% các chuyên gia đồng tình dự báo.

Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống chỉ còn 1,2% vào năm 2009 với tình hình tài chính tiếp tục căng thẳng tại Âu – Mỹ, đầu tư sẽ giảm sút mạnh mẽ và tiêu dùng sa sút nghiêm trọng ở mức ít nhất thì cũng bằng với đợt suy giảm tiêu dùng năm 2000-2001. Tình hình khó khăn trên được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2010.

Ngoài ra, trong bối cảnh như thế, các ngân hàng trên thế giới sẽ trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay cũng như tài trợ xuất khẩu dẫn đến việc chi phí tài chính cho các hoạt động ngoại thương sẽ gia tăng và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.

Dự báo các nước châu Á sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức vì nền kinh tế các nước này ngày càng phụ thuộc hơn vào thị trường quốc tế với việc xuất khẩu chiếm trung bình 45% GDP tại các nước đang phát triển của châu Á. Các nước và lãnh thổ với tỷ lệ xuất khẩu trên GDP cao như Singapore (260%), Hồng Kông (190%), Malaysia (122%)… được dự báo sẽ hứng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Các thông số kinh tế vĩ mô gần đây của các nền kinh tế này đã thể hiện những dấu hiệu đầu tiên của những tiên đoán trên. Tuy nhiên, vẫn có một tín hiệu lạc quan khác là tỷ lệ xuất khẩu giữa các nước trong châu Á với nhau đã tăng gấp ba so với mức của năm 2000; đạt mức 3.274 tỉ đô la – gấp 1,5 lần lượng hàng hóa xuất sang Âu-Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc sức mua của các nền kinh tế châu Á trong thời gian sắp tới sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trường cho toàn khu vực và đặc biệt quan trọng với những nước phụ thuộc vào xuất khẩu.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cơ hội từ khủng hoảng

Chính khó khăn và nguy biến lại mở ra các cơ hội mới cho tương lai. Các quốc gia châu Á lần này có vị trí vững vàng hơn nhiều quốc gia phương Tây là vì họ đã nhìn ra và tận dụng được các cơ hội và bài học đến từ đợt khủng hoảng tài chính năm 1997.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây sẽ là “liều thuốc thử” về tính hiệu quả và khả năng thích nghi. Khó khăn lần này sẽ là cơ hội tốt để ta nhìn lại các vấn đề quản trị nội tại và tiến hành tái cấu trúc một cách nghiêm túc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Cũng nhờ khủng hoảng mà ta có thời gian để xem xét lại mô hình kinh doanh, hiệu chỉnh chiến lược chuẩn bị cho các mối quan hệ ở tầm quốc tế. Cũng nhờ khủng hoảng mà một số doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn nhân lực có trình độ quốc tế nay đang tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp tại Việt Nam.

Cũng nhờ khủng hoảng mà một số doanh nghiệp đã có sự tích lũy trong các năm vừa qua có thể nghĩ đến việc mua cổ phần của các đối tác xuất khẩu, các khách hàng quốc tế hay các nhà cung cấp để mở rộng lĩnh vực kinh doanh (vertical integration).

Cũng nhờ có khủng hoảng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực chịu sức ép hội nhập WTO như tài chính – ngân hàng, bán lẻ… có thêm một vài năm tích lũy nội lực và phát triển mạng lưới trước khi các anh bạn “khổng lồ” nay đang bận việc xử lý các vấn đề ở quê nhà sẽ cùng vào chơi chung sân chơi nội địa.

Cũng nhờ có khủng hoảng mà ta phải học cho bằng được những cải cách trong việc quản trị hệ thống tài chính Việt Nam để theo kịp với các anh bạn láng giềng vốn đã có cơ hội nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống của họ trong đợt khủng hoảng lần trước.

LÊ TRÍ THÔNG – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới