Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kịch bản tăng trưởng kinh tế 2023 với GDP có thể đạt 6,83%

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) vừa công bố, đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2023, trong đó ở kịch bản tích cực, GDP tăng trưởng 6,83%.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tiếp tục cam kết mở rộng sản xuất ở Việt Nam ngay cả ở thời điểm kinh tế thế giới khó khăn. Ảnh minh họa: TL

Một loạt động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt trong năm 2022 đã mở đường cho các xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên thông tin từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) rất khả quan, ở kịch bản tích cực, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,83%, xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỉ đô la; lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.

Ở kịch bản thấp hơn, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%, xuất khẩu tăng 7,21%, thặng dư thương mại đạt 5,64 tỉ đô la và lạm phát sẽ ở mức 4,08%.

Theo CIEM, các tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 gồm: khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus corona và các dịch bệnh mới, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế.

Mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát. Các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế “cùng chí hướng” có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với đồng đô la Mỹ…

Đặc biệt, trong bối cảnh phải đối mặt với vấn đề về tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần trong dài hạn, Việt Nam đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Báo cáo đã phân tích thực trạng thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Việt Nam và cho biết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số cũng như số hóa trong cung cấp dịch vụ công.

Đáng chú ý nhất là Hiệp định khung tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Châu Á và Thái Bình Dương (CPTA) của Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng đã thúc đẩy phát triển cơ chế một cửa ASEAN và đang cân nhắc, nỗ lực hợp tác rộng hơn, chẳng hạn như trong CPTA.

Trên cơ sở này, CIEM đề xuất những vấn đề cần cân nhắc nhằm tăng cường mức độ sẵn sàng về kỹ thuật và pháp lý cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới như xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, xây dựng nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia, tăng cường kết nối, trao đổi dữ liệu liên quan tới thương mại xuyên biên giới với các nước trong khu vực, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan và hoàn thiện khung pháp lý trong hệ thống thanh toán ngân hàng, quản lý và thông quan hàng hóa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới