Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kích cầu: đừng chỉ trông đợi 100.000 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kích cầu: đừng chỉ trông đợi 100.000 tỉ đồng

Tranh minh họa: Khều

(TBKTSG) – Năm 2008 đã trôi qua, rất nhiều người lao động đã bị mất việc; nhiều doanh nghiệp đã hoặc đang bên bờ phá sản, nhiều công xưởng đóng cửa, ngừng sản xuất và nhiều ngành đã chịu những thất bát lớn trong năm 2008.

>> Không “quên” cam kết với WTO

Do đó, để đạt mục tiêu bình ổn kinh tế và duy trì tăng trưởng, nhiệm vụ của năm 2009 sẽ nặng nề hơn nhiều và không chỉ gói gọn trong việc kích cầu.

Cần thống nhất quan điểm kích cầu

Khái niệm kích cầu xuất hiện từ những năm đầu của những năm 30 ở thế kỷ trước, khi kinh tế Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái. Khi đó, theo John Maynard Keynes, kích cầu là việc thực hiện các biện pháp tăng chi tiêu của chính phủ để tăng tổng cầu của nền kinh tế hay giảm thuế suất các loại thuế để kích thích sản xuất và tiêu dùng hoặc áp dụng đồng thời cả hai biện pháp trên.

Trải qua thời gian dài, các nền kinh tế cũng đã có những sự biến động và nhiều thay đổi trong quan điểm điều hành kinh tế. Đối với nước ta hiện nay, chưa có một sự thống nhất như thế nào là kích cầu. Thế nhưng, dường như đang có những khái niệm mới, phát triển quan điểm của Keynes.

Đối với nước ta, dường như chúng ta cũng cho rằng, kích cầu là việc thực hiện tất cả các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong hiện tại. Từ việc tăng chi tiêu của Chính phủ, từ những động thái trong việc giảm thuế đến việc sử dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ hay việc áp dụng nhiều chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn của các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, cần giữ nguyên quan điểm kích cầu của Keynes và xem đó chỉ gói gọn trong việc tăng chi tiêu của chính phủ hay giảm thuế hoặc áp dụng đồng thời cả hai cách thức này.

Nếu thống nhất với quan điểm mới, thì kích cầu không chỉ dừng lại ở gói 17.000 tỉ đồng hay 100.000 tỉ của Chính phủ mà rõ ràng, ngoài việc tăng chi tiêu này còn có nhiều việc phải làm hơn trong năm 2009 để có thể tháo gỡ những khó khăn của nền kinh tế trong hiện tại.

17.000 tỉ hay 100.000 tỉ đồng: chỉ giải quyết được một phần

Trong các cuộc hội thảo gần đây bàn về việc sử dụng gói kích cầu 100.000 tỉ đồng dự kiến hay những cuộc đối thoại giữa Chính phủ, các bộ quản lý và các doanh nghiệp, rất nhiều ý kiến mong muốn doanh nghiệp mình, ngành mình được ưu đãi từ nguồn này.

Thậm chí, một số thông tin gần đây còn cho rằng TPHCM đang đề nghị “xin” 17.000 tỉ trong gói 100.000 tỉ nói trên. Hoặc việc ngành xây dựng cũng đề nghị được Chính phủ trích hàng ngàn tỉ đồng để giải quyết những khó khăn của ngành. Đó là minh chứng về những khó khăn lớn của các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương và điều này cũng phần nào phản ánh được những “niềm hy vọng” rất lớn đối với gói kích cầu dự kiến của Chính phủ.

Như đã nói ở trên, do nguồn lực của nền kinh tế có hạn nên Chính phủ không thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu của các thành phần trong nền kinh tế, dẫu biết rằng, lạm phát và suy thoái không loại trừ một ai. Thế nhưng, việc thiếu nhất quán trong quan điểm kích cầu sẽ dẫn đến việc không rõ ràng trong quan điểm chỉ đạo.

Ngoài kích cầu, đó còn là tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế và chính sách hợp lý đối với doanh nghiệp; xây dựng các hành lang phù hợp với các ngành; hỗ trợ và chỉ đạo các địa phương xây dựng những biện pháp để có thể chủ động đối phó với suy thoái.

Tránh sự kỳ vọng quá lớn vào kích cầu

Khi chưa có một tuyên bố chính thức rằng kích cầu chỉ giải quyết một phần khó khăn của nền kinh tế thì sự kỳ vọng đối với “miếng bánh” 100.000 tỉ đồng kích cầu này sẽ có ở tất cả các thành phần kinh tế.Vì vậy, để tránh những kỳ vọng kiểu như vậy cần sớm có những tuyên bố chính thức về quan điểm kích cầu.

Ngoài việc sớm công khai xác định các đối tượng cụ thể được hỗ trợ (trực tiếp hoặc gián tiếp), cũng cần sớm đưa ra những giải pháp tạo điều kiện cho các ngành, các doanh nghiệp và các hộ sản xuất không được hỗ trợ từ gói kích cầu có thể tự chủ vượt qua khó khăn.Cần tránh tình trạng chờ đợi quá nhiều vào việc tăng chi tiêu của Chính phủ.

PHAN THANH TỊNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới