Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng tị nạn châu Âu: chấp nhận hay từ chối?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng tị nạn châu Âu: chấp nhận hay từ chối?

Quang Dũng, Paris

(TBKTSG Online) – Số phận người tị nạn từ Syria và Bắc Phi đổ tới châu Âu đang rất bấp bênh trong khi các nước EU vẫn bất đồng sâu sắc giữa các hướng giải quyết: tiếp nhận, từ chối hoặc tiếp nhận theo “hạn ngạch” (quota) phù hợp với khả năng kinh tế tài chính của từng thành viên.

Khủng hoảng tị nạn châu Âu: chấp nhận hay từ chối?
Người tị nạn xếp hàng lên tàu hỏa để tới Đức sau khi băng qua biên giới Hy Lạp-Macedonia ngày hôm qua 6-9-2015. Ảnh Reuters

Châu Âu đang chia đôi, giữa một bên dẫn đầu bởi Đức-Pháp, những nước chủ trương châu Âu cần phải tiếp nhận người tị nạn và tất cả các thành viên đều phải có trách nhiệm gánh vác, với bên kia là một pháo đài gồm những nước Trung và Đông Âu, gồm Hungary, Ba Lan, Cộng hòa (CH) Czech, Slovakia – những nước gần như đang từ chối mọi giải pháp được đưa ra.

Cuộc chiến bắt đầu trước tiên ở ngôn từ. “Tôi không có ý xúc phạm ai, nhưng cần phải nói rõ một điều: tình hình hiện nay rất không đáng hài lòng” – Thủ tướng Đức Angela Merkel công kích lãnh đạo Đông Âu, đáp trả lại những tuyên bố bị đánh giá là mang nặng tính kỳ thị của Thủ tướng Hungary, Viktor Okban khi ông này phát biểu rằng việc tiếp đón quá nhiều người tị nạn Hồi giáo “sẽ phá hủy cội rễ Công giáo trong các nước châu Âu”.

Trong cả tuần qua, Hungary trở thành tâm điểm mới của cuộc khủng hoảng, với cảnh hàng nghìn người tị nạn tập trung tại ga trung tâm Keleti ở thủ đô Budapest để tìm đường lên những chuyến tàu sang Đức và Áo.

Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng giữa hai bên không dừng ở lời nói. Hôm 4-9, để phản ứng trước sức ép từ Đức và Pháp, nhóm các nước Trung và Đông Âu đã họp nhau tại CH Czech và tuyên bố một đường lối chung: tuyệt đối từ chối quy chế phân bổ quota hay một chính sách tương tự từ Liên minh châu Âu. CH Czech cho biết họ sẽ dừng ở con số 1.700 người đã tiếp nhận kể từ đầu mùa hè năm nay. Slovakia  khẳng định không nhận nhiều hơn 200 người đã đăng ký từ trước. Ba Lan cũng tỏ thái độ tương tự, dù Thủ tướng Ewa Kopacz của Ba Lan để ngỏ khả năng sẽ nhận nhiều hơn con số 2.000 người theo quy định từ trước “nếu các điều kiện tài chính cho phép”. Hungary là nước đi xa nhất trong các biện pháp cứng rắn. Quốc hội nước này vừa ra đạo luật cho phép huy động quân đội đến biên giới nhằm ngăn chặn dân tị nạn và cho phép kết án 3 năm tù giam với một người nhập cư trái phép.

Sự cứng rắn của các thành viên Đông Âu thuộc EU được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi dư luận trong nước, như tại CH Czech, 93% dân chúng cho rằng người tị nạn cần phải được gửi trả về các nước xuất phát hoặc quá cảnh. Tâm lý thù địch với dân tị nạn trong dân chúng này hậu thuẫn cho các chính trị gia thể hiện sự cứng rắn và kỳ thị, như tại Slovakia nơi lãnh đạo nước này tuyên bố tuần trước là nếu nhận dân tị nạn thì chỉ tiếp nhận người Công giáo.

Thuyết phục các nước này thay đổi thái độ giờ đây là một nhiệm vụ nan giải với các nước như Đức, Pháp. Để trấn an các thành viên Đông Âu, Đức và Pháp cho rằng đây không phải “quota” mà chỉ là sự phân bổ lại lượng người tị nạn “một cách công bằng”. Tính từ đầu năm 2015, Đức đã tiếp nhận gần 200.000 đơn xin tị nạn, Pháp là 30.000 và con số này dự tính sẽ tăng 4-5 lần với Đức và có thể gấp đôi với Pháp. Gánh nặng lớn này buộc Đức và Pháp tìm cách thiết lập nghị trình cho việc giải quyết khủng hoảng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean Claude Juncker cho biết nghị trình này sẽ được trình bày tại Nghị viện châu Âu vào ngày 9-9 tới.

Có hai điểm đang được chờ đợi. Một, EU hứa hẹn sẽ giúp đỡ Hungary bằng cách liệt kê số người tị nạn đã đặt chân lên đất Hungary vào kế hoạch phân bổ tiếp nhận mới, tức xem như Hungary không phải nhận thêm một số lượng người tị nạn mới. Hai, chính thức hóa việc tiếp nhận thêm 120.000 người tị nạn nữa trong năm nay, so với con số dự kiến 40.000 người trước mùa hè. Đây được xem là các bước đầu tiên trước khi EU buộc tất cả các thành viên phải ngồi vào bàn thảo một cách nghiêm túc việc phân bổ số lượng người tị nạn phải tiếp nhận cho từng nước thành viên.

Tuy nhiên, ngay cả khi các nước đạt được thỏa thuận về phân bổ, các vấn đề hậu cần vẫn rất nghiêm trọng. Với tốc độ tiếp nhận người tị nạn như hiện nay, nước Đức gần như mỗi ngày phải xây thêm một trung tâm tiếp đón mới. Tại Pháp, các trung tâm tiếp nhận chỉ có năng lực đón 25.000 người trong khi số đơn xin tị nạn đã gấp đôi. Chính phủ và các chính quyền địa phương bắt đầu quá tải trước áp lực trong lúc các đảng phái chính trị lợi dụng chủ đề này để tạo thêm sức ép. Các phong trào dân sự đang được kêu gọi nhập cuộc nhằm đưa người tị nạn đến các gia đình tiếp nhận nhưng các phân tích đều cảnh báo, đây chỉ là các giải pháp tạm thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới