Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khuyến khích liên kết sản xuất chương trình truyền hình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khuyến khích liên kết sản xuất chương trình truyền hình

Ông Lưu Vũ Hải

(TBKTSG) – Hoạt động “xã hội hóa” truyền hình đang diễn ra rất sôi động với sự “bùng nổ” của các kênh truyền hình. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông xung quanh những vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động trong lĩnh vực này.

TBKTSG: Xin ông cho biết nếu so sánh với các nước trong khu vực và thế giới thì lĩnh vực truyền hình của nước ta đang phát triển ra sao?

– Ông Lưu Vũ Hải: So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng lớn các đài truyền hình. Hiện có 67 đài đang phát sóng với khoảng gần 100 kênh truyền hình. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và Đài Truyền hình TPHCM là những đài có trên 8 kênh truyền hình.

Còn mỗi đài phát thanh, truyền hình tỉnh có ít nhất một kênh truyền hình. Lĩnh vực truyền hình Việt Nam đang có những tiến bộ vượt bậc trong những năm gần đây, đã tiếp cận và áp dụng nhiều công nghệ sản xuất chương trình, công nghệ truyền dẫn phát sóng hiện đại của thế giới. Thời lượng chương trình ngày càng được nâng cao, nội dung phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu được thông tin và giải trí của người dân.

TBKTSG: Ông có thể cho biết hiện nay mỗi năm Nhà nước chi bao nhiêu tiền từ ngân sách để “bao cấp” các đài truyền hình? Và có cách nào để bớt khoản tiền “bao cấp” này từ ngân sách, thưa ông?

– Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử mới được hình thành vài tháng nay nên tôi chưa có con số thống kê cụ thể. Song, để giảm chi phí từ ngân sách, Nhà nước cho các đài truyền hình được từng bước áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính. Trên cơ sở đó, các đài được tổ chức kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật để tạo nguồn thu, giúp các đài chủ động hơn nữa trong việc đầu tư trở lại cho sự nghiệp phát triển ngành truyền hình.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các đài. Từ đó kiến nghị những giải pháp để việc chi ngân sách nhà nước cho hoạt động của các đài có trọng điểm, hiệu quả hơn, tránh đầu tư tràn lan như hiện nay.

TBKTSG: Hiện nay nhiều kênh truyền hình nước ngoài đã được phát tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về sự xuất hiện của các kênh truyền hình này?

– Các kênh truyền hình nước ngoài được phép cung cấp tại Việt Nam chủ yếu qua dịch vụ truyền hình trả tiền (truyền hình cáp). Sự xuất hiện của các kênh truyền hình này chủ yếu có tác động tích cực trong tình hình hiện nay, đáp ứng được yêu cầu hội nhập về thông tin.

Phát lại các kênh truyền hình nước ngoài cũng là cách chúng ta tận dụng “kho” thông tin và nguồn tri thức của nhân loại. Các kênh này góp phần cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình thời sự thế giới và phục vụ tốt hơn nhu cầu giải trí cho người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, việc phát sóng nhiều kênh truyền hình nước ngoài cũng có những mặt tiêu cực nhất định. Một số chương trình có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục và môi trường chính trị xã hội của Việt Nam. Để hạn chế mặt tiêu cực, Nhà nước đã quy định cụ thể việc quản lý nội dung của các kênh truyền hình này, trong đó có nêu rõ, các đơn vị thu phát lại các chương trình truyền hình nước ngoài phải có trách nhiệm biên tập để loại bỏ những nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

TBKTSG: Hiện nay các đài truyền hình đều do Nhà nước quản lý và trên thực tế đã có nhiều chương trình truyền hình do tư nhân thực hiện trong xu hướng “xã hội hóa” truyền hình. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

– Huy động các nguồn lực xã hội tham gia sản xuất chương trình truyền hình là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình. Thời gian qua, số lượng các chương trình truyền hình tăng  nhanh và chất lượng được nâng cao nhờ một phần đóng góp của hoạt động xã hội hóa truyền hình.

Để hoạt động này được thực hiện nghiêm túc, Chính chủ vừa giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Quy chế nhằm quản lý hoạt động liên kết trong sản xuất chương trình truyền hình.

Mục đích của việc xây dựng các quy định này là nhằm tạo điều kiện để huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào hoạt động liên kết sản xuất chương trình để nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình; đồng thời nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với các đài truyền hình và các đối tác liên kết, hạn chế và ngăn chặn những mặt tiêu cực của hoạt động liên kết, đặc biệt là đối với chất lượng nội dung các chương trình, nhưng không kìm hãm sự phát triển của những hoạt động này.

Luật Báo chí không cho phép thực hiện hoạt động “mua kênh, bán sóng”, “tư nhân hóa báo chí” nên việc liên kết sản xuất chương trình truyền hình được thực hiện giữa các đài truyền hình và các thành phần kinh tế khác vẫn phải bảo đảm nguyên tắc: Đài truyền hình chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung chương trình.

Trong quy chế liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình sẽ quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến việc hợp tác sản xuất chương trình truyền hình. Trong đó quy định rõ giới hạn thực hiện hoạt động liên kết.

Vân Oanh thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới