Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng vẫn bàn chuyện làm ăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khủng hoảng vẫn bàn chuyện làm ăn

Hồng Phúc

Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn AFF. Ảnh: HP.

(TBKTSG) – Trong bức tranh còn ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Hồng Kông cùng với Trung Hoa đại lục đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong những ngày này, khi các chỉ số mới nhất được công bố cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng cao hơn dự đoán và dẫn đầu toàn cầu với trên 8%.

Nhìn từ Hồng Kông

Theo Liên đoàn các sàn giao dịch thế giới (World Federation of Exchanges), tính đến hết năm 2009, Hồng Kông đứng thứ nhất trên thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) với 52 đợt phát hành, hút được 31,5 tỉ đô la Mỹ huy động trong năm, vượt lên dẫn đầu các thị trường truyền thống với mức tăng trưởng trên 180% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Diễn đàn Tài chính châu Á lần thứ ba (AFF, Hồng Kông, 20-22/1), David Eldon, cựu Chủ tịch Ngân hàng HSBC, lạc quan rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc năm nay là không khó dự báo.

Giáo sư KC Chan, Thư ký dịch vụ tài chính và tài sản, thuộc Văn phòng Chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông nói rằng: “2010 sẽ là năm chúng tôi có thể có mức tăng trưởng cao hơn”. Còn Jim Rogers, Chủ tịch Roges Holding, Singapore, nói: “Dòng tài chính thế giới dường như vẫn đang dịch chuyển về châu Á”.

Chính vì những tín hiệu đó, tại diễn đàn này, Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung được giới đầu tư tài chính dự báo sẽ là điểm hút dòng tiền nóng trong năm 2010.

Dù khủng hoảng, một lượng vốn ngắn hạn vẫn chờ cơ hội và tuy có thể ít hơn những năm trước song không có nghĩa giới kinh doanh không đầu tư. Nhiệm vụ của bất cứ tổ chức kinh doanh tài chính nào là phải tối đa hóa lợi nhuận dù trong tình huống nào. Chính vì vậy, những nền kinh tế trỗi dậy sớm từ cơn suy thoái sẽ là điểm đáng chú ý.

Sự yếu đi của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền châu Á cùng với sự lạc quan trên sẽ kéo theo sự dịch chuyển của những dòng tiền nóng vào khu vực này. Đây cũng là phản ứng dễ hiểu của các nhà đầu tư toàn cầu, tìm kiếm mức lợi nhuận gia tăng ở thị trường được dự báo hồi phục sớm. Và giới tài chính cũng cho rằng đây là thời điểm tốt để khai sinh thêm các quỹ mới.

Song, vẫn còn không ít nghi ngại về sự sáng sủa của kinh tế châu Á cũng như kinh tế toàn cầu. Các tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về các bong bóng tài sản đang hình thành ở Trung Quốc cũng như ở các nền kinh tế mới nổi, nơi đã thu hút lượng vốn nóng kỷ lục trong năm qua. Tiền nóng đi kèm với mô hình kinh tế xuất khẩu ở các nước châu Á sẽ khiến sức ép lên thị trường, vốn dễ vỡ, ở các nước này gia tăng.

Peter Wong, Giám đốc điều hành HSBC tại Hồng Kông, cho rằng có thể nhìn toàn cảnh châu Á năm tới từ Hồng Kông. Song, ông cảnh báo rằng 2010 vẫn sẽ chưa phải là một năm dễ dàng. Đó sẽ là năm của sự thay đổi và chuyển động liên tục. Ông nói, với sự tiếp tục của chính sách lãi suất thấp thì tính thanh khoản mạnh chưa trở lại vào năm 2010.

“Khu vực châu Á đón năm 2010 với sự khởi đầu còn gập ghềnh, không loại trừ gánh nặng chèo lái những tài sản bong bóng”, giáo sư kinh tế người Mỹ, ông Nouriel Roubini, nhận định. Ông cho rằng khuynh hướng này có vẻ như sẽ kéo dài 6-12 tháng tới trong khi có nhiều dự đoán đô la Mỹ vẫn là một tài sản rủi ro. Người dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, trong bài phát biểu dài trước Diễn đàn AFF, vẫn quan ngại về những đám mây u ám trên bầu trời tài chính thế giới, không loại trừ châu Á.

Gắng gấp hai lần

Trong khủng hoảng chính quyền Hồng Kông luôn tranh thủ mọi cơ hội và thực tế, họ đã làm rất tốt vai trò là nơi để các ý tưởng kinh doanh đến với nhau, chứ không chỉ là người đem lại các cơ hội đầu tư mới. “Khi tình hình kinh tế chùng xuống khiến tinh thần kinh doanh bị ảnh hưởng đáng kể, chúng tôi tổ chức diễn đàn này để những người chơi trên sân cỏ tài chính thế giới gặp gỡ, gây dựng lại những mối quan hệ mới”, Trưởng Ban hợp tác truyền thông của Cục Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC), Parker Robinson nói.

Patrick Hurley, Tổng giám đốc MidMarket Capital Advisors LLC, tại Mỹ, nói rằng khi bạn phát triển kế hoạch kinh doanh trong một cuộc sống chuyển động thì sự gặp gỡ một – một đem lại cho cả hai sự hứng khởi trong kinh doanh. Một đại biểu tiết lộ, tiền phí tham dự diễn đàn và vé máy bay không nhỏ. Song, “đây là cơ hội cho các cuộc gặp mặt đối mặt và qua đó, chúng ta có thể nói: này chúng ta có thể làm điều gì đó cùng nhau đấy”, Jurgen Kracht, Giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn quản trị Fiducia tại Hồng Kông, chia sẻ. Chi phí đó đắt hay rẻ tùy thuộc vào sự nỗ lực và may mắn của bạn, nhưng quan trọng nhất, đừng ngồi một chỗ.

Trong các phiên thảo luận, các nhà kinh tế hàng đầu và các chuyên gia tài chính bàn về các vấn đề kinh tế vĩ mô song bên ngoài phòng họp lớn, hàng chục phòng họp nhỏ luôn sáng đèn báo “Cuộc gặp riêng” không kể giờ nghỉ trưa.

Parker Robinson nói với chúng tôi rằng hàng năm họ kết nối hàng triệu người mua và bán như vậy, hoặc bằng các hình thức khác theo đặt hàng của doanh nghiệp. Trung bình hàng năm, cơ quan trực thuộc Chính quyền đặc khu hành chính này cung cấp thông tin cho 700.000 đơn vị tìm đối tác làm ăn tại khu vực, 150 báo cáo nghiên cứu cập nhật liên tục, hơn 30 hội chợ giao thương quốc tế, hơn 160 cuộc hội thảo diễn đàn cho các nhà đầu tư hàng năm với 15 ấn phẩm dành cho các nhà đầu tư.

HKTDC thu xếp khoảng 3.000 cuộc gặp mặt đối mặt cho doanh nhân hàng năm, tổ chức tới 600 sự kiện toàn cầu hỗ trợ cho thương mại của Hồng Kông. “Chúng tôi mang về cho Hồng Kông khoảng 300.000 người có nhu cầu mua bán với lãnh thổ này”, vẫn theo lời Robinson.

Trong phần thảo luận về cơ sở hạ tầng cho tài chính tại AFF, Việt Nam được xếp vào một trong những nơi có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều thành phố khác vì chỉ cách Hồng Kông có một giờ bay. Song, cái tên Việt Nam dường như chưa gây được sự chú ý. Tôi hỏi Stephen S.Roach, Chủ tịch Morgan Stanley châu Á, người có kinh nghiệm 25 năm trên thị trường tài chính toàn cầu. Ông nói, giới đầu tư vẫn nghĩ Việt Nam đang trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế, khuôn khổ pháp lý cũng như hòa nhập vào bối cảnh chung. Chúng tôi vẫn tương đối lạc quan về Việt Nam và tôi biết, vẫn có những tổ chức đợi vào Việt Nam khi hạ tầng đã hoàn chỉnh hơn, ông nhận xét.

Vậy là trong khủng hoảng, người ta vẫn vận động chóng mặt, còn ở Việt Nam, tín hiệu cuối năm cho thấy có sự chùng lại. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hoạt động cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu huy động vốn năm 2009 đã giảm mạnh, chỉ bằng 80% so với mức huy động trong năm 2008.

Tôi nhớ đến câu nói của Giáo sư Nouriel Roubini: Nếu năm qua ta đã cố gắng thì năm tới sẽ phải gắng gấp hai lần vì sự khủng hoảng đã bén rễ vào nền tảng cơ bản nhất của thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới