Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kích cầu du lịch nội địa: đừng chỉ nhằm thanh lý hàng tồn!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kích cầu du lịch nội địa: đừng chỉ nhằm thanh lý hàng tồn!

TS. Lương Hà (Paris)

(TBKTSG) – Việc ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19 giúp Việt Nam có điều kiện để tái khởi động ngành du lịch trong cơn lao đao. Tuy nhiên, trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, thậm chí có khả năng tạo nên một làn sóng dịch thứ hai, thì việc có thể tiếp đón khách quốc tế trở lại có lẽ là câu chuyện của năm 2021 trở đi. Trước mắt, du lịch Việt Nam chỉ có thể trông đợi vào nguồn nội lực, tức là thị trường của hơn 96 triệu du khách nội địa.

Kích cầu du lịch nội địa: đừng chỉ nhằm thanh lý hàng tồn!
Du lịch Việt Nam giờ chỉ có thể trông đợi vào nguồn lực nội địa của hơn 96 triệu dân. Ảnh: Đào Loan

Không chỉ là việc làm nhất thời

Thật ra, ở các nền kinh tế mới nổi và phát triển, du lịch nội địa luôn là phân khúc chính của ngành du lịch. Theo báo cáo năm 2017 của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), có 22/31 quốc gia được phân tích (trong đó có Việt Nam), du lịch nội địa chiếm ít nhất 50% tổng chi tiêu của du khách. Du lịch nội địa trở nên quan trọng ở hầu hết các quốc gia này, được thúc đẩy bởi dân số trung lưu ngày càng tăng hoặc khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trong nước ngày càng tăng bởi các sáng kiến của chính phủ trong việc thúc đẩy điểm đến mới và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, du lịch nội địa giúp hỗ trợ và tăng cường niềm tự hào của các địa phương và quốc gia, tạo cơ sở cho việc nâng cấp hạ tầng, phân tán du khách về mặt địa lý giữa các khu vực, thu hẹp biên độ dao động của tính thời vụ và tạo cơ hội việc làm. Từ đó, nó thúc đẩy sự thịnh vượng cho người dân địa phương và giúp thu hút nhân lực trẻ có trình độ cao. Quan trọng nhất là, một ngành du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững cũng có thể giúp một quốc gia chịu được các cú sốc và biến động về nhu cầu có thể phát sinh do ảnh hưởng của khủng hoảng từ thị trường nguồn bên ngoài.

Trong đợt kích cầu này, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch nên cùng nhau bắt tay tạo ra các gói sản phẩm khuyến mãi đa mục tiêu hơn. Khuyến mãi không chỉ là để “giải cứu”, “bán tháo sản phẩm” mà quan trọng hơn là “cho dùng thử” (sampling) các dịch vụ cao cấp vốn chỉ dành cho du khách nước ngoài, hướng đến phân khúc trung cấp trở lên.

Nhìn lại năm 2019, nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda cho biết các điểm đến trong nước vẫn tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu của du khách Việt Nam. TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, Hội An, Phan Thiết và đảo Phú Quốc vẫn được du khách ưu tiên chọn lựa làm điểm đến. Riêng Phú Quốc, theo một thống kê sơ bộ năm 2019, khách nội địa đến hòn đảo này du lịch lên đến 78,9%. Điều này một lần nữa khẳng định việc quay trở về chăm sóc phân khúc khách nội địa, nhất là phân khúc trung và cao cấp, không chỉ là việc làm nhất thời trong mùa đại dịch, mà nên nhìn nhận như là một cơ hội để khai thác đúng mức vai trò và tiềm năng của nó với một định hướng chiến lược lâu dài, khi thu nhập của người dân đang dần được cải thiện.

Kích cầu không chỉ là hạ giá

Việc kích cầu du lịch nội địa trong thời điểm hiện tại nếu không đặt ra được mục tiêu đúng đắn và được triển khai một cách tổng thể thì không những không phát huy được cơ hội, mà ngược lại có thể gây ra những cạnh tranh không lành mạnh, gây mất lòng tin với người tiêu dùng trước các gói khuyến mãi kích cầu về sau.

Trước tiên, cần nói về kích cầu du lịch thông qua các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp trong ngành du lịch. Thông thường, mục tiêu chính của doanh nghiệp là thanh lý hàng tồn bằng chiêu thức đại hạ giá. Điều này thật ra cũng dễ hiểu và dễ cảm thông vì đó là cách đơn giản nhất mà lại hiệu quả ngay tức thì. Tuy nhiên, khuyến mãi trong tiếp thị có nhiều mục đích quan trọng khác như: thử nghiệm sản phẩm mới, thâm nhập thị trường, tri ân khách hàng thân thiết, hình thành thói quen mới cho thị trường hoặc tái định vị thương hiệu. Khi đưa thêm các mục tiêu này vào chiến dịch khuyến mãi, có lẽ các doanh nghiệp sẽ biết mình cần làm gì, nhất là trong việc tư duy lại các gói sản phẩm dịch vụ cho các “thượng đế” nội địa.

Đơn cử một ví dụ, trong khi không thiếu các gói sản phẩm cao cấp dành cho du khách quốc tế, thì các sản phẩm dành cho thị trường nội địa dường như luôn được thiết kế với giá rẻ hơn là sự đẳng cấp. Các tour trải nghiệm đời sống nông thôn miền Tây Nam bộ phần nhiều thường đi theo hướng đời sống “tá điền” với các dịch vụ hời hợt, thay vì được trải nghiệm đời sống hưởng thụ của “công tử Bạc Liêu” trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven sông.

Có chung tay mới mong làm nên chuyện

Xa hơn, hậu Covid-19, kích cầu du lịch nội địa cần phải trở thành một hoạt động định kỳ thực chất giúp du lịch Việt Nam tránh được các cú sốc và khủng hoảng khác tương tự trong tương lai.

Trong đợt kích cầu này, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch (lưu trú, vận tải, hàng không, lữ hành) nên cùng nhau bắt tay tạo ra các gói sản phẩm khuyến mãi đa mục tiêu hơn. Khuyến mãi không chỉ là để “giải cứu”, “bán tháo sản phẩm” mà quan trọng hơn là “cho dùng thử” (sampling) các dịch vụ cao cấp vốn chỉ dành cho du khách nước ngoài, hướng đến phân khúc trung cấp trở lên như là một cách “mớm mồi” thị trường. Đây cũng sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung làm mới hình ảnh vốn luôn bị dính chặt với giá rẻ, bình dân và dịch vụ kém.

Về phương thức triển khai hợp tác giữa các doanh nghiệp, thay vì thanh toán tiền mặt, cần đẩy mạnh hình thức hàng đổi hàng (barter). Hợp tác không chỉ giữa các doanh nghiệp lữ hành mà cần hợp tác liên ngành để tạo ra lợi ích tổng hợp cho khách hàng (các ngân hàng tài trợ chính sách đi du lịch trả góp không lãi suất cho khách hàng thường xuyên, các doanh nghiệp thương mại liên kết tích lũy điểm khách hàng thân thiết khi đi du lịch…).

Ở góc độ triển khai tổng thể và quản lý nhà nước, kích cầu du lịch không chỉ là nhiệm vụ của Tổng cục Du lịch mà cần được xem như là một trong những chính sách khôi phục kinh tế hậu Covid-19, với sự chỉ huy của Chính phủ và sự đồng lòng vào cuộc của chính quyền các địa phương, bộ ngành liên quan (Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn Lao động…). Chẳng hạn, ngoài chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp du lịch, cần có thêm chính sách cho các doanh nghiệp ưu tiên chi tiêu cho phúc lợi người lao động dưới hình thức du lịch nội địa. Chính quyền các địa phương cùng đẩy mạnh liên kết du lịch vùng bằng việc triển khai xây dựng chính sách giá, sản phẩm du lịch, chiến dịch tiếp thị và quảng cáo, xử lý vi phạm các hình thức kích cầu ảo, chia sẻ chi phí trong việc xây dựng các platform thông tin du lịch vùng, liên kết vận tải và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông…

Xa hơn, hậu Covid-19, kích cầu du lịch nội địa cần phải trở thành một hoạt động định kỳ thực chất giúp du lịch Việt Nam tránh được các cú sốc và khủng hoảng khác tương tự trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới