Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kịch bản kinh tế năm 2022: GDP tăng trưởng 6-6,5%

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP quý 1, 2, 3, 4 lần lượt trong khoảng 4,9-5,4%, 5,4-5,9%, 7,5-8%, 6,2-6,7%, qua đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6-6,5% được Quốc hội giao.

Thông tin này được nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Chính phủ.

Kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP quý 1 và 2 lần lượt trong khoảng 4,9-5,4% và 5,4-5,9%, qua đó đạt mức tăng trưởng 5,1-5,7% sau 6 tháng đầu năm 2022.

Quý 3, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 7,5-8%, qua đó đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,9-6,4% sau 9 tháng. Quý 4, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 6,2-6,7%, qua đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6-6,5% được Quốc hội giao.

Với kịch bản này, Chính phủ xác định các lĩnh vực, gồm: công nghiệp chế biến – chế tạo, sản xuất – phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà không khí thuộc khu vực công nghiệp; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải – kho bãi, bán buôn – bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy, xe có động cơ khác thuộc khu vực dịch vụ sẽ là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo và sản xuất – phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà không khí được kỳ vọng tăng trưởng trong khoảng 10,8-11,8% và 9,2-9,8%, qua đó giúp khu vực công nghiệp tăng trưởng khoảng 9,2-10,1% vào quý 3 trong bối cảnh lĩnh vực khai khoáng dự kiến tăng trưởng âm trong cả năm.

Khu vực này cũng được kỳ vọng đóng góp khoảng 25,5-25,8% GDP năm 2022, theo Chính phủ.

Còn các lĩnh vực, gồm: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; vận tải – kho bãi; bán buôn – bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy, xe có động cơ khác được kỳ vọng tăng trưởng lần lượt trong khoảng 8,4-8,9%, 8,1-9,1%, 11,5-12,1%, qua đó giúp khu vực dịch vụ tăng trưởng khoảng 8-8,3% vào quý 3.

Lĩnh vực dịch vụ và ăn uống thuộc khu vực dịch vụ cũng dự kiến phục hồi chậm tron quý 1 và 2, rồi tăng trưởng nhanh trong quý 3 và 4 với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,9-7,1% và 7-7,2%.

Còn lĩnh vực nông nghiệp vẫn được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế với mức tăng trưởng được duy trì ổn định qua các quý. Cụ thể, quý 1 trong khoảng 2,8-3,1%, quý 2 trong khoảng 2,6-2,9%, quý 3 trong khoảng 2,5-2,8%, quý 4 trong khoảng 2,3-2,6%.

Với lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Còn tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại – không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém và nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – dự kiên được kiểm soát ở mức dưới 5%.

Với lĩnh vực tài chính, Chính phủ dự kiến tỉ trọng chi chường xuyên và chi đầu tư phát triển lần lượt ở mức 62,3% và 29,5% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh những chỉ tiêu về tăng trưởng và chi ngân sách, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới, Chính phủ sẽ tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để thực sự “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

1 BÌNH LUẬN

  1. Không đơn giản chỉ là nhắm đến chương trình khôi phục và tăng trưởng trong và sau đại dịch. Mục tiêu của năm 2022 và ít nhất cả nhiệm kỳ 2020-2025 là phải xuyên suốt đầy đủ cả 3 nội dung: Khôi phục/ Sàng lọc/ Phát triển. Bởi lẽ Covid đã làm đảo lộn quá nhiều thứ chúng ta chưa thể hình dung hết được. Trong đó quan trọng nhất là cấu trúc kinh tế – xã hội đòi hỏi phải rà soát xem xét lại một cách cơ bản. Yêu cầu một bản cập nhật hoàn toàn mới về tình hình và chiến lược phát triển cho toàn bộ nền kinh tế, cũng như cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng doanh nghiệp… là vấn đề rất cấp bách hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới