Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kích cầu… hàng Trung Quốc?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kích cầu… hàng Trung Quốc?

Lợi dụng những bất hợp lý trong chính sách thuế, thép Trung Quốc đang tràn vào thị trường Việt Nam với giá rẻ, gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước. – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Bộ Công Thương cách đây vài ngày gửi văn bản yêu cầu Bộ Tài chính sớm quyết định điều chỉnh thuế suất nhập khẩu thép và phôi thép. Vì có một thực tế đang diễn ra là nhiều doanh nghiệp nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc), thông qua các công ty Việt Nam, đang tận dụng những chính sách còn bất hợp lý để giải phóng hàng tồn kho.

“Năm 2009, ngành thép trong nước đủ năng lực để sản xuất 5,5-6 triệu tấn phôi thép, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thực tế trong nước về phôi thép. Riêng phôi cho cán tấm nóng thì vẫn phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được. Về thép cán xây dựng thông thường, tổng công suất đầu tư trong nước đã vượt xa nhu cầu”, Thứ trưởng Lê Dương Quang nêu trong văn bản Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính hôm 20-3.

Nói tóm lại, riêng về ngành thép, Việt Nam chỉ cần có ưu đãi đôi chút với mặt hàng chưa sản xuất được là phôi cán nóng. Ở các chủng loại thép còn lại, vì trong nước đã sản xuất được nên không khuyến khích ưu đãi trong chính sách nhập khẩu.

Ở ngành hàng thiết yếu như thép, chiếm tỷ trọng 9,99% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và đóng góp tới 8,92% vào mức tăng chung của CPI nước ta năm 2008 thì bất cứ một sự điều chỉnh nào từ các chính sách trong và ngoài nước cũng có tác động rất lớn đến sự sống còn của nhiều doanh nghiệp.

Nên từ lâu, mối quan ngại lớn nhất của nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam, trong sự suy thoái kinh tế toàn cầu là tình trạng bán phá giá hàng hóa từ nước có nguồn cung lớn nhất là Trung Quốc vào các thị trường lân cận, qua các chính sách kích cầu, hạ thuế xuất khẩu xuống mức thấp nhất có thể.

Nhiều cảnh báo đã được đưa ra, như nhận định hồi đầu tháng này từ Trung tâm Thông tin công nghiệp – thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ tháng 12-2008, Trung Quốc đã hạ thuế xuất khẩu từ 15% xuống còn 0% đối với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời với việc nới rộng quản lý bằng giấy phép đối với xuất khẩu thép để thúc đẩy đầu ra được mạnh hơn. Đây là những chi tiết cụ thể trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đối với chín ngành hàng trọng điểm năm 2009, đã được Trung Quốc công bố. Tất nhiên, thép có mặt trong danh sách.

Thép xây dựng Trung Quốc, qua một vài nhà nhập khẩu Việt Nam, đã đàng hoàng đi bằng cửa chính vào thị trường nội địa với một số lượng đáng kể mà hầu như không vấp phải một hàng rào thuế quan nào, do các nhà xuất và nhập khẩu chọn được một lỗ hổng rất lớn trong chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam.

Đó là việc nhập một loại thép cuộn dùng cho xây dựng có hàm lượng Boron (gọi tắt là Bo) lớn hơn hoặc bằng 0,0008%. Nhờ sự có mặt của hàm lượng chất Bo (một trong những chất có thể làm gia tăng độ cứng) trong thép nhưng không phải là thành phần cần thiết cấu thành chất lượng thép xây dựng, khoảng 22.000 tấn thép cuộn được áp mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% dành cho thép hợp kim cán nóng. Cách áp thuế cho chủng loại thép này gặp phải sự phản đối dữ dội của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, kể cả các doanh nghiệp FDI.

Đến mức trung tuần tháng 3, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã gửi văn bản số 22 đến Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương đề nghị kiểm tra một số lô thép dạng này được nhập về từ Trung Quốc.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, nêu lý do: “VSA nhận được thông tin từ một số công ty thành viên cung cấp, theo đó những lô hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm được chủ hàng khai với Hải quan là thép cuộn hợp kim, được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% nên bán ra thị trường với giá rất hạ so với thép cuộn sản xuất trong nước làm cho tiêu thụ thép cuộn trong nước giảm rõ rệt”.

Văn bản này còn nói rằng, một số công ty đã lấy mẫu của các lô hàng trên đưa kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam) và kết quả thu được không đúng với tờ khai hải quan, do chỉ là thép carbon thông thường.

Câu chuyện này đúng sai đến đâu vẫn còn đang được làm rõ. Bộ Tài chính thật ra cũng đã nhận ra những sơ sót này, qua việc sửa đổi bổ sung Biểu thuế suất thuế nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 2-2-2009, áp dụng cho các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 1-1-2009, đưa mặt hàng thép hợp kim cán nóng dùng cho xây dựng có hàm lượng Bo lớn hơn hoặc bằng 0,0008% bị đánh thuế nhập khẩu 5%.

Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, hải quan vẫn chưa truy thu được hơn 10 tỉ đồng tiền thuế của doanh nghiệp nhập khẩu vì nơi nhập cho rằng, mặt hàng này cần phải được tính vào diện ưu đãi như trước.

Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường khẳng định: “Đây không phải là câu chuyện về vài phần trăm mức thuế mà là một kẽ hở chính sách bị lợi dụng. Nếu đơn thuần là câu chuyện nhỏ về một doanh nghiệp, về một mục thuế, có lẽ không có nhiều doanh nghiệp phản ứng đến thế. Chúng tôi không muốn nhìn thấy chính sách trong nước lại kích cầu cho hàng nước khác trong điều kiện đầu ra quá khó khăn như hiện nay”.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới