Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kích cầu cũng có nguyên tắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kích cầu cũng có nguyên tắc

Gói kích cầu của Chính phủ chỉ thực sự hiệu quả nếu chỉ tiêu gia tăng hướng đến hàng hóa và dịch vụ nội địa. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) –  Gói kích cầu mà Chính phủ đang triển khai là một con số không hề nhỏ trong hoàn cảnh ngân sách của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu một gói kích cầu được thiết kế không tốt, thì dù tốn kém cũng không vực dậy được nền kinh tế.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng để một gói kích cầu có hiệu quả thì phải đảm bảo ít nhất ba tiêu chí: kịp thời, đúng đối tượng và ngắn hạn.

Kích cầu phải kịp thời

Kịp thời không chỉ là việc Chính phủ phải hành động nhanh chóng mà những biện pháp đưa ra còn phải có hiệu ứng ngay, tức là làm tăng chi tiêu của nền kinh tế. Các chính sách mất quá nhiều thời gian để thực hiện sẽ không có tác dụng và gói kích cầu lúc đó lại có thể gây tác dụng xấu. Các chương trình đầu tư, dự án đầu tư có tốc độ giải ngân chậm không phải là những công cụ kích cầu tốt. Điều này là bởi khi tổng cầu sụt giảm, các biện pháp này lại không có tác động gì trong khi lẽ ra phải tăng tổng cầu lên nhiều nhất.

Kích cầu phải đúng đối tượng

Gói kích cầu có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng chi tiêu và đầu tư của các đối tượng mà gói kích cầu nhắm đến. Những biện pháp kích cầu đúng đối tượng là những biện pháp nhắm tới các đối tượng sẽ chi tiêu hầu như toàn bộ lượng kích cầu dành cho họ.

Mục tiêu của gói kích cầu là làm tăng cầu, nên chìa khóa để thực hiện điều này là cấp tiền cho những người sẽ sử dụng ngay những đồng tiền này, và qua đó đưa thêm tiền vào nền kinh tế. Tiền kích cầu phải được sử dụng để khuyến khích các nhóm đối tượng này tiến hành các khoản chi tiêu mới, hoặc hạn chế việc các nhóm này cắt giảm chi tiêu.

Để việc kích cầu có hiệu quả thì gói kích cầu phải nhắm vào những đối tượng sao cho một đồng tiền chi ra có hiệu ứng kích thích tiêu dùng và đầu tư cao nhất.

Theo một số nghiên cứu trên thế giới thì hiệu ứng cao nhất là dành cho bảo hiểm thất nghiệp. Các nhóm khác nhau trong xã hội sẽ có xu hướng tiêu dùng cận biên khác nhau. Những người có thu nhập cao, thì chỉ có một phần nhỏ khoản hoàn/miễn thuế (hoặc khoản tiền trợ cấp) mà họ nhận sẽ được chi tiêu, trong khi những người có thu nhập vừa và thấp sẽ có nhu cầu chi tiêu cao hơn tính trên khoản hoàn thuế.

Theo một báo cáo nghiên cứu của Zandi (2004) đối với gói kích cầu năm 2001 của Mỹ thì hiệu quả của gói kích cầu cao nhất chính là trợ cấp thất nghiệp (tức là hướng tới nhóm người dễ bị tổn thương nhất do suy thoái). Một đô la kích cầu tạo ra được 1,73 đô la cầu tiêu dùng. Tiếp đó là các biện pháp khác như miễn giảm thu ngân sách cho các địa phương, giảm thuế suất.

Mặc dù cũng là kích cầu, nhưng các loại thuế khác nhau có mức độ tác dụng khác nhau trong việc kích cầu. Nhìn chung, việc giảm thuế đối các người dân có tác dụng kích cầu tốt hơn giảm thuế cho doanh nghiệp. Và việc giảm thuế cho lĩnh vực bất động sản thì hoàn toàn không có tác dụng kích cầu (xem bảng).

Hiệu ứng số nhân chính là lý do tại sao không phải chính sách tài khóa (kích cầu) nào cũng có tác dụng như nhau. Một số chính sách sẽ có tác dụng/hiệu quả hơn các chính sách khác trong việc kích thích nền kinh tế.

Giả sử ông A nhận được khoản tiền mặt trợ cấp 100 đồng từ gói trợ cấp của Chính phủ. Với gia cảnh cũng như thói quen của mình, ông A sẽ sử dụng một phần số tiền trợ cấp nhận được. Đây được gọi là xu hướng tiêu dùng cận biên. Ví dụ nếu ông A tiêu hết 90 đồng thì xu hướng tiêu dùng cận biên sẽ là 90%. Nếu ông A mua sảm phẩm của ông B thì ông B sẽ có thu nhập là 90 đồng. Và cũng giống như ông A, ông B sẽ tiêu dùng khoảng 81 đồng (90% thu nhập), vào sản phẩm của ông C. Đến luợt mình, 81 đồng đó sẽ tạo ra thêm 72,9 đồng cho tổng cầu của nền kinh tế. Trong ví dụ này, 100 đồng kích cầu sẽ tạo ra thêm tổng cầu là 243 đồng.

Mặt khác, gói kích cầu chỉ thực sự hiệu quả nếu như chi tiêu gia tăng của người dân và Nhà nước hướng đến hàng hóa và dịch vụ nội địa. Đối với Việt Nam, nền kinh tế có tỷ trọng nhập khẩu chiếm gần 75% GDP, chúng ta phải hết sức thận trọng khi đưa ra các biện pháp kích cầu để tránh việc kích thích tiêu dùng hàng ngoại nhập. Các đề xuất giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng như linh kiện ô tô, không phải là những chính sách kích cầu đúng đối tượng. 

Kích cầu chỉ trong ngắn hạn

Theo nguyên tắc này, gói kích cầu sẽ chấm dứt khi nền kinh tế đã được cải thiện. Thông thường, sau khi vượt qua suy thoái, nên thực hiện các biện pháp để giảm thâm hụt ngân sách. Nguyên tắc ngắn hạn có hai ý nghĩa: (1) gói kích cầu thực hiện trong ngắn hạn sẽ làm tăng hiệu quả gói kích cầu; (2) chỉ kích cầu trong ngắn hạn để không làm ảnh hưởng tới ngân sách trong dài hạn.

Lý do là khi các biện pháp thực hiện trong ngắn hạn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ đầu tư để tận dụng ưu đãi. Những biện pháp dài hạn như giảm thuế quá lâu sẽ không phải là một biện pháp kích cầu tốt, bởi vì các doanh nghiệp sẽ cảm thấy không cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế cần được kích thích nhất.

Thâm hụt ngân sách lớn trong tương lai cũng đồng nghĩa với suy giảm tiết kiệm trong dài hạn, dẫn tới giảm đầu tư và ảnh hưởng tới tăng trưởng. Đó là chưa kể tới việc thâm hụt ngân sách sẽ ảnh hưởng tới tài khoản vãng lai (mà Việt Nam hiện nay mức độ thâm hụt tài khoản vãng lai đã ở mức đáng báo động).

Tóm lại, khi cân nhắc các biện pháp kích cầu cụ thể, thì các nguyên tắc trên đều phải được tuân thủ và xem xét một cách đồng thời. Nếu một biện pháp kích cầu cụ thể mà vi phạm một trong những nguyên tắc đó thì về cơ bản đó chưa phải là một biện pháp kích cầu tốt.

NGUYỄN NGỌC ANH (1) – NGUYỄN THẮNG (2)

(1) Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển – DEPOCEN

(2) Trung tâm Phân tích và Dự báo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới